Nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất sau vụ ùn tắc 4 giờ liền vào ngày 20-7 vừa qua, chuyên gia giao thông – tiến sĩ Phạm Sanh khuyến cáo giải pháp cần thực hiện ngay là tổ chức giao thông 24/24 giờ, tăng cường lực lượng phân luồng, cứu hộ trong khu vực xung quanh sân bay và cả các tuyến đường lân cận.
Cầu vượt vào sân bay thông thoáng, nhưng dưới mặt đường lại xảy ra ùn tắc kéo dài |
Có cầu vượt: Sao vẫn ùn tắc?
Cầu vượt thép có hình chữ Y, một nhánh dẫn vào nhà ga quốc tế (dài hơn 300m) và một nhánh dẫn vào nhà ga quốc nội (dài hơn 150) với tổng mức đầu tư 242 tỉ đồng. Vốn được kỳ vọng là một trong những giải pháp góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông các tuyến đường ra vào sân bay, nhưng khi đã được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 7, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng vẫn tiếp diễn. Cụ thể, lần ùn tắc xảy ra gần đây nhất là vào ngày 20-7, cho dù lực lượng CSGT tăng cường điều tiết nhưng giao thông gần như tê liệt trong 4 giờ liền ở các tuyến đường ra huyết mạch như Trường Sơn, Bạch Đằng, Hồng Hà. Ở các tuyến đường lân cận như Yên Thế, Đặng Văn Sâm, Phan Thúc Duyện, Bạch Đằng, khu cầu vượt Lăng Cha Cả, vòng xoay Công viên Gia Định cũng bị kẹt cứng.
Tương tự như vụ ùn tắc vào cuối tháng 4, lần này các phương tiện cũng lâm vào tình trạng rồng rắn nối đuôi nhau nhích từng chút một, khiến nhiều hành khách buộc phải cuốc bộ vào sân bay để không bị lỡ chuyến. Đường vào đã vậy, đường ra cũng vất vả không kém. Anh Trần Văn Hùng (ngụ đường 17, Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) đi đón người thân về cũng bị kẹt trong vụ ùn tắc hôm đó bức xúc: “Cầu vượt chỉ có đường vào, không có nhánh ra, trên mặt cầu rất thoáng nhưng dưới đất thì lại đông nghẹt. Đó là nguyên nhân khiến các phương tiện phải rất vất vả “bon chen” trên đường Trường Sơn cả cây số để quay đầu lưu thông về hướng đường Hồng Hà để ra Phạm Văn Đồng”.
Theo tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông thì điệp khúc ùn tắc tiếp diễn vì những nguyên nhân khách quan. Trong khu vực sân bay, cầu vượt chỉ có một nhánh từ đường Trường Sơn vào cảng hàng không, không có nhánh cầu ra, nên dòng phương tiện từ sân bay đi ra xung đột với các phương tiện đi vào sân bay từ hướng Bạch Đằng và Phạm Văn Đồng. Lượng phương tiện lưu thông đông đúc từ hai hướng này không chỉ gây nên ách tắc ở khu vực chân cầu, mà còn làm phức tạp cho các hướng còn lại. Chưa kể, chỉ cần một vụ va quẹt nhỏ trên đoạn từ sân bay đến chỗ quay đầu ra hướng Bạch Đằng (trên đường Trường Sơn) là cũng có thể gây ra một vụ ùn tắc.
Tổ chức giao thông 24/24 và chờ quy hoạch chính thức
Theo thống kê, mỗi ngày có hơn 30.000 lượt xe ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó có 22.000 lượt ô tô, 7.000 lượt xe máy, chưa kể lượng xe của hơn 10.000 nhân viên làm việc tại cảng hàng không này. Với lưu lượng lưu thông đông đúc, sân bay lại chỉ có duy nhất một cửa ra vào trên đường Trường Sơn, nên khu vực quanh sân bay đã trở thành điểm nóng ùn tắc trong nhiều năm qua. |
Sau vụ ùn tắc nghiêm trọng vào ngày 20-7 vừa qua, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp của người lưu thông như cho các phương tiện lưu thông dưới gầm cầu qua hướng Hồng Hà để không phải quay đầu, làm các trạm trung chuyển, mở thêm cổng ra vào sân bay trên các tuyến đường Trường Chinh, Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình); Tân Sơn, Quang Trung, Thống Nhất (quận Gò Vấp)… Tuy nhiên, theo khuyến cáo của tiến sĩ Phạm Sanh, đây là lúc không nên nôn nóng thực hiện các đề xuất theo kiểu “đụng đâu vá đấy” để tránh gây lãng phí. Điều quan trọng là cần chờ quy hoạch sân bay của Bộ GTVT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, khi đã có quy hoạch ổn định, mới có thể xác định có bao nhiêu đường băng, đường đỗ, bao nhiêu nhà ga, các hướng cửa ra. Từ đó mới có cơ sở để nghiên cứu phương án kết nối với giao thông đô thị cho phù hợp và mang tính lâu dài.
Nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc trong khi chờ có quy hoạch lại sân bay, tiến sĩ Phạm Sanh cho rằng, thành phố cần tổ chức giao thông 24/24 giờ, thông qua việc tăng cường lực lượng CSGT (có sự hỗ trợ của lực lượng thanh niên xung phong) trong phân luồng, phân làn giao thông; xử phạt nghiêm minh các vi phạm; tăng cường lực lượng cứu hộ nhằm kịp thời giải tỏa hiện trường khi có tai nạn, va quẹt, hoặc phương tiện bị hư hỏng bất ngờ. Khi xảy ra đông xe, ùn ứ, lực lượng chức năng cần “dẹp” ngay, nếu để dồn ứ sẽ khó giải tỏa dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng. Ngoài ra, ở các tuyến đường huyết mạch gần sân bay cần được lắp đặt hệ thống camera, nhằm giúp lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong lưu thông.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)