Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Vượt “rào cản visa” du học Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều học sinh, sinh viên dù đã được các trường ĐH, CĐ Mỹ chấp nhận, vẫn không thể du học vì không xin được visa du học Mỹ. Làm sao để “vượt rào cản visa” này?
Khó khăn khi xin visa du học Mỹ
Việc xin cấp visa du học Mỹ ngày càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng số người nhập cư vào nước Mỹ cũng như tình hình kinh tế cũng khiến tình hình cấp visa khó khăn hơn. Không ít học sinh, sinh viên Việt Nam xin visa để du học Mỹ bị từ chối vì nhiều  lý do, nổi bật trong đó là vì đã không chứng minh được việc mình sẽ trở về nước sau khi hoàn tất thời gian du học Mỹ.
Cô Trần Thị Lan Phương – Chuyên viên tư vấn của trung tâm tư vấn du học ILA Việt Nam cho biết: “Theo quy định, những người xin visa sẽ được coi như có ý định định cư, cho đến khi thuyết phục được viên chức lãnh sự rằng mình đủ điều kiện được cấp visa. Theo yêu cầu của luật pháp, các viên chức lãnh sự buộc phải giả định tất cả những người xin visa không định cư đều có mục đích định cư. Chính vì vậy, nếu sinh viên muốn xin visa du học Mỹ mà không chứng minh được việc không có ý định định cư tại Mỹ sẽ bị từ chối cấp visa dù cho bảng điểm có cao ngất ngưởng, bề dày hoạt động ấn tượng.”
Thủ tục phỏng vấn xin visa
Đối với sinh viên có nhu cầu tham gia học tập tại một trường Đại học, Cao đẳng, Trung học hoặc một Viện ngôn ngữ tại Mỹ thì bắt buộc phải xin Thị Thực sinh viên F-1. Để xin được thị thực, sinh viên phải chứng minh mình đã được tiếp nhận bởi một trường học tại Mỹ bằng mẫu I – 20 với mã vạch và chữ ký của cán bộ nhà trường. Số SEVIS trên mẫu này sẽ giúp cho Cục nhập cư Mỹ quản lý và theo dõi sinh viên trong quá trình học tập tại Mỹ. Ngoài ra, sinh viên cần nộp lệ phí xin visa và lấy lịch hẹn phỏng vấn xin visa.
Bên cạnh đó, sinh viên cần chuẩn bị hồ sơ học tập phù hợp bao gồm bảng điểm. học bạ.., điểm TOEFL hoặc SAT, hoặc bằng cấp tương đương chứng tỏ khả năng tiếng Anh. Quan trọng hơn, sinh viên cần phải chứng minh được nguồn tài chính lâu dài (hoặc của bố, mẹ trong trường hợp bố, mẹ là người bảo lãnh tài chính) đủ để chi trả cho việc học tập và sinh sống của sinh viên trong các năm học tại Mỹ.
Các giấy tờ chứng minh tài chính phù hợp có thể là giấy chứng nhận học bổng, thư hỗ trợ tài chính của trường sẽ theo học tại Mỹ, giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh của gia đình như biên lai thuế, giấy phép kinh doanh; và giấy tờ sở hữu nhà đất, ổ tô, sổ tiết kiệm… Các giấy tờ này yêu cầu phải trung thực và đủ sức thuyết phục.
Bạn Hoàng Nguyên Long – Sinh viên năm nhất trường Albright College chia sẻ: “Khi mình cũng như bạn bè đi phỏng vấn, viên chức lãnh sự thường hay hỏi về kế hoạch tương lai và đánh giá cao những người có kế hoạch nghiêm túc và cụ thể về tương lai đối với sinh viên. Do vậy, những bạn đang nung nấu ý định đi du học nên có những hoạch định rõ ràng dựa trên thông tin chi tiết về trường học cũng như ngành lựa chọn. Thông tin này có thể tìm hiểu tại các trung tâm tư vấn du học uy tín.
Theo Vietnamnet


Bình luận (0)