Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không để học sinh bỏ thi vì đi xa

Tạp Chí Giáo Dục

Quang cảnh hội nghị giao ban lần 2 khu vực 3

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long tại hội nghị giao ban lần 2 khu vực 1 và 3 (các tỉnh vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ) vừa được tổ chức. Đồng thời, vấn đề giải quyết tình trạng học sinh bỏ học, xử lý nghiêm vi phạm đạo đức giáo viên, thi cụm chấm chéo… là những vấn đề chính được các sở GD-ĐT quan tâm.
Xử lý nghiêm giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo
Theo ông Ngô Văn Thọ, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, trưởng vùng 1 (15 tỉnh miền núi phía Bắc), tính đến nay, toàn khu vực có 46 trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo, tăng 17 trường hợp so với giữa học kỳ 1. Trong đó Điện Biên 19, Hà Giang 18, Hòa Bình 5, Lào Cai 1, Phú Thọ 1, Lạng Sơn 1, Bắc Giang 1. Hiện các sở đã buộc thôi việc 8, cảnh cáo 5, hạ ngạch 1, hạ bậc lương 1, khiển trách 25, 1 chấm dứt hợp đồng, 5 trường hợp đang chờ xử lý. Lý giải về hiện tượng quán quân trong vi phạm đạo đức nhà giáo, ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên cho biết, từ năm học 2008 – 2009, Sở GD-ĐT có ký kết với Ban An toàn giao thông của tỉnh về việc thông báo tình hình giáo viên vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong số 19 giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo của tỉnh, chủ yếu là do vi phạm các lỗi giao thông đường bộ, chỉ có 1 giáo viên nghiện ma túy đã bị buộc thôi việc. Học kỳ 1 vừa qua, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã xử lý cảnh cáo 1 hiệu trưởng, 2 giáo viên, khiển trách 9 giáo viên. Sở GD-ĐT Nghệ An xử lý cách chức 1 phó hiệu trưởng, 1 giáo viên bị buộc thôi việc. Có thể thấy đây là một biện pháp mạnh tay của ngành giáo dục đối với những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.
Bên cạnh đó, các sở GD-ĐT cũng tìm các biện pháp để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Tỷ lệ bỏ học của năm học 2008 – 2009 ở các tỉnh đã giảm so với năm học trước. Cụ thể, tỷ lệ này tại 6 tỉnh Bắc Trung bộ chỉ còn 0,41% (năm học trước là 1,1%), khu vực miền núi phía Bắc cũng đã giảm đáng kể. Các tỉnh đều có những giải pháp hữu hiệu để đưa học sinh đến lớp. Tỉnh Cao Bằng đã đưa mô hình “nhân viên hỗ trợ giáo viên” để giúp đỡ học sinh đi học đến 225/259 điểm trường trong tỉnh.
Trên 20km khó có thể thi cụm
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng, toàn tỉnh có 7.895 học sinh dự thi tốt nghiệp THPT – BTTHPT và được bố trí thành 21 cụm thi. Vấn đề ngành giáo dục Cao Bằng băn khoăn nhất là việc di chuyển của học sinh đến các cụm thi. Có nơi, học sinh phải di chuyển tới trên 20km mới đến được địa điểm thi. Trong khi đó, về cơ sở vật chất, ngay ở khu trung tâm, phòng học cũng chưa đủ để đáp ứng thi theo cụm. Ông Tân cho biết Sở GD-ĐT dự định trừ thị xã Cao Bằng, huyện Hòa An thi theo cụm còn lại các vùng khác vẫn thi như mọi năm. Đối với những nơi thi cụm, kinh phí, chỗ ăn ở gia đình tự lo vì ngành không có điều kiện để hỗ trợ. Điều ông Tân băn khoăn nữa là học sinh năm trước trượt tốt nghiệp, năm nay sẽ vẫn phải thi chương trình cũ. Những học sinh này cần có thời gian để ôn luyện nhưng giáo viên, phòng học đều không có. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý đưa ra ví dụ cụ thể. Học sinh của Trường THPT Mường Né nếu thi theo cụm đến Trường THPT Mường Chà (là trường gần nhất) cũng mất 170km. Tính bình quân, các trường của Điện Biên cũng cách nhau từ 50 – 70km. Ông Quý cho rằng, với khoảng cách như thế, điều kiện đi lại của học sinh, phụ huynh rất khó khăn, nhất là đợt thi vào đúng mùa mưa. Không những thế, điều kiện kinh tế của các gia đình đều rất hạn hẹp. Ông Quý đề nghị Bộ nên cho thi ngay tại trường để đỡ khổ cho học sinh. Còn tại Bắc Giang, ông Chu Bá Vinh, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT đưa ra sáng kiến những trường THPT dân tộc nội trú sẽ trở thành nơi ăn ở của các thí sinh đến dự thi, không tổ chức thi tại những trường này. Sở sẽ tận dụng thêm cơ sở vật chất của các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh để làm nơi ăn chốn ở cho phụ huynh. Đồng thời sẽ cắt cử 5-10 phụ huynh mỗi ngày, kết hợp cùng các thầy cô giáo nấu cơm cho HS ngay tại điểm thi. Ngay cả Thừa Thiên – Huế là tỉnh đã thi tốt nghiệp theo hình thức cụm từ 10 năm nay nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT cũng vẫn thấy lo lắng.
Trách nhiệm thuộc về sở chấm bài
