Tại Việt Nam, lao động một số ngành nghề có nguy cơ mất việc do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước xu thế không thể đảo ngược này, giáo dục nghề nghiệp phải cải tổ để thích ứng, song đây là thách thức lớn.
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM (phải) tìm hiểu sản phẩm công nghệ La bàn mobile rôbốt của Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương |
Các chuyên gia lao động và đại diện các trường, trung tâm đào tạo nghề đã đưa ra cảnh báo về một thị trường lao động thừa ở một số ngành nghề. Sự dư thừa này có nhiều nguyên nhân, trong đó có đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những biến đổi mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực.
Nguy cơ mất việc cao
Với hoàn cảnh này, giáo dục nghề nghiệp phải có bước chuẩn bị để thích ứng với sự phát triển của khoa học và công nghệ trong kỷ nguyên 4.0. Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết như vậy tại buổi thông tin chuyên đề “Vai trò của cách mạng 4.0 với giáo dục nghề nghiệp TP.HCM” do sở này tổ chức mới đây.
Tại buổi thông tin này, ông Nguyễn Thế Trung (Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ DTT) đã công bố số liệu thu thập từ Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) Thái Lan: Việt Nam có một số ngành nghề phải đối mặt với lao động thất nghiệp từ sự tác động trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tương lai. Theo đó, con số mất việc lớn nhất thuộc ngành dệt may, có đến 80% lao động.
“Dù chỉ là con số dự báo nhưng đây là một thông tin đáng để chúng ta lưu tâm, mà trách nhiệm của giáo dục nghề nghiệp là không nhỏ. Theo đó, TP.HCM cần phải có hướng đi đúng để số lao động ngành may mặc và một số ngành nghề khác sẽ không là gánh nặng của xã hội”, ông Trung lưu ý.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) lo ngại: “Với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ rôbốt dần đảm nhận những công việc đơn giản nhằm thay thế sức người với chi phí thấp. Tuy nhiên, hiện nay công tác đào tạo ngành này còn khá mới mẻ, là một thách thức đối với thị trường lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Trong khi đó, lao động các nước trong khu vực đã có thể làm chủ tư duy sáng tạo, có khả năng nhận thức linh hoạt, khả năng giải quyết vấn đề…đáp ứng với công nghiệp 4.0. Hiện nay, ở một số trường ĐH có đào tạo ngành công nghệ rôbốt nhưng cũng chỉ dừng lại ở các bộ môn, chuyên ngành như tự động hóa sản xuất có sự tham gia của rôbốt, rôbốt với trí tuệ nhân tạo, rôbốt công nghiệp…”.
Ở góc độ khác, ông Võ Thanh Liêm (Phó Hiệu trưởng Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh) nhìn nhận trình độ học viên, chất lượng nguồn lao động còn khoảng cách khá lớn so với yêu cầu thị trường. Kể cả đội ngũ giáo viên ở các trường TC-CĐ hiện nay có sự phát triển về lượng và chất, tuy nhiên năng lực chưa thể tiếp cận và đáp ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chất lượng vênh với yêu cầu
“Để rút ngắn khoảng cách giữa chất lượng nguồn nhân lực với yêu cầu của thị trường lao động trong xu thế mới, trước hết đơn vị đào tạo phải nâng cao trình độ của người thầy, từ đó mới có thể nâng cao trình độ người học”, ông Võ Thanh Liêm (Phó Hiệu trưởng Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh) nói. |
Để rút ngắn khoảng cách giữa chất lượng nguồn nhân lực với yêu cầu của thị trường lao động trong xu thế mới, theo ông Võ Thanh Liêm, trước hết đơn vị đào tạo phải nâng cao trình độ của người thầy, từ đó mới có thể nâng cao trình độ người học. Và giải pháp phù hợp với thực tế là tập trung nâng cao kỹ năng đào tạo cho giáo viên, đồng thời tăng thời lượng và cải tiến thực hành nghề cho học viên.
Còn theo ông Nguyễn Thế Trung, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng, là nhu cầu chung của con người và không chỉ ảnh hưởng ở một nhóm người, một quốc gia nào mà ảnh hưởng cả khu vực và thế giới. Vì vậy, trước yêu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần đặt ra tiêu chuẩn, kỹ năng cho người lao động trong kỷ nguyên mới là xu thế tất yếu. Để làm được điều này, trước hết phải đảm bảo có đầy đủ cơ sở, trang thiết bị đào tạo nghề và cả hành lang cơ chế, pháp lý. “Đội ngũ lao động xuất khẩu về nước cũng là lực lượng có thể tham gia đào tạo lao động mà lâu nay chúng ta không sử dụng gây lãng phí. Sử dụng hiệu quả lực lượng này sẽ khắc phục tình trạng người học thiếu kiến thức thực tế, bởi không ít giáo viên có trình độ chuyên môn nhưng thiếu kỹ năng cũng như kiến thức thực tế”, ông Trung cho biết.
Cùng quan điểm với ông Trung, nhiều chuyên gia lao động cũng như đại diện các trường TC-CĐ đề xuất tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất để các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và người học. Việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để cử chuyên gia tại các doanh nghiệp trực tiếp tham gia đào tạo, giảng dạy cho giáo viên và học viên cũng được đề cập.
Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) cho rằng, để có nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đầu tiên cả người dạy và người học phải tiếp cận với giáo dục STEM (tức khoa học-công nghệ-kỹ thuật-toán học).
Trần Anh
Bình luận (0)