Thí sinh chỉ cần đủ điểm sàn (15,5 điểm) là có thể nộp hồ sơ vào những trường ĐH có 'truyền thống' điểm chuẩn khá cao như y dược, bách khoa, dù cơ hội trúng tuyển hầu như không có.
Thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào Trường ĐH Ngoại ngữ-tin học TP.HCM sáng 13-7 – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Có ý kiến lo ngại: trường biết chắc thí sinh rớt mà vẫn nhận hồ sơ thì… tội cho thí sinh!
“Không nhất thiết phải có điểm sàn riêng”
Chiều 13-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa – phó giám đốc ĐHQG TP.HCM – cho biết năm nay ĐHQG TP.HCM không quy định mức điểm sàn chung cho tất cả đơn vị thành viên. Các trường sẽ tự quyết định việc quy định điểm sàn của trường mình.
Giải thích thêm về chủ trương này, TS Đinh Đức Anh Vũ – trưởng ban ĐH ĐHQG TP.HCM – nói: “Năm nay thí sinh được đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH với số nguyện vọng không giới hạn. Nếu không đậu nguyện vọng đầu ở trường có điểm cao sẽ được xét các nguyện vọng tiếp theo ở các ngành, trường có điểm thấp hơn.
Vì vậy, việc các trường đặt ra thêm mức điểm sàn riêng trên mức sàn chung của Bộ GD-ĐT cũng không có ý nghĩa gì”.
Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế – luật và Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đều cho biết không công bố điểm sàn riêng của trường. Điều này đồng nghĩa việc thí sinh đủ 15,5 điểm có thể nộp hồ sơ vào ba trường trên.
TS Lê Chí Thông – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) – cho rằng với cách thức xét tuyển và xác định điểm chuẩn trúng tuyển năm nay, các trường chỉ cần áp dụng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là đủ, không nhất thiết phải có điểm sàn riêng của trường.
Còn TS Lê Tuấn Lộc – phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM) – cũng cho biết mấy năm qua trường đều nhận hồ sơ của thí sinh có điểm từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT quy định, không công bố điểm sàn riêng của trường.
“Hoàn toàn bình thường”
Trong khi đó, PGS.TS Đồng Văn Hướng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM – cho rằng theo quy chế tuyển sinh năm nay, trước khi thi thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nay nếu các trường công bố mức điểm sàn thì bắt buộc thí sinh không đạt mức điểm đó phải đăng ký xét tuyển lại.
“Thực tế những năm trước ở trường có những ngành điểm khá cao, nhưng vẫn có những ngành lấy bằng điểm sàn của bộ. Vì vậy, năm nay nhà trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của tất cả thí sinh đạt từ mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT quy định trở lên cho tất cả các ngành” – ông Hướng chia sẻ.
TS Nguyễn Thị Minh Hồng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cũng cho rằng việc năm nay nhà trường không quy định điểm sàn riêng của trường là điều hoàn toàn bình thường. “Nhà trường đã công bố điểm chuẩn các ngành của trường những năm trước. Đây là cơ sở để thí sinh tham khảo, định hướng việc lựa chọn phù hợp các ngành tương ứng với mức điểm mình đạt được” – bà Hồng nói.
Nên giúp thí sinh lượng sức mình
TS Phạm Thu Hương – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương – cho biết năm nay điểm thi nhìn chung cao hơn, nên điểm nhận hồ sơ của trường cũng tăng hơn một chút so với năm ngoái. Cụ thể là 22,5 điểm với tổ hợp A00 (toán, lý, hóa) và 21,5 điểm với các tổ hợp xét tuyển còn lại. Riêng tổ hợp D02 (ngữ văn, toán, tiếng Nga), mức điểm sàn xét tuyển là 20,5 điểm.
Theo bà Hương, việc đặt mức điểm sàn tổ hợp A00 chênh đến 7 điểm so với điểm sàn “vừa để khẳng định thương hiệu của trường vừa giúp thí sinh cân nhắc, lượng sức mình cho phù hợp”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phong Điền – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – cho biết bên cạnh mức điểm sàn xét tuyển các ngành đào tạo đại trà từ 21-24 điểm, ngay với ngành khó tuyển hơn là các chương trình đào tạo quốc tế, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng xác định mức điểm sàn xét tuyển là 20 điểm.
Theo ông Điền, việc không để điểm xét tuyển bị “rơi tự do” còn tránh trường hợp có thể có ngành số hồ sơ nộp vào ít hơn chỉ tiêu, mà theo luật sẽ phải xét tuyển từ trên xuống dưới cho đủ. Điều này sẽ dẫn đến việc tuyển thí sinh có mức điểm thi không đạt yêu cầu theo học tại trường sau này.
Nhiều hồ sơ “hoàn toàn không có cơ hội” Ông Nguyễn Hữu Tú – phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội – cho biết dự kiến Trường ĐH Y Hà Nội không đưa ra mức điểm sàn xét tuyển riêng, mà sẽ nhận hồ sơ xét tuyển thí sinh đạt từ mức điểm sàn chung 15,5 điểm của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, ở trường tốp dưới so với Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược Hải Phòng lại đặt mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 18-22,5 điểm tùy từng ngành đào tạo. Theo ông Nguyễn Văn Khải – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược Hải Phòng, việc đặt ngưỡng xét tuyển gần với điểm chuẩn hằng năm rất cần thiết vì có năm trường không đặt ngưỡng này, nhiều thí sinh 16-17 điểm – hoàn toàn không có cơ hội vào trường – vẫn nộp hồ sơ rất nhiều. |
Rất tội cho thí sinh Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, qua khảo sát cơ sở dữ liệu điểm thi của thí sinh năm nay, có thể khẳng định điểm chuẩn các trường tốp trên chắc chắn tăng chứ không giảm. “Để thí sinh yên tâm, tôi cho rằng các trường cần đặt ra “điểm sàn giữ lại hồ sơ” theo từng ngành. Thực tế không ít trường có tâm lý sợ tuyển không đủ chỉ tiêu nên không công bố điểm sàn riêng của trường, mà chấp nhận hồ sơ của tất cả thí sinh đạt từ mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT quy định trở lên. Tôi cho rằng cách làm như vậy là vô trách nhiệm và rất tội cho thí sinh”. |
T.HUỲNH – N.HÀ/TTO
Bình luận (0)