Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần “sách nội” để dạy tiếng Trung

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi các cấp học phổ thông có chương trình và sách giáo khoa tiếng Trung Quốc do Bộ GD-ĐT ban hành thì lâu nay bậc ĐH-CĐ vẫn chủ yếu sử dụng giáo trình xuất bản tại Trung Quốc, nội dung có những phần chưa sát với tình hình thực tiễn Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh – Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội – đề cập điều này tại Hội thảo đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp đổi mới dạy và học tiếng Trung trong các cơ sở giáo dục và đào tạo Việt Nam vừa diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Theo ông Hoàng Anh, từ khi có chương trình và sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT ban hành, chương trình giảng dạy tiếng Trung ở cấp học phổ thông tuy có sự thống nhất song việc triển khai thực hiện còn nhiều khác biệt giữa các trường, địa phương. Ở bậc ĐH, chương trình giảng dạy tiếng Trung khá đa dạng nhưng ít liên kết giữa các trường để tranh thủ nguồn lực và bổ khuyết cho nhau. Trong khi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản có giáo trình tiếng Trung dành cho học sinh nước mình thì phần lớn các trường ĐH Việt Nam vẫn sử dụng giáo trình xuất bản tại Trung Quốc. Điều này dẫn đến nội dung chủ điểm giảng dạy chủ yếu liên quan đến đời sống văn hóa, xã hội của Trung Quốc; thiếu những chủ điểm, từ vựng liên quan đến Việt Nam. Chưa kể việc dùng sách nước ngoài, khó tránh khỏi một số nội dung không phù hợp và còn có thể vi phạm bản quyền.

Việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Trung từ bậc phổ thông đến ĐH cũng chưa được chú trọng. Thiết bị dạy học tiên tiến ở nước ta còn hạn chế, ngoài một số phần mềm miễn phí, chi phí cho những phần mềm khác cao hơn điều kiện trang bị của học sinh. Cả giáo viên cũng không mấy nhiệt tình đầu tư thời gian, công sức, không đủ khả năng tìm hiểu áp dụng các phần mềm trong dạy học.

Bà Phạm Thị Hải Vân – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – chỉ ra thêm, việc giảng dạy tiếng Trung tại nhiều trường ĐH còn trong tình trạng thiếu hụt giáo viên, cơ sở vật chất yếu kém. Cụ thể, không phải phòng học nào cũng được trang bị hệ thống máy chiếu, âm thanh; có nơi trang bị nhưng qua thời gian dài sử dụng, thiết bị trở nên cũ kỹ, kém chất lượng. Bên cạnh đó, thời gian học có nơi quá sớm, bắt đầu từ 6 giờ 30 khiến nhiều sinh viên uể oải, buồn ngủ, thiếu tập trung.

Trong khi đó, hiện nay các doanh nghiệp của Trung Quốc hay Đài Loan đã có mặt khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam với nhu cầu biên phiên dịch ổn định. Các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo cũng có nhu cầu không nhỏ với nhân lực biết văn hóa và thạo tiếng Trung Quốc. TS. Nguyễn Thị Quỳnh Vân – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – nêu thực tế, sinh viên Khoa Tiếng Trung tại trường không phải “người tìm việc” mà “việc tìm người”. Tháng 1, 2 hằng năm, nhiều doanh nghiệp đến đề cập tuyển dụng. Chính vì vậy, nhiều trường cho rằng nên đầu tư mạnh cho công tác đào tạo tiếng Trung để đáp ứng nhu cầu nhân lực xã hội trong thời gian tới.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, để khuyến khích người học tiếng Trung, các trường ĐH nên tiếp nhận thí sinh có đầu vào bằng tiếng Trung ở một số ngành học. Các trường cần liên tục đổi mới, cập nhật chương trình để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của xã hội về nguồn nhân lực tiếng Trung Quốc. Trong đó việc biên soạn giáo trình, sách giáo khoa phù hợp người Việt Nam là quan trọng và cấp bách.

Đại diện Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 nhận định, các trường ĐH-CĐ được tự chủ trong việc chọn chương trình, giáo trình giảng dạy tiếng Trung. Cụ thể, các trường được tự xây dựng chương trình và có hội đồng khoa học, hội đồng chuyên môn thẩm định. Trên cơ sở chương trình đó, nhà trường chọn giáo trình chính thức giảng dạy nhưng phải tuân thủ về mặt tư tưởng và bản quyền.

Cũng theo đại diện này, Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị ban hành thông tư về việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, dự kiến sẽ áp dụng vào 2016. Các sở nội vụ khi tuyển mới cũng sẽ áp dụng khung này, tránh tình trạng tuyển những người không đủ chuẩn, vừa vào đã đề xuất xin kinh phí đi học bồi dưỡng, gây lãng phí.

Mê Tâm 

Bình luận (0)