Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Khóc, cười vì ngành… hot

Tạp Chí Giáo Dục

Chọn nghề “hot”, nghề thời thượng… đang trở thành “căn bệnh” của nhiều học sinh trung học phổ thông trước ngưỡng cửa đại học. Do không được định hướng kỹ, nhiều bạn trẻ không hiểu gì về ngành nghề mình đã chọn và rơi vào tình thế dở khóc dở cười khi ra trường.
Nguyễn Ngọc Thảo, nhân viên kinh doanh của công ty thiết kế, in ấn tại quận 10, TP HCM, nhớ lại hồi làm hồ sơ thi đại học (ĐH), thấy bạn bè kháo nhau ngành Kinh doanh Quốc tế đang “hot”, vậy là lao vào khoa Kinh doanh Quốc tế của ĐH Tài chính – Marketing, chỉ vì “em thấy các bạn bảo ngành này đang là sự lựa chọn hàng đầu của giới trẻ, môi trường làm việc năng động và cá tính”.
Ảo tưởng nghề
Cũng giống như Thảo, nghe ti vi, báo đài thấy ngành PR đang là một xu hướng lựa chọn mới của những người trẻ muốn thả sức sáng tạo, Quỳnh Anh gấp gáp đăng ký vào Khoa báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM dù cô chẳng hiểu thực sự PR là cái gì và cô có khả năng theo đuổi ngành học đó hay không? Lúc ra trường sẽ làm gì?
May mắn đến với Thảo khi đỗ vào ngành mình đăng ký, thế nhưng niềm vui đỗ đạt nhanh chóng vụt tắt bởi ngành nghề mà Thảo đeo đuổi chẳng thích hợp với tố chất chút nào. Những ngày lên lớp dần trở thành trách nhiệm. Thảo chán học, than thở với bạn bè thì nhận được những câu nói: “Ai vào ĐH mà chẳng kêu chán, cố lấy tấm bằng ra trường, cũng có mấy ai làm đúng ngành nghề đào tạo đâu”.
Cũng chẳng khác gì Thảo, chán chường vì nghề PR hóa ra khó khăn và nhiều thử thách ngoài suy nghĩ ban đầu, vậy là Quỳnh Anh đi học lớp văn bằng 2 của ĐH Kinh tế TP HCM để chuyển nghề.
Trong giới trẻ đang hình thành trào lưu chọn nghề “hot” và chạy theo ảo tưởng nghề. Họ chọn nghề theo đam mê nhất thời và bằng sự hiểu biết mù mờ về nghề để lúc cầm bằng ra trường mới “dở khóc, dở cười” đi xin việc, hoặc mau chóng chán nản, bỏ nghề.
HS cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề trước khi đăng ký thi ĐH,CĐ. 
Cần định hướng nghề rõ ràng
“Tiêu chí để đánh giá nghề “hot” là cơ hội việc làm lớn, nhu cầu của xã hội nhiều và triển vọng phát triển nhưng không phải với bất cứ ai lao vào nghề thời thượng cũng thành công như mong muốn. Học sinh (HS) hiện nay rất thiếu định hướng đầy đủ và hoàn thiện cho sự lựa chọn nghề nghiệp của mình”, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, chia sẻ. Tại hầu hết các trường THPT hiện nay, HS lớp 12 được nhà trường tạo mọi điều kiện để tốt nghiệp, còn khâu hướng nghiệp thì không phải trường nào cũng quan tâm. Đến lúc đặt chân vào giảng đường, các bạn trẻ mới được tiếp cận với những hoạt động giúp sinh viên nhìn nhận, làm quen với công việc thực tế.
Hiện nay, sự gắn kết giữa các trường cao đẳng, ĐH với các trường THPT trong việc tư vấn chọn ngành, chọn nghề giúp HS hết sức lỏng lẻo. Thông tin về các khoa, trường đào tạo các lĩnh vực đến tai, tới mắt HS THPT thường rất chung chung. Có những thí sinh thi đại học, thậm chí kể cả sinh viên đang theo học tại các trường cũng chưa hề hình dung được về công việc thực tế mà mình sẽ làm sau khi ra trường, chỉ tới khi đi thực tập, nhiều bạn trẻ mới “vỡ mộng”… hoá ra chuyên ngành mình học và sau này sẽ làm công việc như vậy.
Chia sẻ về việc định hướng nghề nghiệp cho HS, ông Đỗ Việt Hà, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn Nhân lực, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Để định hướng nghề nghiệp cho HS, chúng ta phải biết 50 năm nữa ở đất nước ta cần phát triển nhân lực trong những ngành nghề gì, phân bố nhân lực ra sao. Việc hướng nghiệp cho HS có thể thực hiện từ lớp 8 để xác định rõ nghề nghiệp cho mình. Trong chương trình đào tạo hiện nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường lồng ghép việc hướng nghiệp cho HS vào các môn học. Bên cạnh đó, nhà trường cần mở những buổi ngoại khóa, những cuộc thi tìm hiểu về nghề nghiệp dành cho HS”.
Chỉ 4,3% HS hiểu rõ nghề định chọn
Ông Mạnh Hà,  Phó GĐ Trung tâm tư vấn Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho biết Trung Tâm vừa làm nghiên cứu đặc điểm tâm lý trong hoạt động chọn nghề của 1.000 HS THPT tại Hà Nội, Lào Cai, Thái Bình. Kết quả: chỉ 4,26% HS hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về nghề lựa chọn, 18,77% có hiểu biết nhưng hời hợt, 76,97% thiếu hiểu biết về nghề sẽ quyết định. Khi chọn nghề, HS căn cứ vào dư luận, vẻ bề ngoài của nghề và địa vị xã hội mà nghề đem lại hơn là việc nghề đó có đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và ứng năng lực cũng bản thân hay không. Việc chọn nghề như vậy là cực kỳ nguy hiểm cho xã hội bởi HS chọn nghề để mau kiếm tiền chứ không phải học nghề để cống hiến và thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với xã hội.
Thủy Trúc
Theo Đất Việt

 

Bình luận (0)