Cô và trò Trường MN Họa Mi 1 (Q.5) trong giờ học |
Sáng 28-4, Phòng Giáo dục mầm non (GDMN), Sở GD-ĐT đã tổ chức hội nghị giao ban với lãnh đạo các phòng GD-ĐT quận, huyện.
Cơ sở MN ngoài công lập: Ngổn ngang khó khăn
Tại buổi giao ban, cô Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT cho biết: Trong thời gian qua, Phòng GDMN đã tiến hành thanh tra các cơ sở GDMN trên địa bàn Q.Bình Thạnh và huyện Hóc Môn. Tại các trường MN công lập (CL), nhìn chung đều hoạt động tốt. Trong khi đó có cơ sở GDMN ngoài công lập vẫn còn bộn bề khó khăn.
“Quy mô của các nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) có chiều hướng phình ra, nhiều NTGĐ ở Bình Thạnh có tới 300 cháu. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều quận, huyện như huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Q.Bình Tân… Nguyên nhân là do nhu cầu của phụ huynh quá lớn, trong khi các cơ sở GDMN CL chỉ đáp ứng được 30 – 50%. Chẳng hạn như ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, trường MNCL chỉ thu nhận được 400 trẻ, trong khi nhu cầu của người dân lên đến cả ngàn trẻ. Vì vậy, các NTGĐ mở ra rất nhiều và nhóm nào cũng quá tải. Tôi đề nghị, các phòng GD-ĐT quận, huyện giúp đỡ các NTGĐ cải tạo về cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên (GV) để nâng cấp lên thành trường. Nếu nhóm nào không đủ điều kiện lên trường thì bắt buộc phải giảm số cháu, theo quy định của Bộ GD-ĐT thì mỗi nhóm chỉ được nhận dưới 100 cháu”, cô Kim Thanh nhấn mạnh.
Xung quanh vấn đề của cơ sở GDMN ngoài công lập, cô Hồ Ngọc Tuyết – Phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức cũng cho biết: “Q.Thủ Đức có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với khá đông công nhân trong độ tuổi sinh đẻ. Do vậy, NTGĐ cũng nhiều. Hiện toàn quận có 50 nhóm đã được cấp phép, ngoài ra ngày nào cũng có một vài trường hợp xin được cấp phép. Lúc xin cấp phép thì cơ sở nào cũng đạt nhưng sau khi đã được cấp phép thì nảy sinh nhiều sai phạm. Mới đây, Phòng GD-ĐT quận đi kiểm tra đột xuất một số NTGĐ phát hiện cháu nằm ngủ xếp lớp như cá mòi, thậm chí có cháu còn phải nằm ngủ dưới bếp. Thế nhưng khi Phòng GD-ĐT đề nghị UBND phường sở tại có biện pháp xử lý thì không nhận được sự hợp tác”…
Ở huyện Hóc Môn có tới 6 cơ sở GDMN chỉ được cấp phép tạm thời. Hầu hết các cơ sở này đều có quy mô lớn, mỗi trường nuôi giữ từ 300 – 1.000 cháu, cơ sở vật chất và đội ngũ GV đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên, do những thủ tục rườm rà của bên quản lý đô thị nên năm nào các trường cũng phải xin gia hạn giấy phép hoạt động. “Tôi đề nghị Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn tham mưu với UBND huyện giải quyết vấn đề này, đừng để các chủ trường phải nản chí vì không được tạo điều kiện hoạt động”, cô Kim Thanh đề nghị.
Nhiều GV chưa nhận được tiền phụ trội
Mặc dù ngày 12-2, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà đã ký công văn 550 về cấp bổ sung dự toán năm 2009 cho GVMN các quận, huyện. Theo đó, chấp thuận cho GVMN CL và CL tự chủ tài chính (TCTC) được hưởng chế độ trả lương làm thêm giờ là 200 giờ/người/năm. Và ngân sách thành phố đã cấp bổ sung cho ngành GD 25.422 triệu đồng. Số tiền này cũng đã được chuyển tới từng quận, huyện. Song, sau gần 3 tháng công văn có hiệu lực, nhiều GV vẫn chưa được nhận tiền…
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Phó phòng GD-ĐT Q.3 cho biết: “Các trường MNCL đã được cấp tiền, riêng 5 trường CLTCTC thì Phòng Tài chính quận nói do kinh phí có giới hạn nên phải chờ. Chúng tôi đã có ý kiến với Phòng Tài chính rằng dù là trường CL hay CLTCTC thì cũng là CL nên không thể có sự phân biệt và đề nghị cấp luôn cho trường CLTCTC. Hiện tại vấn đề vẫn chưa ngã ngũ…”.
Ở Q.7, đến thời điểm này GV vẫn chưa nhận được tiền phụ trội. “Dự kiến tháng 5, các cô sẽ nhận và được truy lãnh từ tháng 1”, cô Trần Bích Ngọc – Phó phòng GD-ĐT cho biết.
Còn ở Q.4, “Theo công văn của UBND TP thì chỉ chi trả phụ trội cho GV, còn ban giám hiệu thì không thấy nhắc tới nên dù có tiền nhưng các trường vẫn chưa dám chi”, cô Lê Thị Điệp – Phó phòng GD-ĐT cho biết.
Không chỉ Q.4 mà một số quận, huyện cũng đang lấn cấn không biết có được chi phụ trội cho ban giám hiệu hay không. Về vấn đề này, cô Kim Thanh cho biết: “Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh đã chỉ đạo, không chỉ GV mà cả hiệu trưởng, hiệu phó cũng được lãnh tiền phụ trội”…
Do thời gian làm việc của GVMN là 10 giờ/ngày nên mỗi năm mỗi GV làm thêm tới 396 giờ. Trong khi đó ngân sách chỉ trả được 200 giờ, vì vậy cô Kim Thanh cho rằng: Các trường nên bàn bạc với phụ huynh để có kinh phí hợp đồng thêm 1 bảo mẫu/lớp để giảm tải sức lao động và thời gian cho GV. Nếu mỗi lớp có 3 cô (2 GV và 1 bảo mẫu) thì GV sẽ chỉ làm 9 tiếng/ngày. Ngay trong hè năm nay, mỗi quận, huyện nên lấy một trường làm thí điểm. Khi vào năm học mới có thể triển khai đại trà…
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)