Ảnh: I.T |
Năm 2012, học sinh Việt Nam sẽ được đánh giá bằng chương trình quốc tế (PISA). Kinh phí để chi cho vấn đề này dự kiến sẽ là hơn nửa triệu USD (trong đó chi phí đăng ký là 110.000 EUR và kinh phí đánh giá là 400.000 USD). Đây là kế hoạch được Bộ GD-ĐT đưa và cũng mong muốn PISA sẽ “bắt mạch” được nền giáo dục Việt Nam.
Có thể sẽ là cú sốc lớn
PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế do các nước thuộc khối OECD (tổ chức các nước công nghiệp phát triển) khởi xướng và chỉ đạo. Bắt đầu từ năm 1997, PISA được triển khai với quy mô toàn cầu và có tính chu kỳ (3 năm một lần). Nếu như năm 1997 có hơn 30 nước tham gia thì đến năm 2009 này có 67 nước tham gia. Theo PGS. Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chương trình đánh giá của PISA không cần quan tâm các nước dạy theo chương trình gì, SGK như thế nào. PISA đề cao phương pháp nghĩ, lựa chọn vấn đề, cách giải bài toán của học sinh. Nên nội dung kiểm tra, câu hỏi của PISA rất thông minh. Do đó, để tham gia chương trình này, giáo viên Việt Nam không thể “tổ chức ôn tập” cho học sinh. Bởi đối tượng lựa chọn của PISA là học sinh 15 tuổi 3 tháng đến 16 tuổi 2 tháng, học ở bất cứ chương trình, cấp học nào và “mẫu” được PISA chọn “ngẫu nhiên”. Ba lĩnh vực mà PISA sẽ “kiểm tra” học sinh đó là lĩnh vực làm toán, lĩnh vực đọc hiểu và lĩnh vực khoa học. Mỗi một chu kỳ, sẽ có 1 lĩnh vực được chuyên sâu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT khẳng định đây không phải là một kỳ kiểm tra nên không cần phải tổ chức “ôn tập” hay thi thử cho học sinh. Đồng thời, ông cũng khẳng định nếu tham gia PISA, giáo dục Việt Nam sẽ sớm được “bắt trúng mạch” và tìm ra hướng để giải quyết bệnh thành tích. Ông cho biết, Đức là một nước rất tự hào về nền giáo dục của mình. Nhưng khi tham gia PISA, họ chỉ đạt 500 điểm, trong khi đó Phần Lan lại là nước chiếm ngôi quán quân trong những nước đã tham gia đánh giá. Và nước Đức đã vô cùng sốc về vấn đề này. PISA là một cú sốc đối với tất cả các nước sẽ “đánh thức một cách thô bạo” và lay chuyển toàn bộ hệ thống giáo dục.Việt Nam cũng cần chuẩn bị tâm lý đối với ngành và đối với dư luận. Nhưng điều may mắn nhất của Việt Nam là năm 2012 tham gia, lĩnh vực chuyên sâu là toán. Đây luôn là điểm mạnh của học sinh Việt Nam.
Khó khăn nhiều hơn thuận lợi
Để tham gia PISA, ông Nguyễn Hải Châu, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ có 6 thuận lợi và 9 khó khăn. Trong số những thuận lợi thì kinh nghiệm tổ chức thi, đánh giá đã có, nền nếp đánh giá xếp loại học sinh đã tương đối bài bản. Đồng thời, tham gia đánh giá PISA có thể coi là đánh giá “ngoài” để có những đánh giá mạnh dạn hơn về SGK hiện nay. Nhưng khó khăn và hạn chế cũng rất nhiều. Chất lượng giáo dục của Việt Nam còn hạn chế nhất định, mục đích, yêu cầu nội dung các cuộc thi khác nhau. Chương trình SGK của Việt Nam hiện nay cần có điều chỉnh nhất định. Có một số môn học còn nặng về lý thuyết, một số điểm mới chưa được cập nhật…
Rất nhiều sở GD-ĐT đều khẳng định Việt Nam cần sớm tham gia chương trình đánh giá này. Nhưng rõ ràng, các sở GD-ĐT đều không hình dung được những khó khăn khi tham gia PISA. PISA không phải là một bài kiểm tra kiến thức của học sinh. Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, từ tháng 5 đến tháng 9-2009, sẽ thử nghiệm tại hai thành phố lớn để rút kinh nghiệm. Sau đó mở rộng thử nghiệm vào năm 2010 để có thể tham gia chính thức vào năm 2012.
Thiên Lam
Bình luận (0)