Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khổ vì dự án “treo”

Tạp Chí Giáo Dục

Dự án (DA) “treo” hay chậm đền bù giải phóng mặt bằng khiến người dân khổ sở đã diễn ra từ nhiều năm nay ở Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT).

Hàng ngàn mét vuông đất của hộ ông Bùi Văn Phùng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  vì dự án chồng dự án

Hàng ngàn mét vuông đất của hộ ông Bùi Văn Phùng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì dự án chồng dự án

 Nhà đầu tư nhùng nhằng không triển khai DA, dân không nhận được tiền đền bù để chuyển đi chỗ mới, ở lại thì không được sửa sang, xây dựng nhà cửa, còn đất trống thì bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm.
Gần 26 năm chờ sổ đỏ
Đó là trường hợp của ông Bùi Văn Phùng (80 tuổi, ngụ tại số 7/5/1 Phước Thắng, phường 12, TP Vũng Tàu). Do vụ việc kéo dài gây bức xúc nên ông nhớ rõ từng ngày tháng diễn biến của vụ việc một cách khá chính xác. Năm 1975, hai vợ chồng ông bà mua hơn 31.000m2 đất của một số hộ dân tại đường Phước Thắng phường 11, TP Vũng Tàu (hiện  nay là phường 12) để trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, từ đó đến nay gia đình đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước đầy đủ. Từ năm 1991, gia đình ông đã làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và được UBND phường 11 xác nhận thửa đất của gia đình có diện tích 31.000m2, đất không tranh chấp, lấn chiếm, nhưng khi mang đầy đủ giấy tờ lên UBND TP Vũng Tàu để xin cấp GCNQSDĐ thì mới biết đất đã thuộc diện quy hoạch, được UBND tỉnh giao Công ty TNHH Bình Giã làm chủ đầu tư. Đất của gia đình bị thu hồi và đền bù số tiền hơn 223 triệu đồng.
Tuy nhiên tại thời điểm đó, giám đốc Công ty Bình Giã có liên quan đến vụ án hình sự Tamexco mà TAND TPHCM xét xử năm 1997 nên DA ngưng hoạt động. Đến năm 2007, UBND tỉnh đã xóa quy hoạch DA của Công ty Bình Giã, ông Phùng lại chống gậy đi gặp cơ quan chức năng để làm sổ đỏ nhưng lại thêm nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến đất chồng lấn, mãi đến năm 2012 mới được giải quyết. Những tưởng đến đây đất của ông sẽ được cấp sổ, nhưng một DA xây dựng trường học mới lại xuất hiện, ông Phùng lại bị thu hồi một phần đất nhưng không được đền bù. Vụ việc tiếp tục kéo dài đến nay vẫn chưa có hồi kết. “Đất đó đã gắn bó với vợ chồng tôi 42 năm, giấy tờ đầy đủ, vậy nhưng đến tuổi này tôi vẫn chưa cầm được cuốn sổ đỏ. Tôi có mấy đứa con, lớn nhất 51 tuổi; nhiều đất vậy nhưng lại không thể chia cho đứa nào để xây dựng nhà, mà chúng toàn phải đi mua đất để cất nhà”, ông Phùng buồn rầu chia sẻ.
Không chỉ có TP Vũng Tàu, ở các huyện khác trong tỉnh, người dân cũng kêu vì tình trạng DA treo ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Huyện Tân Thành giáp ranh với huyện Long Thành (Đồng Nai) là nơi có nhiều khu công nghiệp nhất trong tỉnh. Song song với các DA đã được triển khai thì vẫn còn những DA “giậm chân tại chỗ” vì nhiều lý do khác nhau. Thậm chí có hộ cho biết, gần 19 năm chờ nhận tiền đền bù để di dời nhưng DA chưa thấy đâu. Còn với huyện ven biển như Xuyên Mộc cũng tình trạng tương tự khi các DA du lịch chậm triển khai kéo dài. Đại diện UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, toàn huyện có 104 DA còn hiệu lực nhưng đến nay mới hoàn thành 2 DA, còn lại là hoàn thành một phần hoặc đang làm các thủ tục đất đai, lập quy hoạch. Huyện đã kiến nghị tỉnh thu hồi 22 DA chậm triển khai nhưng rồi cũng chỉ có 3 DA bị thu hồi. 
Cần mạnh tay với DA treo
Theo báo cáo của Sở KH-ĐT tỉnh BR-VT, đến tháng 5-2016, toàn tỉnh còn 120 DA chậm triển khai và dự kiến xem xét thu hồi 31 DA, trong đó gồm: 19 DA trong khu công nghiệp, 33 DA nhà ở – khu đô thị, 44 DA du lịch, còn lại là các DA thuộc lĩnh vực khác. Riêng các DA cảng biển, đại diện Sở GT-VT cho biết, có 15 DA chậm triển khai, UBND tỉnh đã có văn bản chấm dứt chủ trương đầu tư 2 DA, thu hồi chủ trương đầu tư 2 DA và 5 DA đang xem xét thu hồi, 6 DA còn lại nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục đất đai, UBND tỉnh đang xem xét cho gia hạn. 
Cơ quan chức năng cũng đã chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng DA chậm triển khai như  cơ chế, chính sách về đất đai, quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng không ổn định, có nhiều thay đổi. Nhiều nội dung quy định trong các nghị định, văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế và có nhiều cách hiểu khác nhau nên khi áp dụng ở cơ sở rất khó khăn. Bên cạnh đó là những nguyên nhân từ phía nhà đầu tư không có năng lực quản lý, không đủ năng lực tài chính và đầu tư dàn trải nhiều DA. 
Ngoài việc lãng phí tài nguyên, chậm bước tiến phát triển kinh tế xã hội, gây khổ sở cho người dân, các DA treo còn bị một số đối tượng lấn chiếm để phân lô, bán, gây thêm bức xúc khác. Tháng 5-2015, ba đối tượng giang hồ ở Vũng Tàu ngang nhiên lấn chiến hàng ngàn mét vuông đất DA tái định cư nhà ở TP Vũng Tàu và đã lần lượt bị bắt giữ. Các đối tượng đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, thừa cơ lấn chiếm, phân lô và xây dựng nhà tôn để bán, trục lợi hàng tỷ đồng. 
Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Văn Trình cho biết: Quan điểm của tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho nhà đầu tư, nhưng với những DA chậm triển khai kéo dài, không có khả năng tiếp tục thực hiện,  tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi; với các DA gia hạn, nhà đầu tư buộc phải ký quỹ đầu tư và cam kết tiến độ hoàn thành DA. Sau thời gian gia hạn 24 tháng, nếu nhà đầu tư không triển khai sẽ bị thu hồi. Đối với các khu đất sau thu hồi DA, Sở Xây dựng, Sở TN-MT rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất để điều chỉnh cho phù hợp và thông báo đến người dân trong vùng DA biết, nếu đất không còn quy hoạch thì phải trả lại đất cho người dân.
Theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)