Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Băn khoăn về chương trình bộ môn

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: V.V

Với nguồn lực và tình hình hiện tại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) mới khó đảm bảo thành công.

Ông Thuyết cho biết: Khi đọc bản dự thảo, nhận xét đầu tiên của tôi là CT được soạn thảo với quan điểm mới, thông tin cập nhật, thể hiện được quan điểm của NQ 29 là tính thực học của CT. Khác với những lần trước, CT tổng thể mới không chỉ nêu rõ quan điểm gắn học với hành mà còn dành khá nhiều thời gian để học sinh hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Về mặt nội dung, CT mới xác định phải làm những việc gì, cụ thể nội dung của những việc đó ra sao. Điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người viết sách và triển khai CT.

Ưu điểm thứ hai là dự thảo CT đã thể hiện được tư tưởng dân chủ của NQ29. Đó là trong CT, để cho người học một khoảng được tự do lựa chọn, tự do sáng tạo, tính tự chọn rất đậm nét. Cụ thể, từ tiểu học, học sinh được chọn một số môn. Càng lên cao, khả năng tự chọn cao hơn.

Thứ ba là tính cập nhật đối với những quan điểm tiên tiến của thế giới.

PV: Điều ông chưa hài lòng nhất ở dự thảo CT này là gì?

Tôi băn khoăn về dạy tích hợp. Vấn đề này không mới, nhưng lần đổi CT-SGK năm 2000 không kịp làm toàn bộ, chỉ thực hiện với môn ngữ văn vì không có chuyên gia để xây dựng CT, viết sách tích hợp, không có giáo viên để dạy những môn học tích hợp. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi lấy làm tiếc, từ năm 2000 đến nay bộ không cử người đi học để có chuyên gia soạn CT-SGK tích hợp, các trường sư phạm cũng chưa kịp đổi mới để dạy tích hợp. Với CT mới, lấy ai soạn, lấy ai dạy tích hợp. Tất nhiên, GV cũng có kiến thức cơ bản nhưng mình đòi hỏi cao hơn nữa.

Tuy nhiên, vẫn có giải pháp. Vì đó là xu hướng của các nền giáo dục tiên tiến. CT họ có rồi, SGK cũng có rồi, các chuyên gia của chúng ta có thể học hỏi. Chỉ có điều mỗi nhà chuyên môn phải “dẹp” bớt chuyên môn của mình để xây dựng các cuốn sách tích hợp. Còn giáo viên thì có thể tổ chức bồi dưỡng.

Còn điều đáng tiếc nữa đó là ở tiểu học cần tích hợp mạnh hơn nữa, lên lớp trên có thể phân hóa ngay. Nhưng hiện nay, chúng ta vẫn chưa “cách mạng” triệt để. Có thể do các chuyên gia chưa nhất trí về việc xóa tên môn học của mình. Có lẽ phải vì học sinh hơn nữa.

Điều băn khoăn thứ hai của tôi là cơ sở vật chất của trường trong cả nước không đồng đều, nhìn chung còn rất nghèo. Ở TP, lớp học tốt nhưng sĩ số quá đông. Lớp học từ 50-60 học sinh thì giáo viên muốn đổi mới phương pháp dạy học cũng khó.

Còn miền núi, cơ sở vật chất còn xập xệ, nhiều khó khăn dù có CT kiên cố hóa trường lớp của Chính phủ. Khi còn làm đại biểu Quốc hội một tỉnh miền núi tôi biết rất rõ điều này. Đó chưa kể các khó khăn khác.

Giải pháp cho vấn đề này là các địa phương phải quan tâm, phải chất vấn để UBND tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục, nếu không rất khó đổi mới.

Tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, nhưng có một thứ quan trọng nhất bộ không được quản đó là tài chính. 20% ngân sách cho giáo dục, nhưng lại chi cho các bộ ngành, các địa phương. Họ chi tiêu thế nào không cần phải báo cáo Bộ Giáo dục. Đó cũng chính là khó khăn khi thực hiện đổi mới giáo dục.

