Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vụ sạt lở ở An Giang: Các hộ dân sẽ được bố trí nền nhà mới

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù đã đến nơi ở mới an toàn hơn nhưng hàng trăm người dân ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại vụ sạt lở trong 2 ngày 22 và 23-4 khiến 17 căn nhà đổ nhào xuống lòng sông Vàm Nao…

Khu vực sạt lở nhấn chìm 17 ngôi nhà của người dân ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang trong những ngày qua. Ảnh: T.Hảo

“Của đi thay người”

Là một trong số những người tận mắt chứng kiến cảnh sạt lở mấy ngày qua, anh Trần Trung Hảo (241 tổ 10, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) cho biết, ngôi nhà của cha mẹ anh (nằm trên đoạn đường liên xã cặp theo bờ sông Hậu) là nơi phát hiện vết nứt đầu tiên vào ngày 20-4. Vết nứt dài khoảng 20m, rộng 5cm xuất phát từ cây cột điện trước nhà kéo dài sang phân nửa lề đường nhà hàng xóm. Đến khoảng 5 giờ chiều 21-4, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân di chuyển đồ đạc ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn. Công việc di dời của gia đình anh Hảo và một số hộ dân được tiến hành ngay sau đó. Tuy nhiên, cũng có một vài gia đình do không thấy vết nứt xuất hiện trên phần đất nhà mình nên chủ quan không thu dọn đồ đạc.

Hảo kể lại, sáng 22-4, vết nứt trước nhà anh bắt đầu mở rộng, các căn nhà có dấu hiệu nứt tường. Đến 9 giờ 20, các vết nứt toác ra, kéo dài rồi nhấn chìm 16 căn nhà xuống sông trong chỉ vài phút. Hốt hoảng chạy đua với dãy nhà đang đổ ập, anh Hảo như muốn khụy xuống khi thấy nhà người anh trai mình cũng cùng chung số phận. Sau vài phút định thần, anh Hảo vui mừng như “chết đi sống lại” khi thấy vợ chồng người anh và đứa cháu mới đầy tháng đã thoát được ra ngoài kịp lúc. Tuy nhiên, tài sản của đôi vợ chồng này đã mất hết.

Trong số các hộ dân bị sạt lở, có một gia đình đang tổ chức đám tang cho người thân, quýnh quáng quá nên chỉ kịp di chuyển quan tài ra ngoài; nhiều căn hộ kế bên vì chưa kịp di chuyển đồ đạc trước đó nên chỉ kịp ôm bàn thờ cha mẹ và ba chân bốn cẳng cố chạy thoát thân.

Ông Trần Văn Bi, cha của anh Hảo cho biết, tài sản gia đình ông chắt chiu trong hơn 30 năm qua bỗng chốc tan biến hết. Vợ chồng ông cưới nhau từ tay trắng, mới gầy dựng được căn nhà khang trang khoảng 2 năm nay thì gặp chuyện. Tổng ước tính thiệt hại của riêng gia đình ông khoảng 3,7 tỷ đồng. Hiện gia đình ông Bi và các hộ dân đều đã dọn đến ở tạm nhà người thân, họ hàng hoặc có trường hợp xin tá túc trong chùa. Tuy nhiên, điều họ mong mỏi lúc này là sớm được Nhà nước hỗ trợ để ổn định cuộc sống.

Khả năng sạt lở còn tiếp diễn

Sau vụ sạt lở, điều đáng lo ngại là tại vị trí đã xảy ra sự cố tiếp tục xuất hiện vết nứt sâu vào đất liền. Theo ông Vũ Minh Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, hiện mép sạt lở đã ăn sâu vào đường liên xã khoảng 2m cắt đúng tuyến đường giao thông liên xã Mỹ Hội Đông đi Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới). Tại vị trí sạt lở tiếp tục xuất hiện vết nứt sâu vào đất liền khoảng 1,5m, dài 8m, đe dọa sự an toàn của 11 căn hộ đối diện với khu đã xảy ra sự cố. Hiện tại còn 40 hộ nằm trong diện đặc biệt nguy hiểm nhưng đến nay đã được di dời hết. Tính đến ngày 25-4, tổng số căn hộ bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc trong khu vực nguy cơ sạt lở là 107 căn.

Thông tin từ chính quyền tỉnh An Giang cho biết, trước mắt các hộ dân khó khăn sẽ được bố trí sử dụng những nền nhà (chưa có chủ sở hữu) ở các cụm dân cư gần nơi đã sinh sống trước đây. Các em học sinh trong vùng bị ảnh hưởng cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển trường, tùy theo nhu cầu nơi ở thực tế sắp tới, nhằm đảm bảo không có em nào phải nghỉ học do ảnh hưởng bởi sự cố trên.

Nguyên nhân của vụ sạt lở theo phán đoán của một số người dân nơi đây là do tình trạng khai thác cát trong nhiều năm. Trước đây, có khoảng 3-4 chiếc sà lan khai thác cát liên tục dọc theo con sông này. Tại thời điểm sạt lở vẫn còn một chiếc sà lan đang khai thác cát dưới lòng sông, cách địa điểm sạt lở khoảng 5km. Còn theo kết luận của trung tâm quan trắc (Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh An Giang), tại vị trí sạt lở có một hố xoáy sâu với chiều dài là 380m, chiều ngang 120m, độ sâu (âm) khoảng 42m. Hiện tượng này cho thấy khả năng sạt lở sẽ còn tiếp diễn. Cơ quan chức năng của tỉnh cũng đưa ra nhận định, đoạn sông Vàm Nao là khu vực hợp lưu giữa hai dòng chảy sông Hậu và sông Tiền nên tạo thành vùng xoáy giữa đáy sông, rồi dần tạo thành hố xoáy gần bờ tạo nên trọng lực lớn và hút tất cả vật kiến trúc xuống sông. Do đó ngay trong buổi chiều ngày 22-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp để kịp thời sơ tán đến nơi an toàn.

Sẽ bố trí 200 nền nhà cho các hộ dân

Nhằm góp phần ổn định cuộc sống người dân, trong những  ngày qua chính quyền địa phương đã nỗ lực hỗ trợ người dân trong việc di dời tài sản; đồng thời cắt cử chiến sĩ trực gác 24/24 ở khu vực sạt lở nhằm cảnh báo người dân và ghe thuyền tránh tiếp cận khu vực này. Các nguồn điện, hệ thống viễn thông cũng đã được xử lý. Bên cạnh đó, các mạnh thường quân liên tục cung cấp lương thực, nước uống cho các chiến sĩ và các hộ dân có nhu cầu. Đặc biệt, những hộ bị sạt lở đã được chính quyền hỗ trợ bước đầu 26 triệu đồng/hộ, các hộ di tản được hỗ trợ 20 triệu đồng.

Bà Võ Thị Ánh Xuân (Bí thư Tỉnh ủy An Giang) cho biết, 107 hộ dân trong khu vực bị sạt lở hoặc bị ảnh hưởng được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ. Trong đó, 58 hộ đã nhận trước 20 triệu đồng, còn lại sẽ được cấp bổ sung sau.

Theo ông Lâm Quang Thi (Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang), từ ngày 24-4, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát toàn tuyến sông Vàm Nao, nhằm đưa ra phương án xử lý lâu dài đối với khu vực sạt lở. Hiện địa phương đang tính toán giao UBND huyện Chợ Mới 4,8ha đất để triển khai xây dựng ngay khu dân cư và bố trí khoảng 200 nền nhà cho các gia đình, nhằm góp phần ổn định đời sống người dân sớm nhất có thể.

Đinh Vũ

Bình luận (0)