Đơn hàng xuất khẩu sụt giảm đáng kể, lên tới 40%. Không những thế các thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc còn yêu cầu khắt khe hơn với các sản phẩm của nước ta. Ngay như cao su và cà phê – 2 mặt hàng Việt Nam có thế mạnh – nếu trồng trên đất phá rừng sẽ không được nhập vào EU. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cứ ỉ i, làm ăn theo lối cũ, không chịu thay đổi thì sớm muộn gì cũng bị đào thải… Xuất khẩu xanh chính là con đường mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đi nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững.
Trái cây Việt Nam muốn xuất khẩu phải đảm bảo các điều kiện trồng trọt, thu hoạch khắt khe
Thị trường xuất khẩu ngày càng “khó tính”
Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương – cho biết, ghi nhận các ngành hàng hiện nay sụt giảm 30-40% đơn hàng, trong đó có thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Với các thị trường này, không chỉ cầu giảm mà ngày càng yêu cầu gia tăng về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm cả khía cạnh môi trường, xã hội, kinh tế nói chung trong toàn bộ chuỗi cung ứng của việc tạo ra một sản phẩm.
“Đây là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam”, ông Hải nói.
Minh chứng cho sự cạnh tranh trong nền kinh tế xanh, ông Nguyễn Duy Minh – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam – thông tin, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 thế giới nhờ vào việc kiểm soát tốt dịch bệnh, tận dụng tốt đơn hàng xuất khẩu đồ bảo hộ, đồ phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, năm 2022, Bangladesh đã lấy lại vị trí số 2 của Việt Nam. Năm 2022, Bangladesh có 153 nhà máy đạt tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), ngoài ra còn có 500 nhà máy đang nộp hồ sơ để nhận giấy chứng nhận này.
“Tiêu chuẩn LEED được đánh giá dựa trên 6 yếu tố chính bao gồm: vật liệu và tài nguyên, chất lượng môi trường trong nhà, năng lượng và khí quyển, hiệu quả sử dụng nước, các khía cạnh bền vững, đổi mới trong hoạt động và ưu tiên khu vực”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, trước những quy định mới về nguồn gốc thì sản phẩm cao su, cà phê trồng trên đất phá rừng sẽ không được nhập vào EU. Luật mới đảm bảo hàng hóa được đưa vào thị trường EU sẽ không góp phần vào nạn phá rừng và suy thoái rừng ở EU cũng như những nơi khác trên thế giới. Bước đi này sẽ giúp ngăn chặn một phần đáng kể nạn phá rừng và suy thoái rừng toàn cầu, từ đó giảm phát thải khí nhà kính và mất đa dạng sinh học. Theo đó, các doanh nghiệp cũng sẽ được yêu cầu thu thập thông tin địa lý chính xác trên đất nông nghiệp nơi những loại hàng hóa mà họ cung cấp đã được trồng.
Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam – chiếm 40-45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành, góp phần rất lớn trong việc tăng trưởng xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, trong thời gian qua ngành tôm Việt Nam đã bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là các vấn đề về sản xuất nguyên liệu, chế biến xuất khẩu cũng như sự thiếu kết nối giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến. Vì thế đã làm suy yếu ngành tôm Việt Nam so với Ấn Độ và Ecuador. Trong quý I-2023, xuất khẩu tôm giảm gần 40% và giảm ở tất cả các thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận – chia sẻ, Việt Nam thật sự chưa có chiến lược cho phát triển ngành tôm. Trong đó, chưa quản lý tốt tôm giống về nhu cầu sản lượng để phát triển tràn lan; sản xuất giống không có tiêu chuẩn, kém chất lượng cung cấp ra thị trường, gia tăng dịch bệnh, lây nhiễm vùng nuôi… Thực trạng này hơn 10 năm trước đây Thái Lan đã gặp phải nhưng vẫn chủ quan dẫn đến ngành tôm nước này sụp đổ từ sản lượng 700-800 ngàn tấn/năm còn hơn 100 ngàn tấn/năm trong giai đoạn hiện nay. Đây là bài học mà Việt Nam không thể không quan tâm…
Doanh nghiệp muốn phát triển thì phải xuất khẩu xanh
Có thể thấy, trước sức ép của tình trạng cạn kiệt tài nguyên môi trường, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cùng ảnh hưởng của đại dịch, thế giới đang đứng trước những xu hướng mới. Nếu không theo kịp thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu và bị loại ra khỏi cuộc chơi của kinh tế thế giới.
Ông Minh cho rằng, trong tương lai gần, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với thuế phát thải CO2. Giai đoạn 2023-2026 cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ áp giá carbon cho hàng nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính của quy trình sản xuất. Cơ chế này có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của một số nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mặt khác, Dự Luật thuế điều chỉnh biên giới (BAT) của Hoa Kỳ cũng đánh thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu có hàm lượng carbon cao, áp dụng từ năm 2024 nếu dự luật được thông qua.
Như vậy, “để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, giảm thuế carbon đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình kế hoạch chuyển đổi xanh. Trước hết, doanh nghiệp tuân thủ pháp luật Việt Nam chính là phát triển bền vững, góp phần xây dựng xã hội khỏe mạnh, phát triển, giảm tác động đến môi trường, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp”, ông Minh nói.
Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi sang xuất khẩu xanh là yêu cầu bắt buộc, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại thì phải tuân theo yêu cầu này. Tuy nhiên, với đặc thù nền kinh tế đang phát triển, ngoài sự nỗ lực chuyển đổi từ phía doanh nghiệp đòi hỏi cả sự đồng hành từ các cấp quản lý.
GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – cho rằng, hướng đến xuất khẩu xanh, các địa phương, doanh nghiệp cần hợp tác đầu tư về tăng trưởng xanh và kinh tế số.
Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải – cho biết: “Khoảng 50 năm nữa Việt Nam vẫn dựa vào xuất khẩu. Trong khó khăn hiện nay thì xuất khẩu cần có sự liên kết theo hướng xanh để không bị loại khỏi cuộc chơi”.
Tại TP.HCM, năm 2022, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu đạt hơn 110,5 tỷ USD, tăng trưởng so với 2021 là 5,1%; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 47,6 tỷ USD, tăng 6,1%. Nhằm thích ứng và biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội để tranh thủ nhiều hơn cho các hoạt động xuất khẩu giúp tăng tốc, phát triển, TP.HCM đã có sự chủ động xây dựng các phương án, giải pháp, chương trình hành động. Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết, TP đã có rất nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy xuất khẩu. TP đã coi việc hỗ trợ để phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là một trong 12 chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo của TP giai đoạn 2020-2025.
“Với 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết và đã có hiệu lực thì việc tuân thủ luật chơi mới về thương mại, đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng môi trường, không chỉ là trách nhiệm trong thực thi các hiệp định mà còn giúp cho hàng hóa của nước ta rộng đường xuất khẩu, được hưởng những ưu đãi về thuế của các quốc gia nhập khẩu. Điều đó thể hiện ở tính có trách nhiệm, ở sản xuất xanh, bền vững và thân thiện với môi trường”, ông Hoan nói.
Phú Cát
Bình luận (0)