Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục “giới” bằng luật: Chưa sâu!

Tạp Chí Giáo Dục

Việc lồng ghép vấn đề “giới” trong nội dung giảng dạy các môn luật thời gian qua chưa đem lại hiệu quả mong muốn

Phần đông đại biểu tham dự hội thảo “Vấn đề giới trong xã hội và trong công tác đào tạo luật” do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức trong hai ngày 17 và 18-4 đều chung nhận định là việc lồng ghép vấn đề giới với công tác đào tạo luật nước ta thời gian qua chưa tạo được dấu ấn đậm nét.
Quan tâm chưa đúng mức
TS. Nguyễn Hữu Chí (Trường ĐH Luật Hà Nội) đánh giá: “Toàn bộ chương trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật, nhìn một cách tổng quát ở các mức độ khác nhau đều có những nội dung liên quan đến giới. Một số bộ môn (Luật hôn nhân gia đình, Luật lao động, Luật dân sự…) đề cập trực tiếp đến vấn đề giới và bình đẳng giới. Song, việc nhận thức lồng ghép giới trong nghiên cứu – giảng dạy các bộ môn luật vẫn chưa đầy đủ”. ThS. Bùi Thị Đào (Trường ĐH Luật Hà Nội) nhận xét: “Chương trình đào tạo luật nước ta hiện nay chú trọng nội dung pháp luật thực định hơn các yếu tố xã hội chi phối nội dung và quá trình thực hiện pháp luật. Việc quan tâm đến vấn đề giới hầu như chỉ dừng lại ở các vấn đề được nêu trong văn bản, gồm những quyền lợi phụ nữ được hưởng… Bình đẳng giới mới chỉ được nhìn nhận ở khía cạnh quyền, chưa được nhìn nhận ở góc độ cơ hội”. ThS. Đào cũng cho rằng, vấn đề giới chưa được quan tâm đúng mức trong môn học và ngay cả với những nội dung chứa đựng vấn đề giới rõ ràng thì vấn đề này cũng chỉ được trình bày hời hợt, có khi “vô cảm”.
Một số môn luật chuyên về giới như: Luật nhân quyền và bảo vệ phụ nữ, pháp luật phân biệt đối xử về giới, giới và pháp luật, các quyền quốc tế của phụ nữ… đã được áp dụng ở nhiều trường ĐH quốc tế hiện vẫn chưa được đưa vào giảng dạy ở trường và các cơ sở đào tạo luật nước ta. Tại Trường ĐH Luật Hà Nội, vấn đề giới không được thiết kế thành môn học riêng mà được lồng ghép vào nội dung các môn học có liên quan, phần nào làm mất tính hệ thống, tính logic của vấn đề nghiên cứu. Mức độ lồng ghép kiến thức về giới vào nội dung các môn luật do từng giảng viên chủ động, chưa theo quan điểm đồng nhất nên nhận thức về giới của sinh viên sau khi tham gia học cũng khác nhau. Các nội dung giảng dạy pháp luật về giới chủ yếu giới thiệu, phân tích, lý giải hoặc yêu cầu học viên tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan đến giới ở Việt Nam; chưa quan tâm đến yêu cầu dành cho người học về đánh giá mức độ thực hiện, tìm hiểu nguyên nhân, biện pháp, kế hoạch cùng hành động để đạt tính hiệu quả của vấn đề… Đội ngũ giảng viên có kiến thức đầy đủ về giới và bình đẳng giới còn hạn chế cũng gây ảnh hưởng đến quá trình đào tạo.
Tránh đào tạo dàn trải
TS. Vũ Thị Thanh Bình (Phó chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành giáo dục) đề nghị việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giáo dục về giới và bình đẳng giới, cụ thể bằng những nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động, chính sách đãi ngộ, chế độ khen thưởng và phân công lao động hợp lý. TS. Nguyễn Hữu Chí (Trường ĐH Luật Hà Nội) nhấn mạnh việc chú trọng các nội dung có tính chuyên đề về giới và bình đẳng giới bên cạnh những nội dung có tính lồng ghép. Cần lựa chọn các nội dung theo hướng chuyên sâu, tránh dàn trải. Ý kiến khác cũng lưu ý không nên đưa quá nhiều kiến thức, giới thiệu quá sâu vấn đề giới vì đây là môn học về luật, vấn đề giới chỉ được lồng ghép, tránh làm lệch nội dung, mục đích đào tạo.
TS. Nguyễn Thị Kim Phụng (Trường ĐH Luật Hà Nội) đề xuất thành lập Trung tâm nghiên cứu pháp luật về giới trực thuộc Ban giám hiệu để thực hiện một số nhiệm vụ như tham gia với các cơ quan nhà nước hữu quan trong việc sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật có liên quan đến giới hoặc đánh giá công tác giới của các dự thảo văn bản pháp luật; qua các kết quả nghiên cứu, thiết lập chương trình bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn cho các đối tượng làm công tác giới thuộc các cơ quan không chuyên luật mà có nhu cầu (Hội LHPN Việt Nam, các cơ quan dân số – gia đình và trẻ em…).
MÊ TÂM

Bình luận (0)