Phát triển vượt trội về mặt ngôn ngữ, tính toán, con số khi 2 tuổi có thể nói làu làu tiếng Anh, đọc sách báo tiếng Việt, tính nhẩm siêu nhanh những phép tính phức tạp… những đứa trẻ 2, 3 tuổi đó thường được gia đình, người thân, thầy cô giáo nhầm lẫn là… “thần đồng”. Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế, bên cạnh yếu tố vượt trội đó cần phải nhìn nhận trẻ một cách toàn diện những kỹ năng như vận động, giao tiếp, tiếp thu, nhận thức… có phát triển bình thường hay không?
BS Quyên (thứ hai từ trái sang) đang thăm khám 1 ca trẻ rối loạn ngôn ngữ |
Nếu không bình thường, rất có thể trẻ đang mắc hội chứng rối loạn ngôn ngữ, trì trệ ngôn ngữ là một trong những đặc điểm của trẻ rối loạn tự kỷ mà cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thật sự. Trẻ cần được can thiệp kịp thời để hòa nhập với cộng đồng.
Tưởng con là “thần đồng”
Gia đình chị Thu Hương (ngụ Q.5) luôn cảm thấy “hãnh diện” với bạn bè vì bé N.V.T (2,5 tuổi) con chị dù hoàn toàn không được dạy về tiếng Anh nhưng lại có thể nói tiếng Anh một cách thành thạo, đọc được báo tiếng Việt và thậm chí đếm được các con số từ 1 đến 100 bằng cả tiếng Anh, Việt và Nga.
Mọi việc chỉ phát sinh khi bé đi mẫu giáo, bé không hề tiếp xúc và giao tiếp với cô giáo, bạn bè mà chỉ lầm bầm nói tiếng Anh một mình. Thậm chí, khi về nhà bé cũng không có nhu cầu trò chuyện với ba mẹ, không hiểu ba mẹ nói gì. Chỉ đến khi ba mẹ nói chuyện bằng tiếng Anh bé mới có thể “đoái hoài” chút nhưng lại không nhìn trực diện vào cha mẹ.
Tại Phòng khám ĐHYK (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), sau khi kiểm tra các mốc phát triển tại thời điểm của bé, nhận thấy sự “bất bình thường” trong giao tiếp và tiếp xúc của bé, các BS đã kết luận, trường hợp của bé hoàn toàn không phải là thần đồng mà chỉ là rối loạn ngôn ngữ, trì trệ ngôn ngữ.
“Ngày càng nhiều trẻ mắc phải hội chứng này. Đây là một đặc điểm của trẻ rối loạn tự kỷ. Với các biểu hiện như trẻ có khả năng vượt trội về mặt ngôn ngữ hay tính toán, con số nhưng lại hạn chế, chậm, khó khăn trong giao tiếp hoặc không giao tiếp với người xung quanh nên cha mẹ thường nhầm lẫn rằng trẻ là thần đồng”, BS Hoàng Văn Quyên (giảng viên âm ngữ trị liệu, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) chia sẻ.
BS Quyên cho biết, có những trường hợp, trẻ mới 4 tuổi nhưng nói tiếng Anh cực kỳ giỏi, như một đứa trẻ nước ngoài. Có những trẻ mới 3, 4 tuổi nhưng tính toán cực kỳ nhanh, chỉ cần đưa ra một phép tính phức tạp bất kỳ, lập tức trẻ sẽ tính nhẩm ra kết quả. “Tuy nhiên, các trẻ này lại gặp vấn đề về giao tiếp, tương tác, đặc biệt là giao tiếp bằng mắt thường sợ nhìn trực tiếp vào người đối diện mà thường cụp mắt xuống”.
“Với những khả năng vượt trội này, chỉ là trẻ copy, sao chép một cách máy móc về ngôn ngữ, con số chứ không thực chất giao tiếp được, không giao tiếp bằng lời. Trẻ chỉ có thể hiểu những điều rất đơn giản. Nếu đưa vào trẻ những điều phức tạp là trẻ sẽ ngay lập tức không thể tiếp thu được”, BS Quyên nhấn mạnh.
Không can thiệp, khó hòa nhập
Theo BS Quyên, rối loạn ngôn ngữ ở trẻ thường gặp nhất ở độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi, đặc biệt nhất là thường gặp ở trẻ 4 tuổi.
“Khi cha mẹ bé chia sẻ về tiền sử bệnh thì một điểm chung dễ dàng nhận thấy ở những bé mắc hội chứng này là bé được tiếp xúc quá sớm và quá nhiều với công nghệ như điện thoại, máy tính bảng. Cha mẹ thường bận bịu công việc, giao phó trẻ cho người giúp việc, ông bà chăm bé và đặc biệt là cho bé làm bạn với công nghệ thông tin”, BS Quyên chỉ ra.
Để có thể hạn chế và phòng ngừa nguy cơ trẻ mắc rối loạn ngôn ngữ, BS Quyên khuyên các bậc phụ huynh nên trò chuyện với con nhiều hơn, cho con giao tiếp, tiếp xúc với môi trường xung quanh, chăm sóc trẻ về mặt giao tiếp, tương tác. Nhất là hạn chế cho trẻ sử dụng đồ công nghệ quá sớm và quá nhiều. |
Tuy nhiên, BS Quyên cũng cho rằng, việc trẻ tiếp xúc quá sớm, quá nhiều với công nghệ thông tin lại chưa phải là nguyên nhân dẫn trẻ đến rối loạn ngôn ngữ mà chỉ là nguy cơ để trẻ mắc phải. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra được lời giải nào cho nguyên nhân của hội chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ.
“Độ tuổi vàng” để can thiệp kịp thời hội chứng này, BS Quyên cho biết là dưới 6 tuổi, thậm chí phát hiện càng sớm thì khả năng phục hồi của trẻ càng nhanh, cha mẹ có thể tự giúp con phục hồi được. Khi trẻ trên 6 tuổi thì việc can thiệp rất khó khăn vì lúc này não trẻ đã hình thành những thói quen như thế. “Phát hiện sớm thì chỉ mất khoảng 1 năm là trẻ có thể hòa nhập bình thường. Còn muộn thì phải trên 1 năm thậm chí là lâu hơn”.
Quá trình điều trị với những trẻ mắc rối loạn ngôn ngữ sẽ không dùng thuốc mà chỉ là những phương pháp, chiến lược, kỹ thuật hỗ trợ trẻ những kỹ năng mà trẻ còn yếu kém. Lợi dụng về những điểm mạnh và khả năng vượt trội của trẻ để điều trị cho trẻ: sử dụng con số đưa chữ vào cho trẻ, sử dụng các bài thơ, tấm thẻ lồng ghép kỹ năng giao tiếp cho trẻ.
“Nếu không được can thiệp kịp thời hoặc không can thiệp, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc giao tiếp, hòa nhập, kết bạn. Khi đi học, trẻ sẽ gặp trục trặc về môn tiếng Việt. Lâu dần trẻ sẽ tự thu mình lại. Còn nếu can thiệp kịp thời, sẽ tạo cơ hội phát triển tiềm năng của trẻ”.
Đỗ Yến
Bình luận (0)