Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhân lực công nghệ cao: Đào tạo chưa “bắt kịp” nhu cầu sử dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Đại diện Bộ GD-ĐT và Bộ KH-CN ký kết văn bản hợp tác giữa hai bộ

“Hiện nguồn nhân lực cho công nghệ cao (CNC) còn thiếu, yếu về năng lực thực hành, thiếu các chuyên gia… Sự gắn kết hữu cơ giữa đào tạo và nghiên cứu sản xuất chưa được chặt chẽ nên các kết quả nghiên cứu chậm đưa vào ứng dụng và thương mại hóa”. Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Lạng (Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ) tại hội thảo quốc gia “Đào tạo nhân lực CNC theo nhu cầu xã hội” do Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức ngày 11-4.
Thiếu hụt nhân lực CNC khó tránh khỏi
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cũng chung nhận định: “Cơ cấu nguồn nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) ở nước ta còn bất hợp lý, trình độ và chất lượng của nguồn nhân lực KHCN còn ở mức thấp, thiếu chuyên viên kỹ thuật lành nghề, đội ngũ cán bộ trình độ cao còn chưa bắt kịp khu vực.Đây là khó khăn lớn cho Việt Nam trong hội nhập”. Theo Thứ trưởng Bành Tiến Long thì Việt Nam đang đứng ở vị trí cuối hoặc nửa cuối bảng xếp hạng về một số chỉ số công nghệ quan trọng như: Chính phủ điện tử, khả năng sáng tạo công nghệ, phổ biến công nghệ hiện đại… Mặt khác, nhân lực có trình độ ĐH trong lĩnh vực khoa học – công nghệ (KH-CN) cũng chỉ chiếm khoảng 10%; chất lượng của cán bộ KH-CN cũng có vấn đề, tỷ lệ cán bộ phát huy tốt chỉ chiếm khoảng 35%, tỷ lệ phát huy yếu gần 28%.
Kết quả điều tra (233 đơn vị trực thuộc Bộ) của Bộ KH-CN năm 2006 cho thấy, tuổi đời của của cán bộ có chức danh khoa học bình quân 57,2 tuổi, được đánh giá là khá cao. Trong đó, giáo sư là 59,5 tuổi, PGS là 56,4 tuổi. Chỉ 12% số cán bộ có chức danh khoa học ở tuổi dưới 50. Những số liệu trên cho thấy, việc thiếu hụt nhân lực khoa học công nghệ nước ta trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Đội ngũ khoa học Việt Nam có năng lực ngoại ngữ thấp (dưới 25%). Thiếu những công trình khoa học có tầm ảnh hưởng. Thiếu những bài báo khoa học quốc tế. Hiểu biết văn hóa ứng xử giao lưu quốc tế còn hạn chế. Số tiến sĩ trong 10.000 tiến sĩ có trình độ đạt chuẩn quốc tế là rất thấp. 
Doanh nghiệp cần hỗ trợ các trường trong đào tạo      
Mục tiêu đến 2015 ngành CNTT cần đào tạo 25 ngàn người, sau đại học khoảng 500 người; công nghệ sinh học, tự động hóa mỗi lĩnh vực cần 20 ngàn; công nghệ vật liệu 18 ngàn người. Việc thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực CNC sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân lực. Cả nước có 321 trường đại học, cao đẳng đào tạo các ngành CNC: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, tự động hóa… Các trường này chủ yếu tập trung tại TP.HCM 56 lượt ngành (chiếm 30,6%), Hà Nội 52 lượt ngành (chiếm 28,42%), các địa phương Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên chưa tới 5%. Các trường đang đứng trước rất nhiều khó khăn trong quá trình đào tạo. Đà Nẵng là một điển hình, toàn thành phố có hơn 400 ngàn lao động nhưng chỉ 2% lao động trong lĩnh vực CNTT, điện, điện tử. Trong khi nhiều doanh nghiệp đang khát lao động kỹ thuật thì nhiều SV ra trường không xin được việc vì không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo là hệ thống trang thiết bị của các cơ sở đào tạo nghèo nàn, SV học “chay” nhiều nên còn hạn chế khả năng vận hành máy móc, thiết bị… Thời gian qua, ĐH Đà Nẵng cũng tiến hành liên kết đào tạo với nước ngoài để cải thiện chất lượng giáo dục nhưng SV hoặc thiếu kinh phí theo học hoặc trình độ ngoại ngữ không đáp ứng được yêu cầu chương trình đào tạo. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ kinh phí các trường để hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNC.
Đại diện Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đề nghị phía các đơn vị sử dụng lao động nên “bắt tay” hỗ trợ nhiều hơn trong việc đào tạo nhân lực. Hiện, nhiều SV phải bỏ tiền túi ra trả cho đơn vị doanh nghiệp khi đi thực tập. Hầu hết các doanh nghiệp trước giờ sử dụng “miễn phí” nguồn nhân lực do các trường đào tạo.
MÊ TÂM

 

Bình luận (0)