Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Choáng với sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm

Tạp Chí Giáo Dục

Trong sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm, lớp 3 học sinh mới bắt đầu làm quen với những câu ngắn, ngữ pháp đơn giản, sang lớp 4 đã "đụng phải" những câu quá dài, ngữ pháp khó hiểu…

Choáng với sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm - Ảnh 1.

Học sinh lớp 3 Trường tiểu học Xuân Đường (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) trong giờ học tiếng Anh – Ảnh: A LỘC

"Việc đổi mới chương trình dạy và học tiếng Anh nhằm giúp học sinh dễ dàng tiếp cận, nắm vững kiến thức nhưng những bất cập trong sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm khiến các em "bỡ ngỡ, choáng ngợp". 

Đó là chia sẻ của cô Phan Ngọc Mỹ Dung – giáo viên dạy tiếng Anh tại Trường tiểu học Lê Thị Vân (TP Biên Hòa, Đồng Nai), tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT ngày 4-10 về những bất cập trong việc thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tại Đồng Nai.

Cụ thể, trong chương trình sách giáo khoa thí điểm lớp 3, học sinh bắt đầu tiếp cận với những câu ngắn, ngữ pháp đơn giản. Nhưng khi sang chương trình lớp 4 có quá nhiều câu dài, ngữ pháp khó hiểu, khiến học sinh khó tiếp thu.

Ngoài ra, cô Dung cho rằng thời lượng tiết học dành cho môn tiếng Anh quá ít, giáo viên chỉ kịp truyền đạt kiến thức, từ vựng. Còn các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết giáo viên không đủ thời gian luyện tập cho học sinh.

Tại buổi làm việc, ông Võ Ngọc Thạch – phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai, cho biết Đồng Nai đã triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 từ năm học 2011-2012. 

Sau bảy năm thực hiện đề án, bên cạnh một số kết quả nhất định, đề án đã lộ ra một số hạn chế như: chi phí thuê giáo viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy cao, khác biệt về ngôn ngữ gây khó khăn trong quá trình tương tác giữa thầy và trò…

Ông Thạch kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét sớm đưa chương trình dạy tiếng Anh vào cấp tiểu học, bởi đây là cấp học đầu tiên, học sinh dễ tiếp thu hơn. Đồng thời, tăng thời lượng số tiết dạy trên lớp học để việc dạy và học tiếng Anh thêm hiệu quả.

Ông Nguyễn Tô Chung, phó trưởng Ban quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, cho biết hiện bộ đang tổng hợp ý kiến từ những giáo viên trực tiếp tham gia đề án. Từ đó sẽ có những điều chỉnh phù hợp, tiến tới triển khai đề án trên diện rộng.

A LỘC/TTO
 

 

Bình luận (0)