Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhật ký phóng viên: “Con chữ” ở đồng bằng…

Tạp Chí Giáo Dục

Vì công việc được giao nên tôi thường đi công tác ở các huyện vùng sâu ĐBSCL. Và cũng từ những chuyến đi ấy, có những câu chuyện làm tôi phải nhiều đêm trằn trọc ưu tư đến nhói lòng…
1. Hơn 12 giờ trưa một ngày cuối tháng 3 nóng như thiêu đốt, mặt đường nhựa như đổ dầu trước mắt, như những người khác, tôi cố chạy xe thật nhanh vào UBND xã Đông Bình, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ để tìm chỗ tránh nắng và chờ đến giờ làm việc buổi chiều. Đi ngang qua điểm trường Đông Giang của Trường Tiểu học Đông Bình 2, nghe tiếng cãi nhau rất lớn, tôi đành dừng lại. Tò mò, tôi đi vào lớp học. Hai người phụ nữ đứng tuổi đang cãi nhau tóe lửa ngay trong lớp học trước 26 học sinh. Thật tình, tôi chỉ phân biệt được người nào là cô khi hai người tiến lại gần mình, một người mặc đồ bộ với cái quần chỉ tới đầu gối. Nguyên nhân cãi nhau cũng thật đơn giản: người mặc quần ngắn bán hàng rong trước cổng trường, 18/26 học sinh đang bị đứng kia là những “con nợ” vì ăn hàng chịu và hôm nay bị bà chủ hàng vào tận lớp học để đòi tiền.
Nhìn 18 học sinh đang bị đứng phạt, mặt mày lấm lem, quần áo xốc xếch, nhiều em tóc cháy vàng vì nắng. Cái áo trắng ngả màu vàng sậm. “Con nợ” ít nhất thiếu 3.000 đồng, “con nợ” nhiều nhất thiếu 20.000 đồng nhưng không thể trả nổi từ nhiều tuần nay. Người bán cũng nghèo nên số vốn vơi đi đành phải đến lớp đòi nợ. Cách mà bà ta cho là hay nhất chính là đòi tại lớp học. Cô giáo vừa đau lòng cho học sinh vừa sĩ diện vì tự dưng lại có người lao vào lớp học để đòi tiền nên cãi nhau với bà bán hàng rong. Thế là lớp học không còn là lớp học nữa…
Nói là điểm trường nhưng nơi đây chỉ là một phòng học cạnh nhà thông tin của ấp Đông Giang, phòng học bán kiên cố, trần thấp nên nóng hâm hấp khi bước vào, xung quanh lớp học đầy cát. Học sinh chơi đùa và học trong những phòng học như thế nên khát nước là điều không tránh khỏi. Không có tiền thế là đành mua chịu. Hỏi một trong hai học sinh thiếu nợ nhiều nhất: 20.000 đồng và không khả năng trả nổi là Nguyễn Quốc Bảo, Bảo cúi đầu vẻ biết lỗi, nhìn Bảo lấm lem, chân đất với bộ đồ vá theo đường may chằng chịt thấy xót xa quá. Nghe tôi hỏi: Sao con mua đồ thiếu như thế? Bảo lí nhí trong miệng: Dạ con đói và khát.
Bảo kể: 6 giờ sáng, cả nhà đã ăn cơm để cha mẹ đi làm thuê hoặc bắt ốc, bắt cá bán. Bảo ăn cùng và chỉ có bữa ăn đó cho cả buổi sáng. Đến 10 giờ là bắt đầu đi học, ở nhà cũng không còn gì ăn nên cứ thế mà đi. Đi bộ ra đến trường, chơi đùa với bạn nên đói và khát. Mỗi lần mua chịu 1-2 ngàn đồng. Giờ đã lên tới 20.000 đồng, Bảo đợi tới khi nào ba mẹ có nhiều người thuê mới dám xin tiền trả nợ. Tìm hiểu thì được biết cả 18 “con nợ” trong lớp học này đều có hoàn cảnh na ná như Bảo…
Chợt nhớ đến cảnh nhiều phụ huynh phải năn nỉ con ăn hết phần ăn sáng, uống hết hộp sữa tươi trước khi vào lớp học ở những trường trung tâm thành phố mới thấy xót xa làm sao!
 
2. Nhưng dù sao Bảo và các bạn còn được đến lớp, được đi học. Còn hai chị em Trương Thanh Dung và Trương Thanh Hải ở ấp Tân An, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh mà tôi gặp đúng vào 12 giờ trưa sau đó ít hôm thì chẳng được đến trường. Mà nói Dung và Hải nhà ở ấp Tân An cũng không đúng bởi hết mùa lúa, gia đình em lại di chuyển về xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt để mót đậu, đến mùa mưa lại di chuyển về một nơi nào đó chưa biết để bắt ốc bưu vàng bán mà mua gạo… Có lẽ vì vậy mà Dung, Hải và hai em nhỏ đều không được đến trường. Dung học hết lớp 1 thì cha mẹ bắt nghỉ học để ở nhà giữ em và theo cha mẹ rong ruổi nhiều nơi để kiếm cái ăn nên giờ Dung không thể nhớ chữ để viết tên mình. Còn Hải và các em thì chưa một lần được đến lớp…
Dung còm cõi và xanh xao so với cái tuổi 14 của mình, Hải thì đen đúa và ốm yếu. Dung kể công việc của mình: Sau khi chủ ruộng suốt lúa xong, họ giũ một đợt rơm để mót lúa. Hai chị em Dung sẽ mót lại lúa một lần nữa, nghĩa là phải giũ từng nắm rơm từ đống rơm to ấy để nhặt lại những hạt lúa còn sót… Trong khi chờ chủ nhà giũ rơm, hai chị em Dung đã đi nhặt những bông lúa rơi sau khi mọi người gom lúa. Cái nắng chói chang làm hoa mắt, hai chị em Dung vẫn cần mẫn với đống rơm cao mút tầm mắt. Hai em lọt thỏm giữa đống rơm, rồi mất hút giữa một cánh đồng cò bay thẳng cánh…
Từ sáng đến khi tôi gặp, Dung và Hải chỉ chia nhau bọc cốm nổ nhỏ, chưa đầy một nắm tay. Nhưng hai đứa nói rằng mình không đói, không khát vì đã quen rồi nên tranh thủ giũ hết đống rơm này rồi về nhà ăn cơm luôn. Bữa nay, may mắn nên chủ ruộng cho mót lúa chứ nhiều người không cho mót, dù sao cũng được 4kg lúa, vậy là nhà có cơm ăn.
Bất chợt có một tốp học sinh đi học về cười đùa trên đường quê, cả Dung và Hải đều dừng tay, mải miết nhìn theo đến khi mút tầm mắt…
Hơn bao giờ hết, bây giờ tôi lại sợ những chuyến đi, bởi từ những chuyến đi như thế tôi lại thấy lòng day dứt, không yên…
Thái Hải

Bình luận (0)