Theo nhóm nghiên cứu của Đại học quốc gia Hà Nội, hệ thống đại học của ta hiện không có tên trong bất kỳ bảng xếp hạng quốc gia nào về giáo dục đại học. Trong khi đó, các nước ASEAN góp mặt 4 – 5 quốc gia.
GS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội – ẢNH LÊ HIỆP
Tại hội thảo Giáo dục đại học – chuẩn hóa và hội nhập quốc tế do Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng nay, 17.8, GS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện nhóm nghiên cứu của Đại học này, đã trình bày kết quả nghiên cứu của nhóm về nhận diện vị trí của đại học Việt Nam trên bản đồ thế giới.
|
Theo GS Đức, hiện có một bảng xếp hạng hệ thống đại học của các quốc gia được tin cậy là bảng xếp hạng U21 (U21 là một mạng lưới các đại học nghiên cứu toàn cầu được thành lập từ năm 1997).
Bảng xếp hạng tổng thể U21 được thực hiện bởi Viện nghiên cứu ứng dụng kinh tế xã hội thuộc Đại học Melbourne từ năm 2012, xếp hạng tốp 50 quốc gia hàng đầu thế giới về giáo dục đại học.
Trong kết quả xếp hạng mới nhất, năm 2018, của bảng xếp hạng U21, Việt Nam chưa hề có mặt trong bất kỳ lĩnh vực nào, và dĩ nhiên là trong cả bảng tổng thể.
Trong khi đó, trong bảng xếp hạng tổng thể của bảng xếp hạng này, khu vực ASEAN “đóng góp” 4 quốc gia: Singapore (thứ 10), Malaysia (thứ 28), Thái Lan (thứ 42) và Indonesia (thứ 48). 5 quốc gia dẫn đầu lần lượt là Phần Lan, Anh, Serbia, Đan Mạch, Thụy Điển. Mỹ tuy đứng số 1 trong bảng Môi trường chính sách nhưng về tổng thể cũng chỉ đứng thứ 15.
Một bảng xếp hạng khác cũng có xếp hạng tiềm lực của các hệ thống giáo dục đại học là bảng xếp hạng QS. Bảng này đưa ra 4 tiêu chí, trong đó có thứ hạng trung bình của các trường đại học của một quốc gia trong bảng xếp hạng tốp 500.
Theo kết quả xếp hạng năm 2018, khu vực ASEAN có 5 quốc gia gồm: Malaysia thứ 28; Singapore thứ 29; Thái Lan thứ 38; Indonesia thứ 39; Philippine thứ 45. Một lần nữa Việt Nam tiếp tục không có mặt.
Năng suất nghiên cứu thấp
GS Đức cho biết, tín hiệu lạc quan đầu tiên đã xuất hiện khi mới đây hai đại học quốc gia của ta lọt vào tốp 1.000 đại học thế giới. Trong khu vực châu Á, Việt Nam có 5 đơn vị vào tốp 400, ngoài 2 đại học quốc gia còn có Trường đại học bách khoa Hà Nội, Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Huế, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội có thứ hạng cao nhất (139).
Nhưng ngay cả khi so sánh Đại học Quốc gia Hà Nội với các trường tốp 400 châu Á thì cũng thấy kết quả của đơn vị này mới chỉ nhích qua mức trung bình một chút. Vậy mà so với các trường tốp đầu trong cả nước, các chỉ số của Đại học Quốc gia Hà Nội vượt mức trung bình rất xa. “Như vậy, nước ta không chỉ có ít các trường đại học nghiên cứu tốt mà còn có sự khác biệt rất lớn về mức độ nghiên cứu”, GS Đức nhận xét.
Đi sâu vào việc phân tích chất lượng các công trình công bố nghiên cứu của hai đại học quốc gia thì thấy chất lượng công trình của ta về cơ bản so sánh được với các trường tốp đầu của các quốc gia trong khu vực, nhưng năng suất nghiên cứu của ta thấp hơn. Đặc biệt, tỉ lệ mức độ uy tín học thuật và uy tín đối với các nhà tuyển dụng của các đại học Việt Nam thấp hơn họ rất nhiều.
“Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam chưa lọt tốp 50 thế giới. Chúng ta vẫn chưa có trường đại học thuộc tốp 500. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của 2 đại học quốc gia vào tốp 1.000, có thể đánh giá hệ thống đại học của ta thuộc vào nhóm 80/196 của thế giới”, GS Đức nhận định.
Quý Hiên/ PNO
Bình luận (0)