Trong hai ngày 31-3 và 1-4, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố để nghiên cứu, quán triệt nghị quyết và các văn bản, kết luận Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X). Các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP và Dương Quang Hà, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban tổ chức Thành ủy đã báo cáo, triển khai nội dung nghị quyết.
Tuy đánh giá là “được quan tâm nhiều hơn và đạt được một số tiến bộ” nhưng lĩnh vực giáo dục – đào tạo (GD-ĐT), nhìn chung trong cả nước, theo Nghị quyết Trung ương 9 (khóa X), cho đến hiện nay vẫn “còn nhiều hạn chế, có mặt yếu kém kéo dài, gây bức xúc xã hội nhưng chậm được khắc phục”.
Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X, ngành GD-ĐT cả nước đã đạt được một số mặt tích cực như: phát triển qui mô giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đại học và đào tạo nghề; cơ sở vật chất được tăng cường đáng kể; đổi mới một bước nội dung chương trình và phương pháp dạy học; công tác xã hội hóa giáo dục đạt kết quả khá tốt; qui mô các ngành học, cấp học tăng đáng kể; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo (năm 2008 đạt 37%); một số tiêu cực trong thi cử, tuyển sinh đã được khắc phục một phần.
Tuy vậy, qua thực tiễn hoạt động, GD-ĐT vẫn chưa khắc phục được một số yếu kém kéo dài: chưa quan tâm làm tốt công tác giáo dục lý tưởng sống, phẩm chất đạo đức; cơ cấu hệ thống giáo dục không hợp lý, mất cân đối; trong một thời gian ngắn lập quá nhiều trường đại học không đảm bảo chất lượng đào tạo; nội dung chương trình và phương pháp dạy-học còn lạc hậu; trình độ ngoại ngữ, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp của học sinh, sinh viên còn yếu; triển khai chậm và lúng túng về đổi mới quản lý, quyền tự chủ nhà trường và chính sách học phí; chưa định hướng rõ chủ trương liên kết đào tạo với nước ngoài…
Để khắc phục các yếu kém, tồn tại và xây dựng nền giáo dục tiên tiến trong thời gian tới, Nghị quyết Trung ương 9 đã nêu ra các giải pháp cơ bản: tập trung nâng cao chất lượng GD-ĐT toàn diện, phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học và quản lý giáo dục; khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu GD-ĐT; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng mặt giáo dục lý tưởng, nhân cách, phẩm chất đạo đức và lối sống; tăng đầu tư nhà nước đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục; đẩy mạnh đào tạo nghề; quản lý chặt chẽ việc hợp tác đào tạo với nước ngoài; đấu tranh đẩy lùi các tiêu cực kéo dài trong thi cử, tuyển sinh và trong các hoạt động khác của GD-ĐT.
Với các giải pháp mang tính định hướng trên, cùng với chiến lược phát triển giáo dục trong giai đoạn mới, đến năm 2020, hi vọng GD-ĐT Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt được trình độ tiên tiến của khu vực, góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hai Đức
Bình luận (0)