Đây là yêu cầu của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại Hội nghị toàn quốc tổng kết ngành tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị
Năm 2022, ngành tuyên giáo đã triển khai, hoàn thành khối lượng lớn công việc, có những kết quả nổi bật, đột phá, những điểm mới so với năm 2021, được cán bộ, đảng viên và dư luận đánh giá cao. Ngành tuyên giáo cũng thống nhất phương châm, khẩu hiệu hành động năm 2023 là “Bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ”.
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân
Tỉnh An Giang, một tỉnh biên giới, nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, bên cạnh những yếu tố thuận lợi cũng đan xen nhiều thách thức, nhất là trong điều kiện đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn gặp không ít khó khăn. Theo đó, một trong những động lực phát triển được tỉnh này xác định trong những năm qua chính là phát huy tối đa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, cùng nỗ lực chung tay xây dựng quê hương.
Đặc biệt, trong điều kiện của một tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo thì giải pháp quan trọng đó là phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo. Trong đó, tăng cường công tác phối hợp, gắn chặt tuyên truyền vận động; kịp thời cung cấp thông tin để những người có uy tín thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền.
Ông Lê Hồng Quang – Bí thư Tỉnh ủy An Giang – chia sẻ, trong quá trình củng cố kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội, nhất là đối với địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, tỉnh luôn quan tâm chú trọng việc bổ sung người có uy tín tham gia các đội ngũ, kịp thời tuyên truyền, vận động ngăn ngừa, xử lý các vấn đề “nhạy cảm”, “phức tạp”, quyết không để kẻ địch, phần tử xấu tác động, lợi dụng, lôi kéo. Điều này đã giúp cho công tác tuyên truyền miệng, hoạt động nắm bắt, phản hồi, định hướng dư luận xã hội và công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn đạt được hiệu quả cao.
Tại tỉnh Hậu Giang, giữ vững và phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, thống nhất trong Đảng và cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận từ các tầng lớp nhân dân cũng là một trong các yếu tố quyết định cho mọi thắng lợi khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Trong đó phải kể đến kết quả nổi bật thuộc lĩnh vực kinh tế – xã hội…
Theo ông Nghiêm Xuân Thành – Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, năm 2022, tốc độ phát triển tổng sản phẩm (GRDP) của Hậu Giang ước tính đạt 113,94%, đứng đầu vùng ĐBSCL và đứng thứ tư trên cả nước. Tỉnh đã phát triển đồng bộ về giáo dục, y tế, kết cấu hạ tầng, công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Việc phát huy tối đa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân không chỉ được chú trọng ở tỉnh An Giang, Hậu Giang mà còn ở tất cả các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Đơn cử tại TP.HCM, với ý chí quyết tâm của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; trên tinh thần thích ứng linh hoạt, chủ động, quyết liệt, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa triển khai các nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện các biện pháp khắc phục những vấn đề tồn đọng, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả nhanh hơn kỳ vọng và dự báo, đồng bộ và khá toàn diện; quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt so với trước khi có dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM – cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) ước tăng 9,03% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (Kế hoạch năm 2022 là 66,5%). Thu ngân sách có sự tăng trưởng tích cực, ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ; xuất khẩu đạt 49,5 tỷ USD tăng 10,3%… Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ vươn lên mạnh mẽ; các hoạt động văn hóa, xã hội, GD-ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục cải thiện nâng lên. Công tác đối ngoại được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục giữ vững, tạo chuyển biến tích cực, nhất là công tác xây dựng Đảng góp phần quan trọng trong tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.
Không để vùng trắng về công tác tư tưởng
Từ những kết quả đạt được trong năm 2022, của ngành tuyên giáo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương toàn ngành đã nêu cao tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra và những nhiệm vụ mới phát sinh từ thực tiễn.
Để phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả trong hoạt động của công tác tuyên giáo, đặc biệt trong bối cảnh năm 2023 là năm “bản lề” thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ông Nghĩa nhấn mạnh, toàn ngành tuyên giáo tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thời kỳ mới. Tư tưởng đó phải được thấm sâu trong từng cán bộ, đảng viên và nhân dân, không cho phép ai được ngả nghiêng dao động với mục tiêu cao cả ấy và phải để nó trở thành bản lĩnh, niềm tin.
Phải kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kiên định những nguyên tắc cơ bản của Đảng. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Ông Nghĩa cũng yêu cầu công tác tuyên giáo phải có tính Đảng, tính chiến đấu, phải truyền cảm hứng xuống tới cơ sở, tạo được sự đồng thuận trong đảng viên. Công tác giáo dục và thuyết phục phải được nâng cao, đặc biệt chú trọng tới tính thực tiễn, nêu cao vai trò trách nhiệm từ đó mới chống được quan liêu trong tư tưởng, hành động. Mặt khác, công tác tuyên giáo phải triển khai toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có đột phá. Trong công tác tuyên giáo, luôn phải đặt quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Phải chủ động, thiết thực, kịp thời, hiệu quả, không để vùng trắng về công tác tư tưởng.
Đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả tham mưu đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, về thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt cần thẳng thắn chia sẻ thuận lợi, khó khăn để có giải pháp phù hợp vì lợi ích chung.
Đối với toàn ngành, cần kiện toàn tổ chức bộ máy tuyên giáo Trung ương và tuyên giáo các cấp để đảm bảo hoạt động ngày càng hiệu quả. Xây dựng quy chế làm việc nội bộ, quy chế làm việc giữa ngành tuyên giáo với các bộ ngành, đơn vị.
Linh Anh
Bình luận (0)