Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm không đáng kể
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (bên phải) đang trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao |
Báo cáo trước hội nghị, Giám đốc (GĐ) Sở GD-ĐT Tây Ninh kiêm Trưởng cụm 5 Võ Hiền Phương cho biết: Vấn đề học sinh bỏ học ở các cấp của các tỉnh Đông Nam bộ đã được kéo giảm nhưng chưa nhiều, một số tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước tỉ lệ học sinh bỏ học ở các cấp vẫn còn tương đối cao. Cụ thể Bình Thuận tỷ lệ học sinh tiểu học (TH) bỏ học 0,08%; trung học cơ sở (THCS): 0,9%; trung học phổ thông (THPT): 1,58%. Ninh Thuận: TH: 0,42%; THCS 1,57%; THPT: 1,3%. Bình Phước: TH: 0,26%; THCS: 1,3% và THPT: 2,14%. Trong khi đó, tỷ lệ HS yếu kém của Bình Thuận cấp TH là: 9,2%; THCS: 30,32%; THPT: 38,73%, Ninh Thuận: TH là 14,8%; THCS: 36,5%; THPT: 39,9% và Bình Phước: TH là 7,94%; THCS: 28,2%; THPT: 44,1%.
Giải thích về vấn đề này với Bộ GD-ĐT, đại diện các sở giáo dục cho rằng: Nhiều HS học yếu không theo nổi chương trình học, dẫn đến bỏ học; do đặc thù của mỗi vùng miền ở các tỉnh Đông Nam bộ, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên tỷ lệ HS yếu kém, bỏ học trong những năm qua giảm không đáng kể. Bên cạnh đó yếu tố thiếu quan tâm từ chính các gia đình khó khăn khiến tình trạng học sinh vùng sâu, vùng xa bỏ học cũng là một nguyên nhân khiến cho tỉ lệ học sinh bỏ học ở khu vực Đông Nam bộ vẫn chưa được kéo giảm. Bà Nguyễn Hồng Liêu – Phó giám đốc (PGĐ) Sở GD-ĐT Ninh Thuận thẳng thắn trình bày: “Mặt bằng kiến thức giữa HS vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa với HS vùng khác còn chênh lệch khá lớn nhưng lại học cùng chương trình với khối lượng như nhau nên nhiều em ở vùng dân tộc thiểu số không theo kịp, dẫn đến dễ bỏ học”. Trong khi đó, ông Đặng Thanh Sang – PGĐ Sở GD-ĐT Bình Dương nêu lý do: “Bình Dương dân nhập cư nhiều, chủ yếu là công nhân các tỉnh về lập nghiệp, ảnh hưởng kinh tế, nhiều gia đình công nhân về quê, nên con em họ cũng nghỉ học, phần nào ảnh hưởng đến tỷ lệ HS bỏ học của tỉnh trong năm qua”. Còn đại diện Công đoàn Sở GD-ĐT Bình Dương thẳng thắn: “Chương trình giảng dạy trong những năm qua luôn thay đổi, không ổn định gây khó khăn cho các giáo viên. Đồng thời cũng chưa đẩy mạnh vấn đề xác định cho các em lý tưởng học bài, đó cũng là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tình trạng HS yếu kém, bỏ học”.
Lo lắng việc chấm chéo, thi theo cụm
Liên quan đến việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, nhiều giám đốc sở trình bày với Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành các thông tư, quy định về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 để các địa phương có cơ sở nhằm chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thật chu đáo. Việc thực hiện thi theo cụm mà Bộ yêu cầu, một số sở GD-ĐT kiến nghị Bộ nên cân nhắc và xem xét đối với từng địa phương vì có nhiều địa phương địa hình quá rộng, khó khăn để thực hiện chủ trương trên, nếu không sớm được Bộ tháo gỡ cho các địa phương có địa hình đặc biệt như Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong kỳ thi sắp tới. Ông Nguyễn Thế Giang – PGĐ Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu nêu: “Đối với Bà Rịa – Vũng Tàu, việc tổ chức thi theo cụm ở một số huyện rất khó khăn, nhất là những huyện hải đảo. Nhiều HS không có phương tiện đi lại, điều kiện kinh tế khó khăn. Trong khi nếu nhà trường tổ chức đưa đón HS thì vấn đề ăn ở, đi lại cũng phức tạp không ít, rất khó đảm bảo sức khỏe cho HS”. Bên cạnh đó, đại diện Công đoàn Sở GD-ĐT Bình Dương thì cho rằng: “Việc chấm chéo giữa các tỉnh thì không biết tỉnh nào sẽ chấm tỉnh nào, và khó khăn trong việc ráp phách bài thi”. Còn đại diện Sở GD-ĐT Bình Thuận nói: “Phương án gộp những trường lại thi theo cụm, tuy nhiên đối với những trường ở xa quá mà thực hiện việc trộn lại thi theo cụm là hết sức khó. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi Cục Khảo thí nên thực hiện theo chủ trương của tỉnh, nếu thực hiện máy móc theo quy định của Bộ sẽ gây khó khăn cho các địa phương và gây phản ứng cho các tỉnh. Chúng tôi mong Bộ chấp nhận đề nghị của chúng tôi vì chúng tôi muốn giữ uy tín cho ngành cho Bộ và tạo thuận lợi cho các em học sinh, nếu Bộ nghi ngại thì có thể cử giám sát. Trong khi đó, ông Nguyễn Thiệp – PGĐ Sở GD-ĐT Đồng Nai lại lo lắng: “Việc chấm chéo là không đơn giản, nhất là khi chuyển bài thi tự luận đi sang tỉnh khác, khi gom bài niêm phong rồi chuyển đi chấm, thì thời gian để đếm số bài thi là rất lâu và mất mấy ngày liệu có xong?…”.
Trả lời về yêu cầu của các sở trong việc thi theo cụm, đại diện Bộ GD-ĐT đề nghị các tỉnh vẫn thực hiện thi theo cụm. Riêng với những địa phương nào khó khăn về địa lý thì gửi báo cáo lên Bộ để xin ý kiến. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết là Bộ GD-ĐT đã đề xuất với Cục Khảo thí, nên giao cho chủ tịch UBND các tỉnh tự quyết định đối với từng địa phương cụ thể có những trường ở xa không về cụm được. Sau khi thi xong có thể thanh tra, nếu sai phạm thì xử theo quy chế.
Nguyên Hải
Bình luận (0)