Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xóm “độc” ở Sài Gòn: Kỳ cuối: Xóm tài xế

Tạp Chí Giáo Dục

Có từ 2 đến 3 người trong một gia đình là tài xế; Gia đình có ba thế hệ lái taxi là câu chuyện có thật ở xóm tài xế giữa trung tâm Sài Gòn.

Ít ai biết rằng, từ lâu tại TP.HCM có xóm tài xế với hàng trăm người đã và đang cầm lái, trong đó chủ yếu là lái taxi. Xóm tài xế nằm ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (KP.6, P.Tân Định, Q.1), mặt trước hướng ra cầu Hoàng Hoa Thám (Q.1). Mặt sau là đường Hoàng Sa.

Ba đời lái xe

Từ trước giải phóng, tại đây được biết đến là khu ổ chuột, nơi tá túc của người lao động nghèo, người vô gia cư và còn nổi danh với tệ nạn ma túy, cờ bạc. Theo các bậc cao niên, cư dân của xóm phần lớn là người Quảng (Quảng Ngãi) di dân từ những năm 60, nhiều nhất là trong hai năm 1967, 1968. Thế hệ người Quảng đầu tiên (trong những năm 60) đặt chân đến xóm này nay hầu hết đã ở cái tuổi nhớ nhớ quên quên. Ngày đó, người tha phương lao động với nhiều nghề để lo cái ăn cho cả gia đình. Phụ nữ có nghề bán chè, đậu hũ. Đàn ông thì đạp xích lô, chạy ba gác máy mưu sinh và số ít là có nghề tài xế từ trước.

Cuộc sống tha hương với nhiều thứ được mất, vinh quang, đau đớn, vui buồn rồi cũng đến. Đó là nỗi đau khó có thể nguôi ngoai khi thế hệ thứ hai của một số gia đình người Quảng lớn lên ở đất Sài Gòn lại sa vào con đường tăm tối: Cờ bạc và ma túy. Gia đình nghèo khó, đối mặt với cuộc sống nơi xứ người đã khiến con người ta kiệt quệ, giờ lại thêm cảnh con vướng tù tội, mất con vĩnh viễn. Chỉ có số ít tự mình vực dậy, tìm công việc làm tự nuôi thân, và nghề phổ biến đối với thanh niên ở đây không gì khác nghề tài xế taxi. Từ một vài người làm nghề trong xóm lái taxi rồi giới thiệu bạn bè, người thân vào chạy cho hãng.

Tài xế taxi đang chờ giao và nhận ca

Thời điểm TP.HCM “khát” lao động là tài xế taxi, số tài xế trong xóm lên đến khoảng 100 người, đó là chưa kể thế hệ cha, ông đã giải nghệ vì quá tuổi. “Không khá hơn một số ngành nghề khác nhưng thu nhập ổn định, ngày chạy ngày nghỉ có thời gian phụ việc vặt cho gia đình”, anh Nguyễn Văn Tuấn, người trong xóm chia sẻ.

Tốt nghiệp THPT, anh Tí (ngụ đường Trần Quang Khải, Q.1) muốn học cao hơn để kiếm nghề ổn định nhưng vì lý do khách quan, anh theo học nghề lái xe. Cha anh, ông Lệ, vốn là tài xế taxi từ trước năm 1975 dẫn dắt anh vào nghề. Công việc tuy có phần cực nhọc nhưng thu nhập khá ổn định nên anh Tí duy trì cho đến nay mặc dù cơ hội đổi nghề đến với anh vài lần. Ngoài anh Tí, trong gia đình, là đồng nghiệp của anh Tí còn có người anh ruột và ông anh rể.

Chúng tôi tìm gặp ông Trần Văn Nghiêm (sinh 1934), người được xem là chứng nhân về sự thăng trầm của nghề tài xế taxi ở Sài Gòn và cũng là người đầu tiên trong xóm lái xe taxi. Tuy nhiên, ông Nghiêm vừa mất cách đây ít tháng vì bệnh già. Theo bà Nguyễn Thị Toại, vợ ông Nghiêm, con trai đầu của bà cũng là tài xế nhưng vì căn bệnh khớp nặng khiến phải bỏ nghề. “Đến đời cháu tui, nó cũng chỉ theo nghề một thời gian ngắn vì lái taxi sau này không khá hơn trước, thức đêm thức hôm lại còn đối mặt với nhiều hiểm nguy”, bà Toại nói.

Nghề lắm điều tiếng

“Vào nghề từ đầu những năm 60, ổng (ông Nghiêm – PV) được lính Mỹ thời ấy gọi bằng cái tên rất thân mật: Ông Ba Nghiêm”. Bến xe taxi lúc đó nằm ở bến Bạch Đằng, thi thoảng ổng chở khách đi gần nhà, có ghé chở tui ra đó hóng gió. Thời đó chỉ có taxi con cóc, chưa có tổng đài, bộ đàm liên lạc… hiện đại như bây giờ mà phải chạy lòng vòng ở một số điểm chính để tìm khách như xe ôm. Với con nít xóm nghèo thời ấy, xe taxi như một thứ gì đó lạ lẫm, chúng leo trèo lên mui, vẽ đủ thứ lên xe…”, bà Toại nhớ lại. 

Trong suốt 15 năm, anh Vũ Thanh Vương lái taxi cho các hãng Mai Linh và Ánh Dương (Vinasun). Chạm ngưỡng tuổi hưu, anh Vương chuyển sang lái xe cho gia đình người quen với mong muốn: “Còn sức còn làm, không để phiền đến vợ con”. Theo lời anh Vương, cha anh cũng là tài xế lớn về tuổi nghề ở xóm này. “Trong mắt không ít người, lái xe là công việc gì đó tầm thường, không được coi trọng. Thậm chí với cánh tài xế còn bị mang tiếng là “chạy ẩu số một”, “chạy xe láo”… nhưng mình luôn nghĩ, nghề nào cũng vậy, miễn tiền mình kiếm được là đồng tiền trong sạch”, anh Vương nói!

Dù bến của mỗi người ở một điểm khác nhau nhưng bến mà tài xế giao ca là tại cây xăng trên đường Võ Thị Sáu (Võ Thị Sáu – Phan Liêm, Q.1). Ở đó, hầu hết là người trong xóm, mỗi người một hoàn cảnh nhưng lại càng thân thiết hơn khi ngồi bên ly cà phê sau 24 giờ rong ruổi trên mọi ngả đường. “Có những người gặp nhau ở bãi xe khi giao ca, thấy mặt quen lắm nhưng nghĩ mãi chẳng nhớ là ai, gặp ở đâu? Hỏi ra mới biết là người trong khu phố cả. Người trong xóm, lại làm chung tổ nên tình cảm anh em khắng khít, chia sẻ nhau trong mọi hoàn cảnh”, anh Vương tâm sự.

Bài, ảnh: Trần Anh

Theo bà Nguyễn Thị Toại, vợ ông Nghiêm, con trai đầu của bà cũng là tài xế nhưng vì căn bệnh khớp nặng khiến phải bỏ nghề. “Đến đời cháu tui, nó cũng chỉ theo nghề một thời gian ngắn vì lái taxi sau này không khá hơn trước, thức đêm thức hôm lại còn đối mặt với nhiều hiểm nguy”, bà Toại nói. 

 

Bình luận (0)