Một vấn đề khác mà các sở GD-ĐT hết sức lo lắng đó là chuyển bài thi. Theo quy định trong quy chế, năm nay, các tỉnh sẽ chấm “đổi bài” thi cho nhau. Ông Nguyễn Văn Tân, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng khẳng định công tác chấm thi không khó khăn vì năm nào các tỉnh cũng có một hội đồng chấm theo một quy trình chung. Nhưng băn khoăn của ngành là chuyển bài thi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Phải tổ chức sao cho chu đáo, an toàn. Ông Tân cho rằng chắc chắn sẽ tốn kém hơn năm trước do phải huy động một lượng công an nhất định trong khi di chuyển. Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Văn Thinh, Giám đốc Sở GD-ĐT Tuyên Quang cho biết phải dùng ô tô di chuyển bài thi và phải chất đầy trong 6 – 7 xe tải lớn. “Nếu gặp trời mưa, hoặc có vấn đề gì về an ninh đối với bài thi thì sẽ như thế nào?” – ông Thinh đặt câu hỏi. Không những thế, khâu làm phách, phúc khảo cũng có rất nhiều vấn đề khiến các sở băn khoăn. Ông Trần Trung Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đưa ra tình huống đối với bài thi tự luận. 2 thí sinh ngồi cạnh nhau, làm 1 tờ giấy thi, thí sinh thứ 3 làm 2 tờ. Trong quá trình rọc phách, người làm rất dễ để bài thí sinh số 1 và số 2 thành 1 bài thi. Việc mất bài thi “giả” rất dễ xảy ra. Vấn đề này sẽ xử lý như thế nào đối với hội đồng chấm thi tỉnh bạn? Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục KT&KĐCLGD, Bộ GD-ĐT cho biết cách làm là làm sao chuyển bài thi đơn giản, không đi quá xa. Số lượng bài tỉnh này, chấm tỉnh kia khá tương đồng. Tỉnh lớn như Thanh Hóa, Nghệ An phải chuyển 2 tỉnh, chấm 2 tỉnh. Bài thi được chuyển về sở, chuyển toàn bộ số bì thư đã được niêm phong. Khi mở các túi bài ra đếm lại phải có sự giám sát của sở thứ 2, có chuyện gì phải lập biên bản luôn. Sau khi giao bài thi xong, tất cả các vấn đề còn lại thuộc trách nhiệm sở chấm bài kể cả phúc khảo.
Tuy nhiên, ông Chu Bá Vinh, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Bắc Giang dự đoán thời gian chấm thi có thể bị kéo dài thêm khoảng 1 tuần so với những năm trước.
Liệu có “sát phạt”?
Thay mặt cho vùng VII, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, Trần Trọng Khiếm (trưởng vùng) cho biết các sở đều lo khâu chấm thi. Ông cũng đặt câu hỏi liệu có sự “sát phạt” giữa các sở qua khâu này không? Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Đình Chuẩn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho rằng trong chấm chéo, quy trình hướng dẫn là quan trọng nhất. Làm thế nào để các sở bạn chấm đúng ba-rem điểm mà vẫn khuyến khích được sự sáng tạo của học sinh? Ông Chuẩn còn lưu ý về vấn đề phần mềm. Ông đề nghị Bộ GD-ĐT nên thống nhất phần mềm quản lý giữa các sở. Đồng thời, ông đặt vấn đề bàn giao sử dụng bài thi như thế nào? Tính công khai bài thi được quy định ra sao. Không thể có chuyện người chấm được “quyền” công bố với dư luận về các bài thi tự luận. Đây là vấn đề kỷ luật.
Về băn khoăn của các sở, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long khẳng định không để học sinh đi quá xa. Để học sinh bỏ thi, ngành sẽ phải chịu trách nhiệm. Thứ trưởng Long cũng đề nghị Cục KT&KĐCLGD của Bộ có văn bản hướng dẫn thi vào đầu tháng 4-2009.
Khác với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Ngai, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng ông không lo có chuyện “sát phạt”. Vì đối với người thầy giáo, đâu cũng là học trò của mình. Điều ông lo lắng là đối với những thành phố lớn như TP.HCM, bài thi có thể sẽ phải chia cho 3 tỉnh. Như vậy sẽ có 3 hội đồng thi chấm cho TP.HCM. Trong 3 tỉnh này, việc áp dụng ba-rem điểm để chấm bài thi chắc chắn sẽ có sự khác nhau. “Tôi không nói các tỉnh khác, nếu chấm như vậy, ngay học sinh trong TP.HCM cũng có sự chênh lệch và không bình đẳng” – ông Ngai chia sẻ. Điều lo lắng thứ hai của Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP là tính sáng tạo của học sinh liệu có được đảm bảo? Ông phân tích đối với những thành phố lớn, học sinh có điều kiện hơn, nên các em cũng có thể sẽ có nhiều cách làm bài sáng tạo. Nhưng người chấm lại ở những nơi không có điều kiện, nếu cứ “áp” theo đúng ba-rem điểm, chắc chắn những học sinh sáng tạo sẽ không được điểm như mong muốn. Không những thế, ông Nguyễn Văn Ngai còn băn khoăn, tuy không thể có chuyện “sát phạt” nhưng chắc chắn việc chấm cho tỉnh bạn sẽ “chặt tay” hơn tỉnh mình. Ông cũng đề nghị một phương án nên thành lập hội đồng rọc phách riêng theo từng cụm, họ có thể là giảng viên các trường ĐH, CĐ. Sau khi rọc phách, hội đồng này sẽ phân phối bài thi cho các tỉnh trong cụm. Và như vậy, các tỉnh sẽ không biết mình đang chấm cho học sinh của tỉnh nào và thậm chí có thể họ đang chấm cho chính học sinh mình.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trước ngày 10-4-2009 phải có hướng dẫn tổ chức thi. Sau khi Bộ có hướng dẫn, các địa phương tự quyết định, không gây khó khăn cho học sinh khi đi thi.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)