Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tay chân miệng vào mùa: Các trường bán trú hãy cảnh giác

Tạp Chí Giáo Dục

Thân nhân và bệnh nhi nằm la liệt hành lang Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (Ảnh chụp sáng 11-4)

Tại buổi giao ban quận, huyện vừa qua, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết: “Tháng 3, toàn thành phố có 215 ca bệnh tay chân miệng (TCM), tăng 90% so với tháng 2 là 112 ca. Và sẽ còn tăng nữa trong thời gian tới, đặc biệt là tháng 4 và 5…”.
Hầu hết bệnh nhi đều dưới 4 tuổi
Những ngày thường khu dịch vụ (khám theo yêu cầu của gia đình bệnh nhi) của Bệnh viện (BV) Nhi đồng I, Nhi đồng II đã chật cứng người, ngày thứ bảy lại càng đông hơn. Sáng 11-4, tại Khoa Khám bệnh – BV Nhi đồng II, vợ chồng anh Quang (đường Trần Não, Q.2) và cậu con trai gần 4 tuổi mệt mỏi ngồi chờ tới lượt bác sĩ kêu tên. Anh Quang cho biết: “Chiều thứ năm (9-4) đón bé ở trường mầm non (MN) về, cô giáo nói: Trưa nay bé ăn ít hơn so với mọi ngày, người hâm hấp nóng, mai anh nên cho bé nghỉ. Tối đó, vợ chồng tôi đưa bé tới phòng mạch tư khám. Bác sĩ cho thuốc uống nhưng đến tối qua (10-4) vẫn không thấy bớt. Thế là sáng nay chúng tôi phải đưa bé lên đây khám…”. Trong khi đó tại Khoa Nhiễm của BV có trên 20 bé mắc bệnh TCM đang nằm điều trị, tăng gấp đôi so với đầu tháng.
Còn tại Khoa Nhiễm – BV Nhi đồng I cũng đang điều trị cho khoảng 30 bệnh nhi TCM. Chị Oanh (đường Nguyễn Tri Phương, Q.10), mẹ bệnh nhi Ng.Th.Tr (3 tuổi) cho biết: “Bé nhập viện sáng 9-4, trước đó thấy bé sốt, bỏ ăn nên gia đình cho nghỉ học. Nghỉ hai ngày ở nhà mà bé vẫn sốt, hay ói khi ăn nên sáng 9-4 chúng tôi đưa bé tới BV Nhi đồng I. Sau khi khám cho bé, các bác sĩ nói bé bị bệnh TCM và cho nhập viện. Bác sĩ nói, tuy bệnh chưa đến mức nguy kịch nhưng nếu để chậm một – hai ngày là có thể gây ra biến chứng rất nguy hiểm”. Nằm cạnh giường bệnh nhi Tr. là bệnh nhi “nhí” Đ.D.A (4 tháng tuổi), bệnh nhi nhập viện ngày 8-4. Bà Quyên (bà nội của bé) cho biết: “Trước đó, bé ngủ ít, hay quấy khóc, bỏ bú, người nóng. Gia đình chủ quan cứ nghĩ bé chỉ bệnh xoàng do thời tiết mưa nắng thất thường nên không đưa đi BV. Nhưng càng ngày bé bệnh càng nặng nên sáng 8-4 đã đưa gấp tới BV. Khám xong các bác sĩ cho nhập viện ngay… Đến nay sức khỏe của bé cũng đã khá hơn, tuy vậy vẫn phải nằm điều trị trong phòng cấp cứu”.
Tại hành lang của Khoa Nhiễm – BV Nhi đồng I đông nghịt thân nhân và bệnh nhi nằm, ngồi. Chiếu, võng được trải và mắc kín cả lối đi. Vợ chồng anh Long lặn lội từ Tiền Giang lên Sài Gòn chữa bệnh cho con. Sáng 7-4, bé Ph. (con anh) được chuyển từ BV Đa khoa tỉnh lên BV Nhi đồng I. Sau 3 ngày nằm điều trị trong phòng cấp cứu, ngày 10 bé ra phòng lưu bệnh nằm. “Trong phòng đông bệnh nhân quá nên tôi phải đưa cháu ra ngoài này nằm cho dễ thở, khi nào bác sĩ gọi tên thì vào khám”, anh Long cho biết.
