Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học sinh vùng ven, ngoại thành: Ăn bữa trưa rất ư là… đạm bạc

Tạp Chí Giáo Dục

HS nghèo của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo đang ăn trưa

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp – Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết: “Tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) ở thành phố vẫn còn khá cao, đặc biệt là các huyện ngoại thành và một số quận ven”. Và tận mắt chứng kiến những bữa trưa rất ư là… đạm bạc của các em học sinh (HS) ở khu vực này, tôi đã hiểu tại sao tỷ lệ SDD ở thành phố lại cao như vậy…
Bữa trưa trị giá 500 đồng
Khoảng 10 giờ ngày 22-4, chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè. Gần 30 phút sau thì trống trường vang lên, các em HS ùa ra khỏi lớp. Lác đác 5 – 7 HS/lớp chạy xuống phòng ăn và thưởng thức bữa trưa – đó là một phần cơm hộp trị giá 12 ngàn đồng. Hầu hết những HS được ngồi trong phòng ăn với đầy đủ bàn ghế, quạt mát là… con nhà giàu. Bởi, ở cái trường nghèo xác nghèo xơ này, 50% HS thuộc diện hộ nghèo thì 12 ngàn đồng cho một bữa trưa là quá xa xỉ.
Buổi trưa. Trời nắng như đổ lửa. Vài chục HS là con nhà nghèo “đội” nắng chạy ra khỏi cổng trường đi về phía quán cơm của cô Tám. Gọi là quán cho oai, chứ thực ra chỉ là một cái xe đẩy bán cơm. Tuấn Hùng – HS lớp 1, đưa cho cô Tám 4 ngàn đồng rồi lấy ngón tay rụt rè chỉ vào đĩa thịt kho. Cô Tám bới cho cậu học trò một ít cơm vào cái hộp xốp, gắp dăm ba miếng thịt kho mỏng như cái lưỡi lam và vài cọng rau cải xanh luộc rồi chan cho ít nước thịt. Cầm hộp cơm từ tay cô Tám, Tuấn Hùng lầm lũi bước vào trường. Chọn một gốc cây có bóng mát, em ngồi xuống và bắt đầu “đánh chén”. Lúc đầu khi còn thịt, tốc độ ăn của cậu bé khá nhanh nhưng đến khi chỉ còn cơm và rau thì chậm dần, chậm dần. Cuối cùng, cậu bé đành bỏ dở hộp cơm vì không thể nuốt nổi.
Nhà Tuấn Hùng cách trường mấy cây số, ba mẹ lại đi làm cả ngày nên buổi trưa em phải ở lại trường. Nhìn thấy các bạn con nhà giàu được ăn cơm hộp, Tuấn Hùng thèm lắm nhưng giá một hộp cơm của các bạn bằng ba hộp cơm của em nên chỉ biết nhìn mà thôi.
Cùng cảnh ngộ với Tuấn Hùng là bé Hoa – HS lớp 3. Mỗi ngày ba mẹ cho em từ 4 – 5 ngàn đồng để ăn trưa. Hôm nay, mẹ chỉ còn có 2 ngàn đồng nên em phải ăn bánh mì. Một tay cầm chiếc bánh mì khô khốc, tay kia cầm bình nước, cứ cắn một miếng bánh vào miệng là em phải uống một ngụm nước. Không làm vậy thì bánh mì cứ ứ ở cổ…
Cứ tưởng chỉ ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo mới nhiều HS là con nhà nghèo, nào ngờ ở Trường Tiểu học An Hạ, huyện Bình Chánh cũng vậy. Nhiều HS ăn trưa bằng một gói mì tôm trị giá 500 đồng, thậm chí có em còn phải nhịn đói…
“Nhà trường đã ra thông báo với phụ huynh rằng muốn HS được nghỉ trưa tại trường thì phải chuẩn bị cơm nước đầy đủ cho con. Nhưng khi kiểm tra phần cơm của các em thì thấy cơm chan với nước mắm, sang hơn một chút thì có con cá khô nhỏ xíu…”, thầy Hà Ngọc Hóa, Hiệu trưởng nhà trường buồn rầu kể lại.
Tình cảnh đáng thương này còn xảy ra ở một số trường học 2 buổi thuộc Q.12, huyện Hóc Môn. Buổi trưa, thay vì ăn xong rồi ngủ để lấy sức chiều học buổi thứ 2 nhưng phần lớn các em chỉ biết vật vờ từ gốc cây này sang ghế đá khác…
Ăn vậy làm sao mà học?
Bác sĩ Ngọc Diệp cho biết, đối với HS tiểu học, mỗi bữa ăn phải đảm bảo từ 900 – 1.000 calo. Theo đó, một suất ăn phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là chất bột đường, chất đạm, chất béo, rau củ và trái cây.
Vậy hộp cơm của Tuấn Hùng, cái bánh mì của Hoa, gói mì “siêu rẻ” và những phần cơm đem từ nhà của HS Trường Tiểu học An Hạ được bao nhiêu calo? Không ai tính được trong bữa trưa của những cô, cậu HS nghèo vùng ven và ngoại thành có bao nhiêu calo, chỉ biết rằng hầu hết các em đều suy dinh dưỡng cả cân nặng lẫn chiều cao.
7 tuổi, là HS lớp 1 nhưng xem ra Tuấn Hùng không lớn hơn bao nhiêu so với các bé lớp chồi, lớp lá Trường Mầm non 19 – 5, Trường Mầm non Bé Ngoan (Q.1)… Còn phản xạ khi gặp người lạ thì kém xa. Ở Trường Mầm non Bé Ngoan, khi tôi bảo: “Các con cười lên cho cô chụp hình”, ngay lập tức các bé cười rất tươi, có bé còn làm dáng. Nhưng Tuấn Hùng và các bạn HS ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo thì khác. Thấy tôi giơ máy lên, các em đều lảng tránh. Tôi hỏi 10 câu thì các em rụt rè trả lời 2 câu…
Nhưng đáng buồn nhất là chuyện học hành của các em. “Với những buổi trưa thiếu dinh dưỡng như vầy thì làm sao có năng lượng tiếp thu bài vở được”, thầy Hóa – Trường Tiểu học An Hạ lo lắng.
Và sự lo lắng của thầy Hóa là không thừa. “Buổi thứ 2, nhiều HS đói nên không học được, có em đói run tay không cầm nổi viết. Đối với nhiều em, học buổi thứ 2 là một cực hình. Nhìn các em uể oải, hỏi gì cũng không biết, giáo viên cũng thấy mệt”, cô Hà – giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn Q.12 cho biết.
Theo thầy Lê Văn Hòa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo thì: “Trường có trên 600 HS nhưng chưa đầy 140 em ở bán trú. Những trường khác, bán trú ở theo lớp nhưng Trường Nguyễn Văn Tạo thì ở theo khối lớp. Vì mỗi lớp chỉ có 5 – 7 HS đăng ký, lớp nào nhiều thì trên 10 em. Thực ra nhu cầu ở bán trú của HS thì rất nhiều, thế nhưng số HS có tiền để ở chỉ có giới hạn. Cả trường có khoảng vài chục HS không thuộc diện bán trú nhưng vẫn đăng ký ở lại trường. Đó là những HS nhà xa, gia đình lại khó khăn. Nhà trường chỉ có thể quan tâm đến chỗ nghỉ ngơi buổi trưa cho các em chứ chuyện ăn uống thì quản không nổi…”.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)