Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khó như… cai nghiện thuốc lá

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều quan niệm vẫn cho rằng, từ bỏ thói quen hút thuốc lá không phải chuyện dễ dàng dù vẫn  biết việc hút thuốc lá thật sự không có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên với sự nỗ lực của ngành y tế, một số BV đã có nhiều hoạt động tích cực và hiệu quả trong việc tư vấn cai nghiện thuốc lá cho người dân.

Người nhà bệnh nhân vẫn vô tư hút thuốc lá trong BV Nhân dân Gia Định dù có bảng cấm 

Nhiều BV giúp cai nghiện thuốc lá

Theo báo cáo của Bộ Y tế hiện nay trên toàn quốc có 5 BV đã tổ chức tư vấn cai nghiện thuốc lá là: BV Phổi Trung ương (điện thoại tư vấn: 04.37615933); BV Ung bướu Hà Nội (điện thoại tư vấn: 04.36320630); BV Trung ương Huế (điện thoại tư vấn: 054.3935626); BV Nhân dân Gia Định TP.HCM (tổng đài tư vấn miễn phí 1800-1214) và BV Y học Cổ truyền Hà Nội (điện thoại tư vấn: 04.36321959). Ngoài ra, còn có một số BV nêu cao khẩu hiệu: “BV không có khói thuốc lá” và tổ chức định kỳ về công tác tuyên truyền tác hại của hút thuốc lá và biện pháp cai nghiện thuốc lá. Hàng năm, Câu lạc bộ bệnh nhân Hô hấp – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng BV ĐH Y dược TP.HCM thường tổ chức thảo luận về “Cai thuốc lá cải thiện chức năng hô hấp”. Tại đây ngoài việc kết hợp khám bệnh đo chức năng hô hấp miễn phí do các bác sĩ đảm trách, chương trình còn đưa ra các biện pháp cụ thể và thiết thực với mục đích giúp người nghiện thuốc lá và cộng đồng của họ hiểu rõ tác hại của thuốc lá, từ đó có những giải pháp cai nghiện tối ưu phù hợp để cải thiện chức năng hô hấp. Hoạt động từ tháng 9-2014, BV Nhân dân Gia Định không chỉ có tổng đài tư vấn qua điện thoại mà còn có phòng khám tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá tại chỗ. Bác sĩ Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc BV, cho biết, mục đích nhằm cung cấp những thông tin hữu ích, khoa học cho người đang hút thuốc lá, giúp hiểu rõ hơn về tác hại thuốc lá, tăng cường quyết tâm cai và hướng dẫn phương pháp cai thuốc hiệu quả, phù hợp với từng cá nhân cụ thể.

Nghiện thuốc lá có thể điều trị thành công?

Đó cũng là cách làm của BV Bạch Mai (Hà Nội) trong 2 năm nay. PGS.TS Phan Thu Phương – Giám đốc Trung tâm Hô hấp của BV cho biết, Trung tâm Tư vấn cai nghiện thuốc lá được thành lập từ năm 2015 có các nhiệm vụ: thiết lập đường dây tư vấn cai nghiện thuốc lá; thực hiện công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Khoa Khám bệnh và Trung tâm Hô hấp của BV; đào tạo cán bộ y tế phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá; hỗ trợ kỹ thuật về cai nghiện thuốc lá cho các BV trên toàn quốc… Theo khuyến cáo của các trung tâm tư vấn, nghiện thuốc lá là bệnh cần được chẩn đoán và điều trị đúng đắn như tất cả các bệnh khác. Cán bộ y tế tư vấn cai nghiện thuốc lá đòi hỏi được trang bị kiến thức đầy đủ và kỹ năng phù hợp, đồng thời phải học tập qua công tác thực tế.

Bác sĩ Lê Khắc Bảo – Trường ĐH Y dược TP.HCM – giảng viên quốc gia chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá cho rằng, hiện nay có nhiều bệnh nhân không biết dịch vụ tư vấn cai nghiện thuốc lá; người hút thuốc lá chưa nhận thức được nghiện thuốc lá chính là một bệnh chứ không phải chỉ là thói quen và bệnh này cần được điều trị. Nghiện thuốc lá có thể điều trị thành công bằng tư vấn kết hợp với thuốc cai nghiện thuốc lá. Tiến sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học, Giám đốc dự án cho biết, khi  thực hiện cai thuốc lá cần chú ý 7 bước sau: Xác định lý do cai; Đánh giá mức độ, tình trạng cơ thể phụ thuộc vào nicotine; Kinh nghiệm cai thuốc lá trong quá khứ; Đối phó với các yếu tố kích thích; Các nguồn hỗ trợ khi cai thuốc; Dược phẩm hỗ trợ cai thuốc.

Nhiều người nghiện thuốc lá cho rằng, khi cai thuốc lá sẽ bị tăng cân. Thực ra khi thực hiện cai thuốc lá, người cai thuốc lá phục hồi lại cân nặng bình thường của chính mình. Để khống chế tăng cân do cai thuốc lá, ngoài các biện pháp dùng thuốc hỗ trợ cai thuốc lá, người cai thuốc lá cần thay đổi lối sống. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đã có rất nhiều nghiên cứu về tác hại của thuốc lá. Vì vậy, những người hút thuốc lá phải có quyết tâm cao để từ bỏ thuốc lá. BS Nguyễn Thị Thúy Tường – Khoa Hô hấp (BV Nhân dân Gia Định) cho biết, trong 2 đến 4 tuần đầu, bệnh nhân cai thuốc sẽ phải trải qua những cơn thèm thuốc mạnh mẽ và ảnh hưởng bởi triệu chứng cai khi cơ thể thiếu hụt nicotine. Một số cảm giác khó chịu sẽ xảy đến với họ như mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ hoặc tăng cân. Tuy nhiên sau một vài tuần, những triệu chứng này sẽ giảm dần và biến mất.

Bài, ảnh: Quang Phan

Bình luận (0)