Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đảm bảo an toàn trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Cả nước đang thực hiện Tuần lễ quốc gia an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Để hưởng ứng, ngành GD-ĐT TP.HCM cũng đang thực hiện Tháng cao điểm về an toàn trường học. Phát biểu chỉ đạo công tác hồi đầu tuần qua, ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP yêu cầu các trường, ngoài việc tập trung đẩy mạnh hoạt động dạy học, còn cần phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trường học.
Từ đầu năm đến nay, vấn đề an toàn nói chung là vấn đề nóng. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra làm thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người dân; gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, gia đình, đơn vị, đất nước. Vụ tai nạn thảm khốc vừa xảy ra ở Đại Ninh, vụ sập dầm cầu Chợ Đệm; vụ chìm đò ở Quảng Bình; số lượng các vụ cháy nổ, ngộ độc thức ăn, học sinh tự tử, chết đuối và dịch bệnh… có chiều hướng gia tăng trong mấy tháng gần đây. Hơn lúc nào hết, vấn đề đảm bảo an toàn ngày càng trở nên bức xúc, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều giới, nhất là giới trẻ học đường.
 Vì tầm quan trọng của vấn đề, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đặt trọng tâm công tác chỉ đạo trong tháng 3 là tháng cao điểm tăng cường giáo dục ý thức, hình thành thói quen và thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo vệ sinh thực phẩm; an toàn trong lao động; phòng chống cháy nổ tại các nhà trường.
An toàn trường học bao gồm các vấn đề về an toàn trong dạy, học và hoạt động ngoại khóa; an toàn vệ sinh thực phẩm; trật tự an ninh trước cổng trường; thầy trò cùng chấp hành luật lệ giao thông và tham gia phòng chống cháy nổ… An toàn trong lao động dạy học còn bao gồm việc đảm bảo cho học sinh không bị sang chấn tâm lý – stress – do hình phạt; do áp lực học hành, thi cử; giảm thiểu và chấm dứt tình trạng học sinh bị khủng hoảng, bế tắc dẫn đến tự tử…
Hiểu theo nghĩa sâu xa, những hành xử thiếu tính sư phạm của thầy cô giáo, giám thị, bảo vệ nhà trường hoặc phụ huynh làm cho học sinh, con em bị “sốc” dẫn tới hành vi bồng bột, thiếu suy nghĩ như bỏ nhà đi bụi, gây rối, hành hung thầy cô hoặc tự tử… cũng là những ứng xử không đảm bảo tính an toàn cho trẻ trong giao tiếp của người lớn.
Việc học sinh đi xe phân khối lớn ngày càng nhiều, sự đua đòi chạy xe đời mới, tâm lý ngán ngại xe buýt hoặc chê cười bạn bè đi xe đạp, hiện nay, cũng là biểu hiện không lành mạnh nơi bạn trẻ. Nhà trường cần gia tăng các biện pháp giáo dục nhằm thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện giao thông thích hợp với lứa tuổi học sinh, phù hợp Luật giao thông đường bộ. Nhưng trước hết, thầy cô, phụ huynh và người lớn ngoài xã hội phải là những tấm gương về việc này.
 Thành phố cũng đang đẩy mạnh biện pháp xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thực hiện hàng chục tuyến đường văn minh, sạch đẹp. Các trường học nằm trên các tuyến đường đó cần đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh đường phố, trật tự văn minh, thực hiện tốt khẩu hiệu “Cổng trường em sạch, đẹp, an toàn”.
Gần đây, đồ chơi trẻ em nặng tính bạo lực như súng ống, gươm giáo, hóa chất gây cháy nổ… nguy hiểm chết người được bày bán la liệt. Cơ quan chức năng chưa có biện pháp chế tài, quản lý hiệu quả. Đó cũng là vấn đề mà nhà trương cần lưu ý để có biện pháp phòng chống tác hại nhằm đảm bảo an toàn cho trường học.
Năm 2009 cũng là năm TP.HCM tiếp tục thực hiện “Nếp sống văn minh đô thị”. Việc ngành GD-ĐT thành phố tiến hành Tháng an toàn trường học, tăng cường biện pháp giáo dục an toàn sẽ góp phần thực hiện thành công chủ đề trên của thành phố.
Hai Đức

Bình luận (0)