Cho trẻ ăn trưa tại Trường Tiểu học chuyên biệt Bình Minh. Ảnh: Mê Tâm |
Theo số liệu công bố tại hội thảo “Tiêu chuẩn quốc tế về dịch vụ xã hội đối với người khuyết tật và người cao tuổi” do Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội tổ chức gần đây, nước ta hiện có trên 5,3 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 6,4% dân số với nhu cầu được chăm sóc và bảo vệ rất lớn. Tuy nhiên, mức đáp ứng các nhu cầu trên thực tế còn rất nhiều hạn chế.
Nhu cầu lớn
Hiện tại, có đến 70% NKT Việt Nam đang sống ở nông thôn với mức độ nghèo khổ. TS. Cao Thị Xuân Mỹ (Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) dẫn chứng, tỉnh Đăk Lăk hiện có trên 17.800 NKT nhưng tới nay chỉ có bốn cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật với số lượng khoảng 300 trẻ. TP.HCM hiện có 38 cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng và nuôi dưỡng NKT lẫn người cao tuổi. Trong đó, 26 cơ sở do ngành GD-ĐT quản lý hoặc phối hợp với cơ quan chủ quản chỉ đạo về chuyên môn. Hiện đã có thêm một số trường dân lập, một số cơ sở tư nhân đầu tư vào việc giáo dục trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, “danh sách chờ” của mỗi trường đều không dưới 50 học sinh, thời gian “chờ” sẽ làm trôi mất cơ hội “vàng” – được can thiệp sớm, được phục hồi chức năng giúp trẻ dễ dàng tham gia giáo dục hòa nhập.
Thiếu đội ngũ phục vụ có nghiệp vụ
Cô Lê Thị Dung (Hiệu trưởng Trường Tiểu học chuyên biệt Bình Minh) cho biết hiện trường có tổng số 140 học sinh với sĩ số 12 học sinh/lớp, tỷ lệ 2 giáo viên/lớp. Trong số 27 giáo viên hiện có của trường thì vẫn còn 4 giáo viên “chưa đủ chuẩn”, đều là những giáo viên lâu năm, trong đó 2 người sẽ về hưu vào năm tới. Trường đang xây dựng cơ sở mới tại phường Tân Sơn Nhì (Q. Tân Phú) và sắp đi vào hoạt động. Theo đó, trường sẽ tăng thêm 5 lớp, cộng với 2 giáo viên sẽ về hưu, năm tới trường cần thêm 7 giáo viên nữa mới đáp ứng đủ hoạt động giảng dạy. Cô Dung còn cho biết, năm qua, có đến trên 40 học sinh có nguyện vọng đăng ký vào trường nhưng trường không đủ khả năng giải quyết hết.
Cô Võ Thị Thùy (Hiệu trưởng Trường Tiểu học chuyên biệt Phan Đình Phùng, Q. Tân Bình) cũng cho biết, trường vừa được thành lập năm 2008 với tổng số 40 học sinh và 6 giáo viên trong đó còn 2 giáo viên chưa đủ chuẩn. Hiện số phòng học của trường đã đủ nhưng nhân sự lại thiếu, chưa có cả hiệu phó. Và theo kế hoạch tăng cho đủ chỉ tiêu là 60 học sinh trong năm tới thì trường cần thêm 6 giáo viên.
Tình trạng thiếu giáo viên hỗ trợ ở các trường hòa nhập cũng phổ biến. Theo cô Xuân Mỹ, các trường hòa nhập (mẫu giáo, tiểu học rất cần giáo viên hỗ trợ nhưng hiện nay, ngay các trường tại TP.HCM số lượng này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều nhà giáo dục cho rằng, chúng ta đang thiếu những chuyên gia đầu ngành cũng như thiếu các giáo viên cho từng loại trẻ có tật. Sự thiếu hụt đội ngũ chuyên môn gây hạn chế trong công tác can thiệp sớm cho trẻ. Cơ hội để trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc và hòa nhập cộng đồng cũng chậm trễ hơn. Tại các trường, các khoa giáo dục đặc biệt được thành lập nhưng lượng giáo viên được đào tạo còn quá ít so với nhu cầu. Mã ngành đào tạo thì có nhưng thiếu mã ngành tuyển dụng khiến không ít SV giáo dục đặc biệt gặp khó khăn khi ra trường.
Đáp ứng nhu cầu nhân lực, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội đã kết hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chăm sóc người tàn tật cho nhân viên tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Đến nay, tổ chức này đã đào tạo được 448 nhân viên. Đây là tín hiệu đáng mừng. Nhưng về lâu dài, đã đến lúc định ra chiến lược đào tạo nhân lực có nghiệp vụ chăm sóc NKT, để đáp ứng sự trông đợi của hàng triệu NKT và nhu cầu bức thiết của xã hội.
MÊ TÂM
Bình luận (0)