Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhà ở tại TP.HCM: Thừa cứ thừa, thiếu vẫn thiếu

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi năm TP.HCM lại có thêm hàng chục ngàn căn hộ được xây mới nhưng vẫn còn cả triệu người không có nhà ở

Mặc dù TP.HCM chưa có thống kê về số người không có nhà ở nhưng cứ nhìn cảnh công chức, viên chức, người lao động, nhất là công nhân phải đi thuê nhà trọ cũng đủ thấy nhu cầu về nhà ở của người dân TP là rất lớn. Điều tréo ngoe là trong khi người dân không có nhà ở thì các căn hộ chung cư bỏ không vẫn còn rất nhiều…

Căn hộ tồn… đầy “kho”

Ngày 12-11, Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng, tiềm năng, giải pháp và định hướng phát triển thị trường bất động sản TP.HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Tại đây, ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP – cho biết: “Thời gian qua, mặc dù có nhiều lúc khó khăn, trầm lắng, thậm chí là “đóng băng” nhưng thị trường bất động sản đã đóng góp nhiều vào sự phát triển của TP. Trong đó, từ năm 2006 đến 2014 đã đóng góp trên 70.000 tỷ đồng vào ngân sách TP. Đồng thời với tốc độ đô thị hóa nhanh cũng đã làm thay đổi bộ mặt TP, đáp ứng được nhu cầu nhà ở ngày càng đa dạng về mẫu mã của người dân. Diện tích bình quân nhà ở tăng từ 10,3m2/người (năm 2006) lên 17,3m2/người (năm 2014)”.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hàng triệu người ngay cả 1m2 nhà ở cũng không có chứ đừng nói đến con số bình quân 17,3m2. Đó là hàng chục ngàn hộ dân với cả trăm ngàn nhân khẩu đang sống trong những căn nhà trên và ven kênh, rạch. Gọi là nhà cho oai chứ thực ra cũng chẳng khá hơn so với cái chuồng heo, chuồng bò. Đó còn là hàng chục ngàn giáo viên; cả triệu công chức, viên chức, công nhân, người lao động có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đang ở trong những căn phòng trọ chật hẹp, tối tăm, thiếu thốn.

Vậy hàng chục ngàn căn hộ được xây mới đi đâu? “Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP năm 2013, trong số 70.000 nhà ở từ dự án đã hoàn thành vẫn còn 13.000 căn tồn kho, không thể bán được. Trong những năm tới, khi cả ngàn dự án nhà ở hoàn thành sẽ có khoảng 330.000 căn được tung ra thị trường. Lúc đó việc lấp đầy được khoảng trống giữa bên cung và bên cầu sẽ trở thành một thách thức lớn”, TS. Phạm Thái Sơn – Phó Chủ nhiệm đề án “Phát triển thị trường bất động sản TP.HCM” – cho biết. Bà Nguyễn Thị Dung – Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam – dẫn chứng: Trong quý 3-2015, TP.HCM có 10.114 căn hộ được chào bán, trong đó bán được 3.553 căn (chiếm 35,1%).

Được biết, hiện TP đang có 1.219 dự án, bao gồm xây mới và cải tạo, nâng cấp nhà ở. Trong đó có khoảng 40% dự án đã hoàn thành, 33% đang thực hiện thủ tục đầu tư, 19% đang thi công…

Nhà không bán được, dân không nhà ở

Theo ông Trần Trọng Tuấn thì: Sở dĩ TP.HCM vẫn còn tồn kho hàng chục ngàn căn hộ trong khi nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn là do mức giá nhà quá cao – thậm chí cao gấp 15-20 lần thu nhập bình quân của một người lao động điển hình hoặc một hộ gia đình tiêu biểu. Không những thế nhiều căn hộ có diện tích lớn, vị trí heo hút, xa trường học, bệnh viện, chợ, giao thông chưa thuận lợi… “Trong khi đó TP lại đang thiếu những căn hộ quy mô nhỏ, nhà ở xã hội và loại hình nhà ở cho thuê”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ bà Võ Thị Bỉ (đang sống trên kênh Tẻ, đường Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q.7) chỉ ước ao có được một căn nhà để sống những ngày cuối đời

Để giải bài toán “nhà không bán được, dân không nhà ở”, UBND TP.HCM đã cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội. Tới nay, TP đã chấp thuận cho phép chuyển đổi 9 dự án với quy mô 4.024 căn hộ thành 8.175 căn (tăng thêm 4.151 căn). Đồng thời chuyển đổi nhà ở thương mại căn hộ diện tích lớn thành diện tích nhỏ, đến nay TP đã cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ của 11 dự án với quy mô 6.184 căn hộ thành 7.774 căn (tăng thêm 1.590 căn). Kết quả là các chủ đầu tư đã “đẩy” được hàng ngàn căn hộ khỏi “kho” hàng tồn.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – thì: “Thách thức lớn nhất của thị trường bất động sản chính là việc gia tăng nhu cầu nhà ở rất lớn của các tầng lớp dân cư trước áp lực tăng dân số cơ học với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, tiện ích, an toàn và thân thiện với môi trường. Để giải quyết vấn đề nhà ở một cách căn cơ và mang tính bền vững, các giải pháp của TP cần được hướng đến tất cả thành phần dân cư. Bởi lẽ nhu cầu nhà ở không chỉ bức xúc đối với người có thu nhập thấp, người nhập cư, đối tượng hưởng thụ nhà ở xã hội mà các đối tượng khác (như lao động trẻ, những người có thu nhập trung bình và cả những người có thu nhập cao, người nước ngoài làm việc, sinh sống tại TP) cũng có nhu cầu rất lớn. Hơn nữa, phát triển đô thị phải đi kèm với phát triển đa dạng chủng loại nhà ở, vừa chỉnh trang phát triển các khu vực đô thị cũ (cũng phải chỉnh trang theo dự án, theo từng ô phố, khu phố để tránh tình trạng đầu tư các chung cư kiểu khoét lõm nhếch nhác, không đồng bộ), vừa hình thành nên những khu đô thị mới, vừa để bất động sản thực sự trở thành ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào sự phát triển của TP”.

Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)