Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh “truyền lửa” bảo vệ môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Ra nước ngoài học tập rồi về nước chia sẻ kiến thức cho bạn bè, tạo những túi vải thân thiện với môi trường để quảng bá khắp nơi…, đó là những hoạt động thiết thực của học sinh TP.HCM nhằm kêu gọi mọi người, từ các bà nội trợ đến công nhân, cán bộ viên chức bảo vệ môi trường.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân tạo những túi vải thân thiện với môi trường tại ngày hội

Đưa hình ảnh bảo vệ môi trường đến mọi ngõ ngách

Hàng năm, thế giới sản xuất ra khoảng 300 triệu tấn túi nilon và vứt khoảng 1/3 sau khi sử dụng nó không lâu. Đa số túi nilon bị đốt hoặc chôn xuống đất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Đó là những con số cụ thể mà Viện Goethe Việt Nam đưa ra tại Ngày hội môi trường vừa tổ chức ở 3 trường THPT là Bùi Thị Xuân, Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) và Nguyễn Thượng Hiền. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình “Việt Nam đối mặt với các thách thức xanh” vì số lượng người Việt sử dụng quá nhiều bao nilon, chai nhựa gây ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, bà Kristin Kropid-lowski (Giám đốc dự án “Trường học: đối tác tương lai” thuộc Viện Goethe Việt Nam) cho hay: “Hiện nay, người tiêu dùng vẫn chưa ý thức được ảnh hưởng nghiêm trọng của túi nilon đến môi trường sống như thế nào nên vẫn vô tư vứt bừa bãi. Chúng tôi thực hiện hoạt động này đến đối tượng đầu tiên là học sinh vì các em là chủ nhân của tương lai, thế giới này tồn tại hay không phụ thuộc vào cách hiểu và bảo vệ môi trường của các em”.

Tại ngày hội, các em học sinh được trải nghiệm các hoạt động thực tế như tạo ý tưởng về những chiếc túi, xây dựng những chiếc túi vải thân thiện với môi trường; tạo vườn chai với hệ thống tưới tiêu, đo lường không khí… Em Vũ Hoàng Tuấn Kiệt (lớp 10A7 Trường THPT Bùi Thị Xuân) phấn khởi nói: “Tại ngày hội, em không chỉ được cung cấp các thông tin về hiểm họa của rác thải đối với môi trường mà còn được góp công sức thực hiện những hoạt động bổ ích. Tuy không phải là họa sĩ để vẽ những bức tranh đẹp nhưng em tin rằng những hình ảnh ngộ nghĩnh do chúng em vẽ trên các túi vải sẽ khoác lên vai các bạn học sinh đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường cho mọi người”.

Cùng tâm trạng này, em Bùi Lan Anh (học cùng lớp với Tuấn Kiệt) chia sẻ: “Trước khi tham gia chương trình, em đã nghe thông tin về ảnh hưởng của túi nilon đến môi trường nhưng không nghĩ nó ở mức nghiêm trọng như vậy. Biết thêm nhiều kiến thức, em nghĩ sẽ thuyết phục được mọi người chung tay vì hành động này khả thi hơn, trước hết là những người nội trợ như mẹ em”.

Ra nước ngoài học hỏi cách bảo vệ môi trường

Không chỉ tham gia học tập kinh nghiệm trong nước, vừa qua nhiều học sinh thành phố còn được sang CHLB Đức học hỏi về cách bảo vệ môi trường. Hầu hết các em học sinh sau khi tham gia chương trình, về nước đều lập kế hoạch để lan tỏa những thông tin mà mình học hỏi được đến bạn bè xung quanh.

Trước khi khởi động chương trình này, Viện Goethe Việt Nam đã chọn 50 học sinh hoạt động phong trào sôi nổi sang CHLB Đức tham quan, học tập về môi trường. Em Trúc Anh (lớp 11KC1 Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Chuyến đi trải nghiệm ở CHLB Đức cùng với các bạn đã cho em nhiều bài học về tuyên truyền, giáo dục, bảo vệ môi trường sống. Đặc biệt, em chú trọng đến kinh nghiệm của nước bạn là chỗ nào cũng có 4 thùng đựng rác thải phân loại rõ ràng như rác tái sử dụng, rác hữu cơ, rác thải rắn…”.

Từ kinh nghiệm này, Trúc Anh dự kiến: “Trước mắt em muốn giáo dục gia đình, người thân tham gia gây quỹ, tái sử dụng chai lọ, đồ nhựa, không sử dụng bao nilon gây ô nhiễm môi trường… Và em cũng đang lên dự án tổ chức câu lạc bộ môi trường tại trường để tuyên truyền về việc tái chế các nguyên liệu rác thải từ nhựa, chai lọ, tạo thành vườn treo, các sản phẩm tái sử dụng để gây quỹ bảo vệ môi trường. Hoạt động này góp phần tuyên truyền vận động học sinh thành phố, lan tỏa xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường”.

Cùng tham gia chuyến trải nghiệm ở CHLB Đức, Bảo Trân (học cùng lớp với Trúc Anh) chia sẻ: “Giao lưu với các bạn học sinh ở CHLB Đức, em thấy các bạn có độ hiểu biết, quan tâm, lo lắng rất cao đến môi trường xung quanh. Ngay lúc về nhà, em đã tìm mọi biện pháp để thay đổi thói quen của gia đình, hạn chế, thậm chí là nói không với túi nilon khi đi chợ, thay vào đó là sử dụng túi giấy thân thiện”. Còn kế hoạch lớn hơn, Bảo Trân nói: “Cùng với các bạn ở Trường Phổ thông Năng khiếu sang CHLB Đức tham quan, năm nay chúng em sẽ lập thành lập câu lạc bộ bảo vệ môi trường của học sinh, làm đồ tái chế tạo quỹ từ thiện…”.

Bài, ảnh: D.Bình

Bình luận (0)