Con số 34.000 tỷ mà Bộ GD-ĐT đưa ra để thực hiện đổi mới CT-SGK vấp phải sự phản ứng rất nhiều của dư luận. Theo ông, có nên xây dựng một đề án riêng để thuyết phục người dân số tiền phục vụ đổi mới?

Việc xây dựng cơ sở vật chất phải được tách riêng. Nó phối hợp, hỗ trợ đổi mới CT-SGK nhưng phải là CT khác.

Chúng ta thấy rất rõ nghịch lý, trong gia đình, chỗ tốt nhất là của con, chỗ sáng nhất của con, miếng ngon nhất là của con. Còn đối với Nhà nước, giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng có được chỗ sáng nhất, chỗ rộng rãi nhất không? Ở cấp ủy, chính quyền địa phương hàng tuần, hàng tháng có bàn để tháo gỡ khó khăn cơ sở vật chất cho giáo dục không? Tôi nghĩ là không. Nhưng Bộ GD-ĐT cũng có một nhược điểm đó là ôm đồm hết về mình, trong khi có nhiều công việc là trách nhiệm của địa phương. Bộ chỉ cần đưa ra tiêu chuẩn cơ sở vật chất, số lượng bao nhiêu học sinh/lớp. Lúc đó trách nhiệm của địa phương sẽ phải thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Học sinh TP.HCM trong tiết học ngoại khóa môn sinh vật. Ảnh: A.Khôi

Tôi nghĩ, để đổi mới giáo dục thành công, cần phải đổi mới cơ sở vật chất, nếu không sẽ không thực hiện được. Tôi cũng nói thêm rằng, 34.000 tỷ đồng cũng chỉ tương đương với 34km đường bộ trong nội thành Hà Nội. Có nghĩa rằng để phục vụ Quốc sách hàng đầu thì chỉ cần nguồn kinh phí tương đương với 34km đường bộ. Tôi chỉ sợ chi tiêu phung phí không đúng mục đích. Tất nhiên đất nước còn nghèo thì cần sự đóng góp của người dân, Nhà nước không thể cáng đáng hết.

Vậy điều gì giúp chúng ta tin là lần này đổi mới sẽ khác lần trước, thưa ông?

Tôi nghĩ là khó. Vì để thảo CT mang dấu ấn mới thì phải có người nghiên cứu cẩn thận. Trong khi điều kiện của chúng ta không phải môn nào cũng cử được người đi học nước ngoài. Chúng ta có mời chuyên gia nước ngoài đến nhưng không phải lúc nào cũng mời được chuyên gia thành thạo.

Tôi khen CT tổng thể còn đến CT bộ môn thế nào là câu chuyện khác. Thứ nữa là SGK. Chúng ta đào tạo chuyên gia về vấn đề này ít. Những người cũ mà làm CT mới sẽ thế nào. Họ phải vượt lên chính mình thì mới làm được.

Thứ ba là giáo viên. Nhiều người nỗ lực, cố gắng. Nhưng nhiều điều kiện ràng buộc họ không đổi mới phương pháp được. Đặc biệt là đến THPT hầu như không đổi mới phương pháp do sức ép thi cử. Họ chỉ dạy những phần để đi thi còn phần rèn luyện kỹ năng phải bỏ hết.

Còn cái khó nữa là nếu soạn CT kỹ thì giáo viên không cần đến SGK. Nhưng CT của chúng ta phần lớn chỉ gạch đầu dòng. Vì cho đến nay, không còn thời gian. Nếu từ nay đến 2018 chỉ tập trung làm CT thật kỹ thì giáo viên sẽ dạy tốt. Từ xưa tới nay giáo viên không biết đến CT. Do đó, chỉ dạy và thi theo SGK. Tôi mong đến lúc nào đó, chúng ta làm được CT kỹ. Nhưng tôi nghĩ làm giáo dục nói chung và làm CT-SGK nói riêng ở Việt Nam rất khó. Vì giống như làm dâu trăm họ. Ở nước ngoài dễ hơn.

Xin cảm ơn ông!

Nghiêm Huê

Bình luận (0)