Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Thi tốt nghiệp THPT: thí sinh phải cách nhau 1,2m

Tạp Chí Giáo Dục

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 từ ngày 2 đến 4-6 tới, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh thí sinh khi làm phần đề thi riêng (cả tự luận và trắc nghiệm) nếu làm cả hai phần riêng của đề thi thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần riêng của đề thi.

Cán bộ coi thi phát giấy thi cho thí sinh tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai TP.HCM sáng 28-5 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008 – Ảnh: Quốc Dũng

Theo quy chế, trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm thí sinh không được rời khỏi phòng thi. Đối với môn thi tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi và phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp. Trong trường hợp này, sau khi thí sinh rời khỏi phòng thi, Hội đồng coi thi có thể cho thí sinh rời khỏi khu vực thi đồng thời tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và an toàn vòng ngoài để ngăn chặn sự xâm nhập của bên ngoài vào khu vực thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay Bộ GD-ĐT tăng cường lực lượng thanh tra của Bộ là giảng viên các trường ĐH, CĐ làm nhiệm vụ tại các Hội đồng coi thi. Trong các buổi thi, thí sinh không được ra ngoài phòng thi, nếu phải cho thí sinh ra ngoài (sau 2/3 thời gian làm bài thi), giám thị trong phòng thi giao thí sinh cho thanh tra, thanh tra giao cho giám thị ngoài phòng thi trực tiếp giám sát thí sinh cho đến khi thí sinh trở lại phòng thi.
Đối với các trường hợp thí sinh ốm đau đột xuất, phải đề nghị giám thị bên ngoài phòng thi báo cáo chủ tịch Hội đồng coi thi để giải quyết. Tuy nhiên, để cán bộ thanh tra tập trung thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát các buổi thi, trong trường hợp phải cho thí sinh ra ngoài phòng thi thì giám thị trong phòng thi trực tiếp giao thí sinh cho giám thị ngoài phòng thi (chốt ở đầu hành lang) dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ thanh tra.
Mỗi phòng thi chỉ xếp 24 thí sinh
Bộ GD-ĐT quy định trong một phòng thi việc sắp xếp thí sinh phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2 mét; mỗi phòng thi 24 thí sinh; riêng phòng thi cuối cùng, có thể xếp đến không quá 28 thí sinh.
Trong mỗi cụm trường, danh sách thí sinh được sắp xếp theo ba bước. Bước 1, xếp theo thứ tự ban gồm thí sinh ban Khoa học tự nhiên, ban Khoa học xã hội và nhân văn, ban Cơ bản; thí sinh giáo dục thường xuyên (nếu có). Bước 2, xếp theo thứ tự ưu tiên của môn thi ngoại ngữ (trừ thí sinh giáo dục thường xuyên): tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật. Bước 3, lập danh sách thí sinh cho mỗi môn thi ngoại ngữ và dành riêng cho giáo dục thường xuyên (nếu có) theo thứ tự a, b, c,.. của tên thí sinh.
Để tránh khó khăn cho các đơn vị còn hạn chế về cơ sở vật chất phòng thi, sau khi sắp xếp thí sinh theo các bước trên, Bộ cho phép ghép cơ học các phòng thi cuối không đủ 24 thí sinh/phòng theo nguyên tắc: chỉ được ghép các phòng thi cuối trong cùng một hội đồng coi thi; các phòng thi cuối trong một phòng ghép vẫn có riêng các danh sách thí sinh, túi đề thi và túi bài thi; các túi số 1 (đựng bài thi của  của thí sinh) của các phòng thi cuối được xếp riêng theo môn ngoại ngữ.
Bộ yêu cầu tất cả những người làm nhiệm vụ trong khu vực thi khi Hội đồng coi thi đang làm việc đều không được mang theo và sử dụng phương tiện thu, phát thông tin cá nhân. Trước mỗi buổi thi, chủ tịch Hội đồng coi thi thu các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân của các đối tượng trên và lưu giữ tại phòng trực của hội đồng. Khi cần thông tin khẩn cấp, cán bộ làm nhiệm vụ thi phải báo cáo chủ tịch Hội đồng coi thi để sử dụng điện thoại cố định đã được đăng ký của Hội đồng coi thi.
Làm phần tự chọn như thế nào?
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình nào (chương trình chuẩn – CTC hoặc chương trình nâng cao – CTNC) phải làm phần riêng của đề thi, ứng với chương trình đó. Thí sinh làm cả hai phần riêng của đề thi thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần riêng của đề thi.
Đối với các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn gồm hai phần: phần chung cho tất cả thí sinh ra theo nội dung giống nhau giữa CTC và CTNC. Phần riêng cho thí sinh học theo từng chương trình: CTC hoặc CTNC. Thí sinh học chương trình nào (CTC hoặc CTNC) phải làm phần riêng của đề thi ứng với chương trình đó. Đối với các môn ngoại ngữ: đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa CTC và CTNC, không có phần riêng.
Như vậy, đối với thí sinh học ban Khoa học tự nhiên sẽ làm bài theo nguyên tắc sau: các môn thi là ngữ văn, lịch sử, địa lý: làm phần riêng của đề thi ứng với CTC; các môn thi là toán, vật lý, hóa học, sinh học: làm phần riêng của đề thi ứng với CTNC.
Thí sinh học ban Khoa học xã hội và nhân văn làm bài như sau: các môn thi là ngữ văn, lịch sử, địa lý: làm phần riêng của đề thi ứng với CTNC; các môn thi là toán, vật lý, hóa học, sinh học: làm phần riêng của đề thi ứng với CTC.
Đối với thí sinh học ban Cơ bản, các môn học theo CTC, sách giáo khoa biên soạn theo CTC (kể cả môn học theo CTC, sách giáo khoa biên soạn theo CTC và có học một số chủ đề tự chọn nâng cao): làm phần riêng của đề thi ứng với CTC. Các môn học theo CTNC, sách giáo khoa biên soạn theo CTNC: làm phần riêng của đề thi, ứng với CTNC.
Thí sinh học trong trường THPT kỹ thuật: làm phần riêng của đề thi ứng với CTC đối với tất cả các môn thi.
Riêng thí sinh tự do: được quyền chọn một phần riêng thích hợp của đề thi để làm bài.
Q.DŨNG (TTO)

Bình luận (0)