Với du học sinh, việc tạm dừng học để trải nghiệm cuộc sống đã là chuyện quen thuộc. Nhưng với không ít bạn trẻ lẫn phụ huynh ở VN, vấn đề này còn khá xa lạ, thậm chí đôi khi còn là 'điều khủng khiếp'.
Các bạn học sinh (thứ nhất và thứ hai từ trái sang) chia sẻ kinh nghiệm gap yearẢNH: NHƯ LỊCH
Dừng học là “điều khủng khiếp”?
Bùi Minh Anh, sinh viên Trường ĐH Lao động – xã hội cơ sở II tại TP.HCM, nhìn nhận: “Gần đây khi nghe về gap year (tạm dừng học để trải nghiệm cuộc sống), mình không hiểu lắm về nó. Nhưng sau khi tìm hiểu một số thông tin, mình cũng bắt đầu nhớ lại rằng hình như mình cũng từng có giai đoạn nghĩ đến và muốn thực hiện”.
Minh Anh cho biết đó là khoảng vài tuần trước, khi cô chuẩn bị làm xong hai tiểu luận cuối cùng và băn khoăn trước nhiều ngã rẽ cuộc đời. Hiện tại Minh Anh cũng đã lên kế hoạch “tạm dừng” cho mình trước khi tìm kiếm một công việc phù hợp và ổn định.
Minh Anh trăn trở: “Gap year phổ biến ở nhiều nước. Có điều, phải cân nhắc kỹ vì nó sẽ góp phần vào sự thành công hay thất bại của bản thân mỗi người. Nếu tiêu tốn quá nhiều thời gian cho khoảng gián đoạn này mà sau đó chúng ta không nhận lại được gì thì thật sự quá uổng phí”.
Bạn Thảo Nhi, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận xét rằng hầu hết các bạn trẻ thường đặt mục tiêu phải học ĐH và có bằng cấp lên trên hết, để kiếm được việc làm và kiếm tiền. Cứ quẩn quanh những suy nghĩ đó, nên các bạn không hiểu bản thân mình muốn gì và không quyết định được cuộc đời mình. Chính vì vậy, đa số bạn trẻ và phụ huynh xem chuyện gián đoạn việc học là “điều khủng khiếp” và lãng phí.
Là học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Hồng Phong TP.HCM, Trương Ngọc Anh Thư khẳng định không có ý định chọn gap year sau khi tốt nghiệp THPT. Theo Anh Thư, đó là nhờ từ những năm lớp 10, lớp 11, Thư đã chủ động tìm hiểu, định hướng sẵn ngành nghề mình sẽ theo học. Cô gái năng động này giải thích: “Em muốn tự lập sớm, muốn học tiếp 4 năm ĐH để ra trường có việc làm. Điều này đối với em tốt hơn là dừng lại một năm để suy nghĩ về những điều mà em đã suy nghĩ rồi, tham gia những hoạt động xã hội mà em đã tham gia rồi. Thay vì gián đoạn một năm, em muốn tiếp tục làm những điều em chưa làm, có cơ hội khám phá những cái mới, tiếp xúc với những người em chưa từng tiếp xúc…”.
Muốn nhiều lần gap year
Bạn Nhi Cao (quê Bình Định) thực hiện gap year ngay sau khi kết thúc học kỳ 1 năm thứ nhất Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (tháng 12.2014). Và cô nghỉ một lèo đến gần 2 năm sau. Nhi Cao cởi mở: “Tôi tạm dừng để có thời gian thoải mái học ôn thi TOEFL và SAT cũng như viết bài luận chính, chuẩn bị hồ sơ xin học bổng đi du học. Bên cạnh đó, tôi tham gia những dự án hoạt động vì cộng đồng… Tôi rất tâm đắc là mình đã hiểu rõ bản thân hơn rất nhiều và biết mình muốn làm gì trong tương lai”.
Nhi Cao đã đậu học bổng toàn phần ở Trường Whitman College (Mỹ) và tháng 8 này cô sẽ đi du học. Nhi Cao tiết lộ: “Tôi dự định sau này sẽ thực hiện nhiều lần gap year nữa. Nếu tôi tìm thấy những dự án hay ở ngoài đời, giúp tôi có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích thì tôi có thể tạm dừng việc học ĐH. Quan trọng là mình thấy sướng, thấy đã với trải nghiệm mới mẻ”.
Được tuyển thẳng vào một trường ĐH tại TP.HCM, nhưng Trần Thị Diệu Liên (TP.HCM) quyết định dừng việc học trong một năm qua. Diệu Liên kể: “Chương trình giáo dục ở nước ta quá nặng nên sau 12 năm học tập và nghiên cứu, tôi muốn dành thời gian làm những điều mình thích. Và tôi đã có dịp theo đuổi những đam mê như nhiếp ảnh, thực tập trong công ty đào tạo kỹ năng mềm… Đặc biệt, tôi tham gia chương trình “Thắp sáng khát vọng Việt” của Hội Thanh niên, sinh viên VN tại Mỹ và đã nhận được học bổng toàn phần tại ĐH Harvard”.
Theo giảng viên Bành Thị Uyên Uyên (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), những bạn trẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có cơ hội được tiếp cận nhiều nguồn thông tin nên việc gap year không còn lạ lẫm.
Tuy nhiên, nhìn chung ở nhiều địa phương khác, khái niệm này vẫn còn xa lạ. Mặt khác, hầu hết phụ huynh khi nghe con mình bỏ học một năm thì xem đó là chuyện ghê gớm. Cô Uyên chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Một khi đã quan tâm và dành thời gian sâu sát con em mình thì họ sẽ biết liệu con em mình có cần gap year hay không và cần tư vấn những gì. Họ cũng nên trang bị kiến thức trong lĩnh vực này bằng cách tìm hiểu từ nhiều kênh, từ những bạn trẻ đã tạm dừng việc học hoặc trao đổi với phụ huynh của các em”.
Đối với những học sinh, sinh viên, cô Uyên khuyên nên tìm hiểu kỹ thông tin, lên mục tiêu, kế hoạch chi tiết để thời gian “tạm dừng” thật sự có ý nghĩa. Điều đó sẽ giúp các bạn trẻ thuyết phục được gia đình và cũng tự tin thuyết phục… chính bản thân mình.
Như Lịch/TNO
Bình luận (0)