Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học phí đại học không thể cứ tăng mãi

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi các trường đại học đang dự kiến kế hoạch tuyển sinh cho năm nay thì nhiều học sinh đang phải tính toán vào trường nào có mức học phí vừa sức với thu nhập của cha mẹ và đủ sức theo đuổi suốt bốn năm học.

Bởi học phí tại các trường đại học công lập tự chủ tài chính hoặc hệ chất lượng cao của các trường công… đã bằng, thậm chí cao hơn các trường tư. 

Nghịch lý học phí trường công cao hơn trường tư 

Nhiều trường đại học (ĐH) công đã được phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ có mức học phí chương trình đại trà cao ngang ngửa các trường tư thục. Theo Nghị định 86, mức trần học phí chương trình đại trà tại các đơn vị tự chủ trong năm học 2019-2020 đã lên đến con số 18,5-46 triệu đồng/năm. Các trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng… là những trường công có mức học phí khá “chát”. 

Cán bộ của Trường ĐH Tài chính – Marketing cho biết, mức học phí năm 2019 đang được trường tính toán và bàn thảo nhưng trên tinh thần sẽ không tăng nhiều so với mức học phí năm 2018 là 18 triệu đồng/năm cho tất cả các ngành hệ đại trà. Riêng sáu ngành chất lượng cao bậc ĐH là 36.300.000 đồng/năm; sáu ngành chất lượng cao bậc cao đẳng là 15 triệu đồng/năm.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thông tin: mức học phí năm 2019 của trường sẽ giữ ổn định từ 18-20 triệu đồng/năm. Tương tự, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dự kiến thu chương trình đại trà khoảng 16,5-18,5 triệu đồng/năm.

Hoc phi dai hoc khong the cu tang mai
Học sinh các tỉnh đến ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh tại Trường đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) tìm hiểu về ngành nghề, học phí, việc làm

Trong khi đó, nhiều trường tư lại có mức thu học phí tương đương hoặc thấp hơn. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dự kiến không tăng học phí so với năm 2018, khoảng 8-10 triệu đồng/học kỳ (trừ khối ngành khoa học sức khỏe). Mức học phí này sẽ ổn định trong suốt thời gian sinh viên theo học tại trường. Bên cạnh đó, các trường tư như ĐH Văn Hiến, ĐH Gia Định cũng có mức học phí khá mềm, trên dưới 20 triệu đồng/năm.

Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, chia sẻ: “Sau nhiều năm giữ ổn định học phí thì năm nay nhà trường dự kiến tăng lên 24 triệu đồng/năm. Sinh viên sẽ không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào và học phí này sẽ duy trì trong suốt khóa học.

“Thực ra, với một trường tự thân vận động, không có kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước thì mức học phí này trang trải cho toàn bộ chi phí đào tạo sẽ khá chật vật. Nhưng ở địa bàn tỉnh, chúng tôi phải chấp nhận mức phí này vì người học”, thạc sĩ Hiển cho hay. 

Trường chưa tự chủ đã có hệ chất lượng cao

Theo Nghị định 86/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, mức trần học phí đối với chương trình đào tạo đại trà tại các cơ sở chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư trong năm học 2019-2020 sẽ dao động từ 8,9-13 triệu đồng/năm (tương đương khoảng 890.000 – 1,3 triệu đồng/tháng). Các trường ĐH công chưa kịp tự chủ đã tranh thủ mở những ngành dịch vụ cao, chất lượng cao… để chiêu sinh với mức học phí cao hơn nhiều. 

Dĩ nhiên, đây phải là những ngành "hot" của trường mới thu hút được người học không đủ điểm vào hệ đại trà sẵn sàng chấp nhận mức học phí cao hơn. Đối với các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2019, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn sẽ tuyển sinh chương trình chất lượng cao với năm ngành được cho là “hút” người học nhất: báo chí, ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, quan hệ quốc tế, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Học phí dự kiến tăng 10%, từ 33 triệu đồng/năm (2018) lên 36 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Bách khoa có học phí hệ đại trà là 10,6 triệu đồng/năm. Trong khi đó, chương trình chất lượng cao bằng tiếng Anh lên đến 30 triệu đồng/học kỳ, tức khoảng 60 triệu đồng/năm, cao gấp sáu lần chương trình đại trà. 

Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Luật, cho biết: "Hiện tại, chúng tôi vẫn tư vấn cho thí sinh mức thu học phí lớp đại trà trung bình hơn 8 triệu đồng/năm. Lớp chất lượng cao 22 triệu đồng cho năm đầu tiên, các năm còn lại tăng 10%; lớp chất lượng cao bằng tiếng Anh 39 triệu đồng/năm, ổn định trong suốt bốn năm học". 

Tương tự, Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng đưa ra mức học phí dự kiến cho năm học 2019-2020 là 1.060.000 đồng/tháng cho hệ đại trà. Chương trình tiên tiến học phí thu 40 triệu đồng/năm, chương trình Việt-Pháp 38-40 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao từ 29,7-40 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng dự kiến học phí chương trình chất lượng cao khoảng 49 triệu đồng/năm. Nếu so với chương trình đại trà 10,6 triệu đồng/năm thì chương trình chất lượng cao thu hơn gấp năm lần.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, tăng học phí cần phải đặt trong tương quan khả năng kinh tế của người dân để điều chỉnh. Đồng thời, mức tăng phải đi đôi với đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhà nước phải thể hiện vai trò đối với các trường công, cần tập trung tái cấu trúc hệ thống trường công để đầu tư có trọng điểm. Thay vì nguồn thu lệ thuộc vào học phí như hiện nay, các trường cần đẩy mạnh nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đang còn rất thấp. Như vậy mới cân đối và bền vững để phát triển. 

Gia Tuệ/Phunuonline

Bình luận (0)