Nhiều bệnh nhi ở tỉnh, không chỉ có cha mẹ đi kèm mà còn có cả ông bà nội, ông bà ngoại lên thăm nuôi bệnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi bệnh nhi ở tỉnh có ít nhất là 2 người nuôi bệnh, nhiều nhất là 6 người. Ông Bảy (Sóc Trăng) – ông ngoại của bệnh nhi B.K.X nói: “Gia đình tính là sau khi cháu khỏi bệnh thì đi chơi cho biết Sài Gòn. Bởi vậy nên mới kéo tới 6 người lớn đi nuôi một đứa trẻ con”. Cũng theo ông Bảy thì sau 4 ngày nhập viện, sức khỏe của bé X. đã ổn định, nếu không có gì thay đổi chiều nay sẽ được xuất viện…
Trường MN có nguy cơ là ổ dịch
Theo bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế thì cách phòng bệnh tốt nhất ở trường MN là “lau”. Cụ thể là lau đồ chơi của bé, lau sàn nhà, bàn ghế trong lớp học, lau rửa nhà vệ sinh mỗi ngày bằng nước xà bông hoặc nước lau nhà. Mỗi tuần thì nên lau bằng thuốc cloramine pha loãng 1 lần. Trong trường hợp, phát hiện có trẻ bệnh thì phải lau bằng cloramine đậm đặc theo quy định của ngành y tế
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng I, bệnh TCM đang vào mùa theo chu kỳ. Đáng lo ngại là bệnh này thường lây lan mạnh, chỉ cần tiếp xúc với người bệnh dù là trực tiếp hay gián tiếp đều có thể lây bệnh. Càng những môi trường chật chội thì nguy cơ lây bệnh càng nhanh và tạo thành ổ dịch, chủ yếu là trong các trường MN. Ở trường MN, vi rút từ trẻ bệnh có thể lây qua đồ chơi, bàn ghế, chén, muỗng. Khi trẻ lành tiếp xúc với những thứ này sẽ dễ dàng mắc bệnh, nếu sức đề kháng của bé không tốt…
TCM vốn là một bệnh lành tính và có thể tự khỏi. Do đó cũng có thể chăm sóc tại nhà bằng cách vệ sinh răng miệng và thân thể cho bé, giảm đau, hạ sốt bằng thuốc Paracetamol, hạn chế vận động và tăng cường dinh dưỡng (nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm như cháo, sữa). Phụ huynh cũng cần phải lưu ý: “Không nên chọc vào những bóng nước ở lòng bàn tay, chân trẻ vì như vậy sẽ rất dễ nhiễm trùng. Tuyệt đối không bôi những thuốc lạ vào miệng trẻ, chỉ bôi thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Mặc dù là bệnh lành tính, nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách và chữa trị kịp thời, bệnh cũng rất dễ gây biến chứng. Thực tế tại Khoa Nhiễm của BV Nhi đồng I, Nhi đồng II đã tiếp nhận không ít bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch, bị biến chứng nặng về thần kinh, tim mạch.
Bệnh TCM tử vong rất nhanh, những năm trước mỗi năm chỉ có 1 – 3 ca tử vong nhưng 2 năm trở lại đây số ca tử vong tăng lên cả chục trường hợp. Do vậy, “Nếu phát hiện trẻ quấy khóc, giật mình, đi đứng loạng choạng, ngủ li bì thì đừng nên chủ quan vì có thể đấy là dấu hiệu của bệnh nặng. Phải đưa ngay tới một trong ba BV sau: BV Nhi đồng I, Nhi đồng II và BV Nhiệt Đới…”, bác sĩ Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)