LTS: Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa viết: “Nhà văn đặc biệt, người thầy đặc biệt ấy là Nguyễn Ngọc Ký. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh còn là một Nhà giáo ưu tú. Đó là danh hiệu cao quý mà Nhà nước đã trao tặng cho những người đứng trên bục giảng có thành tích xuất sắc. Tập tự truyện mới nhất “Tâm huyết trao đời – Tôi dạy học” của anh là tập tiếp theo của bộ ba tác phẩm tự truyện, với những cái tên rất giản dị và thật thà: “Tôi đi học”, “Tôi học đại học”, rồi “Tôi dạy học”. Ở cuốn thứ ba này, lại còn có thêm một phụ đề nữa: “Tâm huyết trao đời”. Các nhà văn viết tự truyện, chắc không ai đặt tên như anh. Nhưng cứ phải thật thà, nôm na thế mới là Nguyễn Ngọc Ký…”. Báo Giáo dục TP.HCM xin trích đăng tập tự truyện mới nhất “Tâm huyết trao đời – Tôi dạy học” này.
Sau ngày nhận văn bằng tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội ít bữa, tôi khấp khởi mừng thầm khi được tin lên văn phòng trường tại số 19, Lê Thánh Tông, Hà Nội để nhận giấy giới thiệu về Ty Giáo dục Nam Hà liên hệ công việc. Trước khi trao giấy cho tôi, thầy phụ trách công tác tổ chức với giọng trầm ấm cùng nét mặt thoáng chút băn khoăn, ái ngại nói như thanh minh:
– Việc này đáng ra phòng tổ chức của trường lo. Song người ít mà việc thì nhiều nên Ký thông cảm, cứ cầm giấy này về Nam Hà liên hệ. Nếu được hoặc không em yêu cầu họ cứ ghi vào nhé! – Và thầy tạm biệt bằng nụ cười: – Chúc các em thành công!
Tôi và Lê Huy Hòa cầm giấy, cảm ơn thầy và rời cổng trường khi ánh nắng thu vàng rực như sáp ong đã đứng bóng. Chúng tôi quyết định về thành Nam ngay để kịp giờ làm việc chiều. Hai đứa vội vã bước nhanh về hướng ga Hàng Cỏ. Vừa tới nơi thì đồng hồ trên nóc ga đã chỉ 12 giờ 35. Chúng tôi tranh thủ mua vé lên tàu. Vé toa khách hết. Hai thằng đành chen chân len lên toa hàng. Toa không có ghế. Vất vả lắm Hòa mới dìu tôi vào được một vị trí tạm an toàn để đứng giữa ngổn ngang những bu gà, rõng lợn, giỏ vịt, những bó sắn, thúng khoai, bị ngô lô nhô chất chồng. Tiếng gia cầm, súc vật; tiếng người ì xèo, cãi cọ chen nhau hòa tấu khiến không khí toa tàu ồn ào huyên náo như đang giữa một phiên chợ đông. Tàu hú còi, giật mình xình xịch chuyển bánh. Ai nấy đều nghiêng ngả như trong cơn địa chấn mạnh bất ngờ. Tôi chẳng có đôi tay bình thường để giữ thăng bằng, cũng chẳng thể bám víu vào đâu được nên trước sự rung lắc quá đột ngột, người tôi chới với rồi bất ngờ ngã dụi, ngồi xệp xuống… một cái bị đựng trứng gà liền kề. Bà chủ hét lên, đẩy mạnh vào người tôi hòng cứu bị trứng. Nhưng tất cả đã muộn. Mọi người trong toa nháo nhác. Còn Hòa thì vội vàng dìu tôi đứng dậy. Bà chủ bị trứng liền lu loa:
– Thôi chết! Vỡ hết trứng tôi rồi! Những ba chục quả chứ ít ỏi gì đâu. Nhà nghèo. Chồng nó phải đi làm xa tận Lào Cai. Chắt chiu mua được ít trứng gửi mẹ mang về bồi dưỡng cho vợ đẻ ở quê. Bây giờ về tôi biết nói với con dâu thế nào đây các ông các bà ơi!!!
Trước sự bức xúc tội nghiệp của người phụ nữ khắc khổ, già nua dù mới trạc tuổi ngoài 50 mặc chiếc áo gụ bạc sờn lốm đốm những mụn vá ở vai, chiếc quần đen vải thô nhàu nhĩ; tôi bối rối chẳng biết làm gì ngoài việc đứng lặng như trời trồng trong tâm trạng day dứt không yên. Hòa thì xua tay biện minh với giọng chứa chan cầu mong sự cảm thông của mọi người:
– Thôi bà và các bác thông cảm. Anh bạn tôi đây, mọi người thấy đấy. Đôi tay anh không cử động được, nên khi bị xô đẩy bất ngờ mới sinh ra nông nỗi này. Anh là Nguyễn Ngọc Ký, người liệt hai tay phải viết bằng chân mà chắc nhiều anh chị biết.
