Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chuyện tin nhắn rác: Trói trách nhiệm nhà mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu nói các mạng di động gián tiếp góp phần cho sự hoành hành của tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo có thể sẽ khiến các nhà mạng phản ứng.

Tin nhắn rác thường xuyên được gửi về điện thoại cá nhân – Ảnh: T.T.D.

Nhưng trước thực trạng khách hàng khốn khổ với những tin nhắn này suốt thời gian dài vừa qua mà chẳng thấy mấy động tĩnh từ phía nhà mạng thì sự hoài nghi đó không phải không có lý.

Chuyện nhà mạng làm ngơ với những quấy rầy, lừa đảo khách hàng không phải chỉ ở trường hợp tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Suốt năm qua, thông tin “ông chú” làm ở một nhà mạng lừa đảo khách hàng đầy rẫy trên mạng xã hội mà tuyệt nhiên chẳng thấy nhà mạng của “ông chú” này phản ứng gì, chỉ đến khi tác giả của chiêu lừa đảo đó bị bắt thì nhà mạng mới gửi tin nhắn cảnh báo tới thuê bao của mình. Người dễ tính thì bảo đó là sự thờ ơ của nhà mạng. Người khó tính thì đặt nghi vấn về sự tiếp tay của nhà mạng cho chiêu lừa đảo này.

Các nhà mạng thường lấy lý do kỹ thuật để biện minh rằng không xử lý được những hiện tượng đó. Nhưng tại buổi làm việc với các nhà mạng để triển khai biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hôm 27-1, giám đốc Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM đã khẳng định về mặt kỹ thuật, các nhà mạng hoàn toàn có thể xử lý và chặn được tin nhắn rác.

Lấy khó khăn về kỹ thuật để nói khó xử lý chỉ là cách làm phức tạp hóa tình hình, che đậy sự thờ ơ của nhà mạng. Người tiêu dùng đủ thông minh để biết những kiểu lừa đảo đó hoàn toàn có thể hạn chế được, chỉ là nhà mạng có muốn làm hay không mà thôi.

Thế nên, vấn đề không chỉ là tuyên chiến với tin nhắn rác mà còn phải trói chặt hơn nữa trách nhiệm của các nhà mạng.

Nếu không, vì sao người tiêu dùng kêu quá nhiều mà nhà mạng không chủ động tìm biện pháp xử lý, phải đợi tới khi Bộ Thông tin – truyền thông chỉ đạo và Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM triệu tập họp bàn?

Lẽ thường, khi “thượng đế” kêu thì chính các nhà mạng phải sốt sắng hơn cả trong việc xác định nguyên nhân, đưa ra giải pháp để bảo vệ khách hàng.

Đằng này, những tiếng kêu ấy cứ rơi vào vô vọng trước sự thờ ơ của nhà mạng. Người tiêu dùng bực mình với tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo một thì bực mình với nhà mạng mười.

Việc nhà mạng bỏ mặc tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hoành hành có thể do chính các nhà mạng cũng được hưởng lợi từ đó. Điều này dễ hiểu vì dù là tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo thì nhà mạng vẫn thu được phí.

Nếu là tin nhắn mời tham gia các dịch vụ nội dung số thì nhà mạng được ăn chia với các doanh nghiệp kinh doanh nội dung khi khách hàng tham gia các dịch vụ đó.

Đây là một kiểu kinh doanh thờ ơ với nỗi bức xúc, khốn khổ của khách hàng.

Việc cơ quan chức năng phải lôi các nhà mạng vào cuộc chống tin nhắn rác cho thấy sự thờ ơ của nhà mạng đã đến lúc báo động.

KHIẾT HƯNG

(TTO)

 

Bình luận (0)