Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Làm giàu không khó trên YouTube

Tạp Chí Giáo Dục

Bắt đầu “làm” YouTube cách đây hơn 1 năm, với gần 500 video “phát sóng”, anh Ph. bụi cho biết, cách đây vài ngày, kênh của anh mới được 100.000 lượt người đăng ký, đạt “nút” bạc của YouTube.

Cơ hội rải đều cho bất cứ ai

Theo anh Nguyễn Vũ Văn (chủ một kênh YouTube về du lịch), hiện tượng “Bà Tân vlog” là rất hiếm, vì chỉ ra đời 20 ngày, với hơn 20 video, nhưng đã có hơn 1 triệu lượt người đăng ký, mỗi video đều có vài triệu lượt người xem. Anh Văn cho biết, người dùng có thể kiếm tiền thông qua Chương trình Đối tác YouTube qua 5 hình thức. Tuy nhiên, theo quy định của YouTube, do yêu cầu pháp lý tại từng quốc gia, có thể một trong số các tính năng này sẽ không được cung cấp.

Các hình thức kiếm tiền gồm: (1) nhận doanh thu từ quảng cáo hiển thị hình ảnh, quảng cáo lớp phủ và quảng cáo video. (2) hội viên trả một khoản phí định kỳ để hưởng các đặc quyền mà YouTube cung cấp. (3) người hâm mộ có thể xem và mua hàng hóa mang thương hiệu chính thức của kênh, được trưng bày trên các trang xem của youtuber. (4) người hâm mộ trả tiền để làm nổi bật tin nhắn của họ trong các buổi phát trực tiếp của youtuber và (5) nhận một phần từ phí đăng ký của người đăng ký YouTube Premium, khi họ xem nội dung của youtuber. Hình thức kiếm tiền phổ biến nhất ở Việt Nam qua youtube là gắn quảng cáo vào các clip nội dung và “ăn chia” cùng Google. Điều kiện để bật quảng cáo là kênh phải có từ 1.000 người đăng ký trở lên, đạt 4.000 giờ xem trong 12 tháng qua và đã liên kết tài khoản AdSense…

Một youtuber hoạt động khá đơn giản chỉ với một máy quay nhỏ gọn

Như vậy, các youtuber ở Việt Nam kiếm tiền nhờ quảng cáo sẽ cần càng nhiều lượt xem càng tốt, đồng nghĩa với số tiền nhận được càng nhiều. Vì thế, không ít người làm nội dung bất chấp các giá trị về văn hóa, giáo dục, làm các clip phản cảm nhưng gây tò mò, kích thích, dung tục… để thu hút người xem và kiếm tiền.

Theo anh Huỳnh Quý – chủ một kênh YouTube về ẩm thực thì hiện nay tại Việt Nam có khá đa dạng xu hướng video. Trong đó, các dạng đang “ăn khách” là vlog (ngồi trước máy quay trò chuyện), review (giới thiệu, đánh giá sản phẩm/dịch vụ), tutorial (hướng dẫn làm một thứ gì đó)… Đương nhiên, những video mới, độc, lạ sẽ lôi kéo sự tò mò của giới trẻ – lứa tuổi theo dõi YouTube nhiều nhất hiện nay.

Độc đáo gần với… thuốc độc

“Nội dung không phải là thước đo sự thành công của một kênh YouTube mà lượt người xem và lượng tiền kiếm được mới quan trọng. Điều này đã khiến nhiều youtuber tìm cách nổi tiếng để có thu nhập, thậm chí là vi phạm pháp luật, khi sản xuất các nội dung thiếu tính giáo dục, vô văn hóa… Chính vì điều này nên mới xuất hiện các hiện tượng như Khá Bảnh và trào lưu giang hồ YouTube” – anh Huỳnh Quý chia sẻ. Cuối tháng Tư vừa qua, nhiều phụ huynh tá hỏa khi phát hiện các em nhỏ xem video hướng dẫn… sử dụng ma túy trên YouTube. Đáng nói, video trên được đăng tải ở một kênh có 800.000 người đăng ký.

Kênh Bà Tân vlog trở thành hiện tượng dù nội dung thô sơ

Trong 6 tháng, Đình Huy (ngụ Q.8, TP.HCM) đã bỏ ra hơn 30 triệu đồng để đầu tư kênh YouTube kiểu “miệt vườn” của mình, nhưng chưa đạt đến 50.000 lượt người đăng ký. Trong khi đó, chỉ với hai video “review” địa điểm bị đồn thổi là có ma ở Sài Gòn, Huy đã thu hút được gần 3 triệu lượt xem. Các kênh YouTube hiện nay cạnh tranh rất gắt, bởi mỗi ngày có hàng trăm kênh mới ra đời và những nội dung tích cực, được đầu tư bài bản chưa chắc đã thu hút bằng các video “ăn xổi”. “Người xem YouTube hiện đang chuộng các sản phẩm “mì ăn liền”, nên mới có chuyện đám tang của người nổi tiếng có hàng trăm youtuber tới quay phim, livestream. Các sự kiện giật gân đang trở thành mồi ngon cho YouTube nên các youtuber dần cũng mất tính sáng tạo” – Đình Huy nói.

Khi YouTube trở thành mảnh đất màu mỡ, “hái ra tiền”, số lượt xem được ưu tiên hàng đầu thì các nhà văn hóa bắt đầu lo ngại về sự lệch chuẩn trên không gian mạng. Giới trẻ làm YouTube “xàm” để kiếm tiền và những độc tố từ YouTube lại tác động ngược vào văn hóa của họ.

Ông Đặng Lê Anh, phụ trách giáo dục Trường nội trú IVS, cho biết: “Sự lệch chuẩn văn hóa ở không gian mạng sẽ tác động rất lớn đến đời sống giới trẻ, vì các em tham gia môi trường mạng và theo các trào lưu trên ấy rất nhiều. Từ thực tế giảng dạy, tôi thấy một điều là các thanh thiếu niên ở các miền quê bị ảnh hưởng các trào lưu mạng nhiều hơn, rõ ràng hơn. Vì sao? Vì ở nông thôn, các em không có gì để chơi cả, sinh hoạt văn hóa rất nghèo nàn. Vấn đề hiện nay là ta cần quản lý các video độc hại trên mạng và xây dựng lực lượng tiên phong nghiên cứu về văn hóa mạng, để ứng phó kịp với tình hình”. 

Theo Sơn Vinh/PNO

 

Bình luận (0)