Lời Hòa chưa dứt hàng loạt cặp mắt xung quanh đã dồn về phía tôi với sự ngạc nhiên đến sửng sốt:
– Ồ, thế ra đây chính là anh Ký đi học trong sách lớp ba con tôi mới học đây?
– Dạ! Vâng, đúng thế đấy ạ! – Hòa đáp khiêm nhường.
– Nhưng sao nghe nói hiện anh Ký đang học đại học kia mà?
– Vâng, hiện nay Ký đã tốt nghiệp. Tôi là bạn học chung lớp với Ký suốt bốn năm đại học. Nay theo gợi ý của trường, tôi đưa Ký về Ty Giáo dục Nam Hà để liên hệ xin việc cho Ký.
Hòa đột ngột ngừng lời, ghé vào tai tôi thì thầm một ý tưởng mới. Biết tôi ưng thuận Hòa quay sang phía người đàn bà áo gụ bạc:
– Còn bà đây hiểu cho. Đây là việc bất khả kháng. Chẳng ai ngờ, ai muốn. Bà buồn một thì Ký và cháu buồn mười đấy. Là sinh viên chúng cháu nghèo lắm. Thôi bà vui lòng nhận giùm mấy hào này về bù vào mua trứng cho cô con dâu mới sinh.
Mấy người xung quanh thấy vậy ai nấy đều tự nguyện rút hầu bao. Người hai hào, người ba hào, người năm hào, có người bỏ ra cả một đồng ủng hộ bà chủ bị trứng. Bất ngờ trước sự hảo tâm của mọi người, bà tỏ ra ngượng ngùng lúng túng. Mặt bà đỏ rựng. Tay bà lóng ngóng khi đón nhận những tờ bạc lẻ nhàu nhĩ thấm đọng mồ hôi tấm lòng mọi người.
Mớ tiền trong tay xem ra đã nhiều nhiều, áng chừng có thể dư mua mấy chục quả trứng bị vỡ, bà liền xua tay, giọng dứt khoát:
– Thôi! Thôi! Tôi không nhận của ai nữa đâu.
Bà nói rồi nhẩm đếm số tiền nhận được. Khuôn mặt sạm đen hằn sâu những vết chân chim ngang dọc đầy vẻ khốn khó, bực tức ban nãy bỗng chốc giãn ra, tươi tắn. Bà nhìn thẳng vào tôi với cặp mắt khác lạ. Rồi đột nhiên bà khe khẽ cầm lấy cánh tay mềm nhão của tôi, nói với giọng rất đỗi chân thành:
– Anh đúng là Nguyễn Ngọc Ký phải không?
– Vâng, đúng ạ! – Hòa đáp.
– Bây giờ thế này nhé. Bác không ngờ bà con ta hôm nay ở đây tốt với bác quá. Đúng là trong cái rủi lại có cái may. Cho bác được chia bớt cái may này với cháu. Âu cũng là một chút tấm lòng của bác, đặc biệt là của bà con đây hỗ trợ cháu để phần nào bớt cái khó trong việc cháu đi tìm việc. Thôi anh em cầm lấy mấy đồng này mà uống nước vậy nhé!
– Không đâu! Mọi người ủng hộ bác thì bác cứ cầm. – Tôi lắc đầu từ chối.
Hòa cũng xua tay trong nụ cười cảm động:
– Thôi! Bà không việc gì phải làm thế. Chúng cháu không nhận đâu.
Bỗng xung quanh tiếng của ai đó nói lớn:
– Bà già đây nghĩ vậy và làm vậy là phải đó. Anh Ký không nên khước từ lòng tốt của bà và của mọi người.
– Vâng, anh Ký cứ cầm lấy! Cầm lấy đi! – Tiếng mọi người đứng vây chung quanh cùng lúc cất lên. Thấy không thể làm khác, Hòa liền đánh mắt nhìn tôi. Cả hai đành miễn cưỡng trong niềm xúc động ngập tràn chỉ dám xin nhận một phần tiền nhỏ nhưng chứa chất ân nghĩa của mọi người từ tay bà có bị trứng bị tôi làm vỡ.
(còn tiếp)
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
Bình luận (0)