Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh vào 10:Những bất ổn

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 22/6, hơn 8 vạn thí sinh của Hà Nội bước vào kỳ thi vào lớp 10 quan trọng. Không có thí sinh vi phạm quy chế, kỳ thi vào 10 của Hà Nội diễn ra an toàn, nghiêm túc. Vẫn áp dụng hình thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển, tuy nhiên sự bất bình đẳng trong đào tạo của Hà Nội đã bắt đầu được bộc lộ.

Vẫn nặng truyền thống
Năm nay, đề thi văn của thí sinh Hà Nội vào bài thơ “Người đồng mình”, văn xuôi vào tác phẩm “Người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. Thí sinh Diệu Anh, đến từ trường THCS Ngô Sĩ Liên dự thi vào hội đồng thi trường THPT Trần Phú cho biết đề Văn không khó nhưng hơi dài.
Thí sinh trong giờ làm bài thi (Ảnh: H.C.Bình)
Tuy nhiên, đánh giá về đề văn năm nay của Hà Nội, một giáo viên từng dạy Văn của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cho rằng đề thi của Hà Nội vẫn nặng yếu tố truyền thống.
Giáo viên này phân tích: người ra đề vẫn ra theo lối cân đối: một câu thơ, một câu văn xuôi. Hơn nữa, tác phẩm “Người con gái Nam Xương” đã từng được ra nhiều lần trong các lần thi vào 10 của Hà Nội. Điều mà nhiều người mong chờ ở đề văn của Hà Nội đã không xẩy ra đó là nghị luận xã hội. Việc ra đề truyền thống, theo giáo viên này đánh giá thì an toàn cho cả người ra đề và người làm bài.
Mặc dù vậy, ở câu 2, đề văn cũng đã nghiêng về khai thác khía cạnh nghệ thuật. Tuy nhiên, điều đó là không đủ để đánh giá “cái tôi” của học sinh. Thầy giáo này cũng cho rằng, lối ra đề “an toàn” như hiện nay chỉ tồn tại ở các tỉnh phía Bắc. Còn tại Đà Nẵng, TPHCM, đề văn đã mở hơn rất nhiều. 
Theo nhận định, thí sinh có học lực khá giỏi trở lên có thể đạt 7 đến 8 điểm.
Bất bình đẳng
Năm nay, bắt đầu xuất hiện hiện tượng thí sinh né các trường top trên.
Như tại trường THPT Trần Phú, năm nay chỉ tiêu vào trường là 675 mà chỉ có 643 thí sinh đăng ký dự thi NV1 và có thêm 300 thí sinh đăng ký NV2. Như vậy so với năm 2010, số thí sinh đăng ký dự thi vào trường sụt giảm khoảng 50%. Lãnh đạo nhà trường cho biết chưa bao giờ có hiện tượng này xẩy ra tại trường.
Còn chuyện thiếu chỉ tiêu tại các trường top dưới (công lập) của Hà Nội cũng là thường ngày. Ông Bùi Như Hải, hiệu trưởng trường THPT Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức cho biết năm 2010 trường ông được giao 420 chỉ tiêu nhưng chỉ có 400 hồ sơ đăng ký. Trường chỉ tuyển được 300 chỉ tiêu NV1, còn lại phải tuyển đến NV2. Năm nay, trường được giao 540 chỉ tiêu nhưng lại chỉ có 520 hồ sơ.
Trong khi đó, các trường top trung của nội thành Hà Nội có lẽ sẽ khá vất vả để xử lý vấn đề NV2. Tập trung 2 trường lớn của thành phố (Trần Phú và Việt Đức), các trường top trung của quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng là bến đỗ an toàn cho những thí sinh đăng ký NV2. Trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng năm nay chứng kiến sự gia tăng đột biến ở NV2 khi có tới 3500 hồ sơ đăng ký.
Hà Nội có năm trường THPT được coi là Ngũ hổ tướng của thành phố đó là THPT Việt Đức, Chu Văn An, Kim Liên, Trần Phú, Hà Nội – Amsterdam. Hà Nội có luật “tràn tuyến” nên các thí sinh được phép chọn 2 NV trong cùng một vùng tuyển không cần biết trái tuyến hay đúng tuyến. Chính vì vậy, tại các hội đồng thi của Trần Phú, Kim Liên, Chu Văn An, Việt Đức tìm mỏi mắt không thấy một thí sinh nào có học lực trung bình. Thậm chí học lực khá cũng rất khiêm tốn. Có lẽ vì vậy mà điểm chuẩn của những trường này luôn ở top trên như Trần Phú năm 2010 điểm vào trường là 53 điểm, Việt Đức là 52…
Trong khi đó, tại trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai thì lực học của thí sinh dự thi vào trường chủ yếu là khá và trung bình. Mỗi phòng thi chỉ có 1 hoặc 2 thí sinh có bằng giỏi.
Sự mất cân đối giữa học sinh khá giỏi và trung bình giữa các trường của Hà Nội như hiện nay chắc chắn về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của từng trường. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nhận thấy, những trường top trung, top dưới không phải do chất lượng đào tạo của nhà trường thấp mà do đầu vào thấp./.
Theo Tuệ Lâm
(Toquoc)

Bình luận (0)