Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn: Các ngành đùn đẩy trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 17-3, Ban Văn hóa Xã hội (VHXH) – Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP đã có buổi làm việc với Sở Công thương TP xung quanh vấn đề quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Báo cáo của Sở Thương nghiệp cho thấy, trong năm 2008, các đoàn kiểm tra của Sở đã tiến hành kiểm tra và xử lý 137 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó 70% có xuất xứ từ Trung Quốc. Cũng trong năm qua, Sở đã tiến hành kiểm tra 3.044 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm như bia, rượu, nước giải khát và phát hiện 1.470 cơ sở vi phạm. Đối với các trường hợp giết mổ, vận chuyển, mua bán trái phép gia cầm, gia súc không qua kiểm dịch, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) đã xử lý 2.474 vụ vi phạm.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Công thương cho rằng, hiện nay việc quản lý VSATTP quá chồng chéo, khó làm việc.
Trước ý kiến của Sở Công thương, ông Nguyễn Đăng Nghĩa, đại biểu HĐND nhấn mạnh: Ban VHXH – HĐND đã làm việc với nhiều sở ngành liên quan đến vấn đề VSATTP, sở nào cũng đổ lỗi là chồng chéo. Không sở nào chịu nhận trách nhiệm chính, hậu quả là tràn ngập thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì tỷ lệ người dân bị ung thư sẽ rất lớn.
Ông Nghĩa cũng đưa ra các dẫn chứng như chợ Kim Biên tràn ngập chất phụ gia, hóa chất, muốn mua bao nhiêu cũng có. Thế nhưng Sở Công thương lại báo cáo là ít. Hiện tại chợ Kim Biên chỉ có 19 hộ kinh doanh chất phụ gia có giấy chứng nhận VSATTP, vẫn còn 33 hộ chưa có giấy. “Việc cấp giấy phép thì bên nào cũng muốn cấp nhưng kiểm tra thì không sở nào chịu làm”, ông Nghĩa bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng ban VHXH-HĐND chất vấn: Vấn đề VSATTP được giao cho 6 ban ngành quản lý như Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn…, thế nhưng người dân vẫn bị ngộ độc. Phải chăng các sở ngành đã không phối hợp chặt chẽ với nhau, không xác định được nhiệm vụ chính của mình?
Trả lời những câu hỏi chất vấn của Ban VHXH-HĐND, Sở Công thương cho rằng: Việc quản lý VSATTP cần thu về một mối, vì vậy việc thành lập chi cục quản lý VSATTP là rất cần thiết. Khi chi cục này ra đời sẽ không xảy ra tình trạng 6 -7 sở ngành cùng quản lý “một bữa ăn” của người dân.
Và Sở Công thương cũng thừa nhận là giữa các ban ngành không có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn vụ sữa nhiễm melamine, Bộ Y tế cho phép các công ty nhập khẩu, hải quan cho thông qua. Đáng lý ra cả y tế và hải quan phải thông báo cho công thương về việc những công ty nào đã nhập hàng, số lượng bao nhiêu. Như vậy khi sự cố xảy ra ngành công thương sẽ không phải “mò mẫm” đi kiểm tra và thu giữ hàng hóa…
Phải chăng do những ban ngành được giao trách nhiệm quản lý VSATTP đùn đẩy lẫn nhau, không sở ngành nào chịu trách nhiệm chính nên số vụ ngộ độc thực phẩm năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm kiểm tra tới đâu thì vi phạm tới đó…?
Hòa Triều

Bình luận (0)