Giờ dạy môn địa lý của Trường THPT Châu Văn Liêm, TP. Cần Thơ |
Hội thảo “Đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý cấp THCS và THPT” do Bộ GD-ĐT tổ chức trong 2 ngày 16 và 17-4 tại TP.Cần Thơ đã cho thấy những hạn chế nhất định trong việc thực hiện việc kiểm tra đánh giá (KTĐG) các môn học này ở các trường hiện nay.
KTĐG là “độc quyền” của giáo viên
Các đại biểu phân tích từ thực tế hiện nay cho rằng, nhiều thầy cô chưa có ý thức trong việc đổi mới phương pháp dạy học dẫn đến việc kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình học tập bộ môn vẫn theo quan niệm cũ “đậm kiến thức, nhạt kỹ năng”, KTĐG vẫn xem là độc quyền của giáo viên. Cô Lư Thị Huỳnh Mai, giáo viên Trường THCS Phan Triêm, Bến Tre cho rằng: “Nội dung của KTĐG vẫn còn nặng về ghi nhớ và học theo sách giáo khoa. Nội dung học nhiều nhưng nội dung KTĐG lại ít”.
Hiện nay, hiện tượng chạy theo bệnh thành tích ở các trường không phải là đã chấm dứt vì thế việc KTĐG chưa phản ánh chất lượng dạy học. Riêng đối với môn ngữ văn, giáo viên Trường THPT Tháp Chàm, Bình Thuận cùng nhận xét: “Học để thi là một quan niệm phổ biến của nền giáo dục chúng ta đang là một rào cản lớn với môn ngữ văn hiện nay”. Thực tế, các dạng bài kiểm tra hiện nay còn đơn điệu nên không có khả năng phát huy tính sáng tạo, rèn luyện kỹ năng bộ môn chung cho một lớp hoặc nhiều lớp nên khó đánh giá được chính xác năng lực học tập môn học của học sinh”.
Thực tế ở các trường phổ thông hiện nay, việc KTĐG thường tập trung với hình thức chủ yếu là các bài kiểm tra và câu hỏi tự luận vì thế chưa tạo điều kiện phát triển năng lực tư duy cũng như kỹ năng bộ môn và cách vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống, chưa thực sự tạo cho học sinh tính tích cực tham gia vào quá trình tự kiểm tra, đánh giá. Chính vì thế dẫn đến việc học sinh thụ động trong học tập hoặc có tính chất đối phó và không thực sự quan tâm đến môn học. Thầy Nguyễn Thanh Hiền, Trường THPT chuyên Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho rằng: “Hầu hết học sinh có tâm lý chung là học đối phó, chỉ cần đạt điểm sao cho không ảnh hưởng đến kết quả chung”.
Cần đổi mới việc KTĐG
Hội thảo đưa ra một số ý kiến định hướng để KTĐG trong thời gian tới đó là việc KTĐG phải đảm bảo độ tin cậy, tránh việc chạy theo thành tích làm cho kết quả đánh giá không chính xác, gây mất niềm tin và hứng thú học tập của học sinh. Cần tổ chức thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học trong đó chú trọng đến phát huy tính ích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh nhằm thông qua hoạt động học tập của học sinh để chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, tự làm việc, tăng cường hoạt động học tập tự lực của mỗi học sinh phối hợp với học hợp tác (hoạt động nhóm) kết hợp giữa việc đánh giá của thầy với tự đánh giá của học sinh đánh giá lẫn nhau trong học sinh. Khi KTĐG phải đảm bảo tính toàn diện về kiến thức kỹ năng, thái độ của học sinh. Đồng thời cần đa dạng hóa hình thức và nội dung KTĐG của giáo viên với việc tự KTĐG của học sinh.
Định hướng chung là vậy nhưng đổi mới như thế nào và bắt đầu từ đâu và làm như thế nào là câu hỏi mà nhiều đại biểu đặt ra nhưng chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Bằng chứng là các tiết dạy được dự giờ ở TP.Cần Thơ phần lớn đều sử dụng công nghệ thông tin nhưng tiết thì được cho là tận dụng tốt, tiết lại không thực sự phát huy hiệu quả. Trong việc thực hiện hoạt động nhóm thì có nhóm phát huy rất tốt khả năng tự học, tự sáng tạo nhưng có nhóm chỉ là hình thức… Đối với giáo viên dự giờ phần nhiều đánh giá theo khả năng chứ không có một quy chuẩn nào thật cụ thể của Bộ GD-ĐT làm căn cứ…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu giáo viên phải tập trung đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt đổi mới kiểm tra, đánh giá và đổi mới phương pháp giảng dạy trong mối quan hệ đồng bộ với nhau. Phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh làm nền tảng để thay đổi thái độ, nhận thức của học sinh đối với các môn học ngữ văn, lịch sử, địa lý. Trong đó, chú ý giảm bớt tình trạng học thuộc lòng làm triệt tiêu động lực học tập các môn học này của học sinh…
Thái Hải
Bình luận (0)