Qua kết quả tổng kết tình hình TNGT trong 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, tình trạng người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia tự gây TNGT chiếm tỷ lệ cao. Do đó, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (CSGT ĐB-ĐS) Công an TP.HCM đã mở đợt cao điểm kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhằm góp phần chấn chỉnh tình trạng trên.
CSGT TP tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đến hết ngày 29-9-2018 |
Mở đợt cao điểm trong 3 tháng
Theo thống kê của Phòng CSGT ĐB-ĐS, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn TP xảy ra 353 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 337 người chết và 91 người bị thương. Qua phân tích nguyên nhân gây ra các vụ TNGT cho thấy, lỗi do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia gây tai nạn chiếm tỷ lệ cao. Dự báo tình hình TNGT trong những tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình trật tự ATGT ở các địa bàn quận huyện. Do đó, nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần kéo giảm TNGT trong năm 2018, Phòng CSGT ĐB-ĐS đã triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử phạt vi phạm về nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế, thời gian từ ngày 29-6-2018 đến 29-9-2018.
Theo kế hoạch, trọng tâm của đợt cao điểm chú trọng rà soát và kiểm tra nồng độ cồn tại các tuyến đường trọng điểm vào các ngày cuối tuần. Việc kiểm soát nồng độ cồn dự kiến được thực hiện tại trạm CSGT hoặc tại những địa điểm trên đường giao thông. Theo đó, tại khu vực kiểm tra sẽ được bố trí biển báo “chốt kiểm tra nồng độ cồn”, làn đường kiểm soát nồng độ cồn sẽ được bố trí bằng các cọc phản quang hình chóp nón. Trước chốt kiểm tra nồng độ cồn, CSGT sẽ trực chiến và hướng dẫn lái xe đi vào làn đường theo quy định để tới vị trí kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, tổ công tác sẽ dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ thụ động, không cần dùng ống thổi để kiểm tra xác định người lái xe có nồng độ cồn trong hơi thở hay không.
Năm 2017, lực lượng CSGT cả nước đã xử lý hơn 4 triệu trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, trong đó có 159.000 trường hợp (3,9%) vi phạm nồng độ cồn. Ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia) khẳng định: “Để công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn ngày càng đạt kết quả khả quan, lực lượng chức năng nên thực hiện song song công tác kiểm soát, xử lý vi phạm và tăng cường tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về nồng độ cồn khi tham gia giao thông một cách tích cực”. |
Trong trường hợp phát hiện có vi phạm, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu tài xế đưa xe vào khu vực xử lý. Tại đây, tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra giấy tờ của lái xe và phương tiện, đồng thời dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ đo định lượng (có ống thổi) để xác định mức độ vi phạm. Sau đó, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Nếu đối tượng vi phạm có hành vi kích động, chống đối người thi hành công vụ, Phòng CSGT ĐB-ĐS sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát trật tự – phản ứng nhanh, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an phường, thanh niên xung phong để xử lý kịp thời. Những đối tượng này sẽ bị lập biên bản và bàn giao cho đơn vị chức năng củng cố hồ sơ và xử lý theo quy định của pháp luật.
“Đã uống rượu bia, thì không lái xe”
Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP.HCM khuyến cáo, để phòng tránh TNGT cho bản thân và những người xung quanh, người tham gia giao thông cần thực hiện triệt để phương châm “Đã uống rượu bia, thì không lái xe”, tuyệt đối không được trực tiếp điều khiển phương tiện ô tô khi tham gia giao thông. Theo quy định tại điểm a, khoản 6, điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn 50 miligam/100 mililít máu, hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài hình thức phạt tiền, người điều khiển còn bị tước giấy phép lái xe trong 2 tháng và bị tạm giữ xe trong 7 ngày.
Trung tá Huỳnh Trung Phong (Trưởng phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP.HCM) lưu ý, trong đợt cao điểm này, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra những người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá quy định, chạy quá tốc độ, chở quá tải, dừng đỗ không đúng nơi quy định… Riêng đối với xe mô tô gắn máy, lực lượng CSGT sẽ tập trung kiểm tra xử lý đối với người sử dụng rượu bia hoặc các thức uống có cồn, điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, lạng lách đánh võng, đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông và những hành vi vi phạm khác là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến TNGT.
Vũ Phương
Bình luận (0)