Khi trao đổi về chuyện dạy văn ở trường học, vấn đề mà nhiều giáo viên dạy văn phải để ý chính là “cắt đoạn” tác phẩm văn học để bình giải và phân tích. Kế đến là lồng ghép tư tưởng chính trị vào tác phẩm, nhiều tác phẩm tuyên truyền về đường lối của Nhà nước vào chương trình văn học…
Vấn đề phân tích tác phẩm dựa trên đoạn trích rất cần đánh giá lại. Đó là cắt ngắn một tác phẩm và học sinh chỉ học tư tưởng chủ đạo của đoạn trích dựa trên lối mòn do các sách hướng dẫn cũng như cảm xúc của giáo viên áp đặt. Rõ ràng, phải công nhận thực tế sẽ không thể nào dạy hết một số tác phẩm được trình bày đầy đủ trong mấy tiết học theo phân phối chương trình hiện tại. Không biết đã có ai đề nghị và nêu ý tưởng về việc dạy học tác phẩm văn học trong nhà trường một cách “toàn văn” hay chưa, nhưng có lẽ hơi mạo hiểm và nếu thực hiện sẽ gây một áp lực vô cùng lớn cho giáo viên.
Và một hướng đi có thể hữu ích là cho học sinh tham gia đọc sách ở thư viện, chia nhóm nhận định về mức độ cảm thụ tác phẩm. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có khả năng phân biệt được tình trạng sao chép cắt dán của học sinh, những hình thức đạo văn tinh vi. Giáo viên phải đủ sức, đủ trình độ để nhận biết bài làm đó do người học tự làm hay vay mượn ở đâu, và mấu chốt chính là giáo viên phải đọc nhiều bình giải khác nhau cho một tác phẩm.
Hiện nay, nhiều học sinh chỉ biết học thuộc lòng dàn ý của giáo viên, học cách phân tích của giáo viên dẫn đến thầy trò đều cùng giọng văn, thiếu sáng tạo, thiếu sự khám phá ra cái tinh tế của tác phẩm. Học từ giáo viên thế nào thì kiểm tra y như vậy. Không có sáng tạo, không có ý tưởng cảm thụ riêng. Tôi từng hỏi nhiều học sinh là có đọc toàn bộ tác phẩm Ông già và biển cả trong chương trình lớp 12 không, thì các em nói rằng “em chưa đọc hết, chỉ mới đọc đoạn trích trong sách giáo khoa lớp 12 thôi”. Sẽ hợp lý hơn nếu yêu cầu các em học sinh đọc những tác phẩm được liệt kê trong năm học đó nơi thư viện, tuy nhiên chưa có nhiều giáo viên thực hiện được điều này. Đây là điều đáng tiếc hiện nay, nó đánh sập khả năng sáng tạo của người học khi bị áp đặt phải theo hướng bình giải và phân tích có sẵn vì mỗi người, mỗi giai đoạn có một cách nhìn, khám phá tác phẩm khác nhau và độc đáo riêng.
Vấn đề thứ hai là nhiều tác phẩm có kết luận bài mang đặc sệt tư tưởng chính trị. Theo tôi, ta nên dành cho văn học đất để diễn tả nhiều hơn nữa vẻ đẹp văn chương. Hạn chế đưa vào quá nhiều tác phẩm tuyên truyền, ngợi ca cách mạng. Hãy cho các em học những bài học về gia đình, về ý chí con người trước thiên nhiên, cảm thụ dòng văn hay. Thế mới biết tại sao dòng sách ngôn tình tuy khuyến cáo hạn chế đọc mà nó có sức sống phi thường đến vậy. Những tác phẩm về tình yêu cũng cần nhắc cho các em gần gũi lại.
Theo tôi, ta cần đánh giá lại nghiêm túc thực trạng dạy văn và viết sách cho đợt thay đổi sắp tới của Bộ GD-ĐT.
Nguyễn Minh Thanh
Bình luận (0)