Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chen nhau xin cho con vào trường tư thục

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều phụ huynh chờ đến lượt kêu tên con mình (ảnh chụp sáng 29-5 tại Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến)

Sau khi học sinh có kết quả học tập năm học 2008-2009 nhiều trường dân lập, tư thục tại TP.HCM bắt đầu thông báo tuyển sinh năm học 2009-2010. Trong mấy ngày cuối tháng 5 tại các trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Thái Bình, Ngô Thời Nhiệm… lượng phụ huynh mang hồ sơ đến nộp tăng đột biến.
Vất vả vì nộp hồ sơ
Sáng 29-5 khoảng 7 giờ 30 khi chúng tôi đến Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến (cơ sở 4) tại P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức thì đã thấy cả trăm phụ huynh đang chầu chực trước sân trường để nộp hồ sơ xin học cho con. Vừa thấy một người phụ nữ cầm tập hồ sơ đứng thập thò trước cửa văn phòng chờ gọi tên, tôi liền tìm cách bắt chuyện. Chị giơ tấm thẻ màu xanh nhỏ bằng chiếc nhãn vở trên đó có ghi số 13 ra khoe: “Mừng quá, em vừa bắt được số, bây giờ còn phải chờ nộp hồ sơ để kiểm tra học bạ của cháu một lần nữa”. Quan sát xung quanh tôi thấy tại cửa văn phòng cũng đã có hàng chục người đứng ngồi thấp thỏm để chờ gọi tên sau khi có số trên tay. Anh Lâm, nhà ở Bà Rịa-Vũng Tàu có con học lớp 9 kể lại: “Ngày hôm qua trường phát ra 450 tích-kê nhưng mới chỉ nhận 300 hồ sơ nên hôm nay tôi phải vào trường để chờ xét lần nữa. Bây giờ xong rồi các thầy kêu qua đóng tiền nhập học”. Chưa hết mệt mỏi nhưng nét mặt anh lúc đó thật rạng rỡ. Tuy nhiên trong số đông này không phải ai cũng gặp may mắn như hai phụ huynh kia. Anh Trần Kỳ, bố của em Trần Kỳ Thái – học sinh lớp 5 Trường TH Phước Minh (huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước) rầu rĩ: “Qua sơ tuyển vòng 1 con tôi được nhận nhưng khi qua vòng 2 các thầy xem kỹ thì cháu không đủ điều kiện”. Anh Kỳ cho biết, năm nay cơ sở này chỉ nhận 50 học sinh lớp 6 với điều kiện là 3 năm cuối phải đạt học sinh giỏi nhưng con anh chỉ đạt học sinh tiên tiến nên bị “bật ra”. Một phụ huynh ngụ ở Bình Dương cũng thất vọng phải “ôm” hồ sơ ra về khi chỉ tiêu tuyển vào lớp 7 đã hết chỗ mặc dù đứa con của anh điểm ba môn toán, lý, Anh văn đều trên 8,5 điểm như quy định của nhà trường.
Tại Trường THPT dân lập Thanh Bình (192/16 Nguyễn Thanh Bình, Q. Tân Bình) mấy hôm nay văn phòng tiếp nhận hồ sơ lúc nào cũng chật kín người. Nhiều phụ huynh từ các tỉnh thành khác đã lục tục mang hồ sơ đến đây để đăng ký cho con xin học. Sau khi đóng 5.000 đồng để mua một bộ hồ sơ, phụ huynh sẽ điền tên vào các mục để đăng ký và đóng học phí cho con vào học 2 tháng hè. Một giáo viên của trường khẳng định, mặc dù năm nay dự kiến nhận 800 học sinh lớp 10 nhưng chắc chắn nhu cầu của phụ huynh sẽ vượt qua con số đó.
Cũng như nhiều năm trước đây Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký là “điểm nóng” của việc phụ huynh xin cho con vào học. Do chỉ có cơ sở 1 (21 Trịnh Đình Trọng) mới nhận học sinh nội trú nên năm nào ở đây cũng quá tải. Chuyện xin cho một đứa con vào đây học nội trú là cả một vấn đề, không phải phụ huynh nào muốn là được, kể cả có tiền triệu trong tay. Thầy Huỳnh Hữu Trí – Phó chánh văn phòng cho biết, năm học 2009-2010 trường mở 22 lớp 10 với 735 chỉ tiêu như đã đăng ký. Thời điểm này chưa thi tuyển lớp 10 nhưng cũng đã có rất nhiều hồ sơ đến nộp để đăng ký học hè.
Đăng ký học hè để… xí chỗ
Mặc dù đã toại nguyện khi nộp xong hồ sơ nhưng chị Nguyễn Thị Lan, nhà ở Tân Uyên, Bình Dương có con vào lớp 10 vẫn lo ngay ngáy: “Trường chỉ mới nhận các cháu vào học hai tháng hè, rồi sau đó còn thi tuyển một đợt nữa trước khi xếp lớp cho năm học mới, cho nên vẫn chưa chắc ăn”. Những năm trước đây học sinh học xong hè do “thiếu cân thiếu ký” rồi chuyển sang nơi khác học hoặc trở về quê là chuyện bình thường. Thầy Lê Văn Ngộ – Tổng quản nhiệm cơ sở 4 Trường Nguyễn Khuyến cho biết, học sinh học hè nếu thích nghi với môi trường học tập của trường đồng thời bản thân đạt yêu cầu về học tập và đạo đức mới được tiếp nhận vào học chính thức năm học 2009-2010.
Năm nay “biểu đồ học phí hè” của các trường ngoài công lập cũng tiếp tục đi lên. Tại Trường Nguyễn Khuyến, Trương Vĩnh Ký học phí bán trú thu 2,1 triệu đồng (lớp 6); 4,2 triệu đồng (lớp 12); còn nội trú thu 4,5 triệu đồng (lớp 6), 7,5 triệu đồng (lớp 12). Chị Cao Thanh Dung, nhà ở Pleiku (Gia Lai) không dám cho con vào học lớp 10 nội trú tại Trường THPT Trương Vĩnh Ký vì học phí theo không nổi “chẳng thà cho cháu ra ở trọ cùng với chị gái ở Q. Tân Bình” chị Dung tâm sự. Tuy nhiên nhiều phụ huynh khác thừa nhận học phí có cao nhưng không đặt thành vấn đề, quan trọng là con mình có được vào học và có chịu học hay không.
 Rõ ràng tại TP.HCM trong mấy năm gần đây không chỉ có ở các trường công lập gặp tình trạng quá tải về trường lớp mà ngay các trường dân lập, tư thục cũng đang chịu “sức ép” đó. Nhất là các trường tốp trên có “tiếng lành đồn xa” cứ đầu năm học là phải “gồng mình” ra để thu nhập hồ sơ. Một hiệu trưởng tâm sự, thấy phụ huynh đến nộp hồ sơ nhiều thì mừng nhưng sau đó lại lo ngay ngáy vì không biết lấy phòng học từ đâu mà chứa cả ngàn học sinh. Như “chiếc áo cũ đã quá chật” nên trong dịp hè này ban giám hiệu, hội đồng quản trị các trường đang tìm mọi cách để xoay xở. Cả tuần nay Trường Thái Bình đang đập phá nhà hiệu bộ cũ để xây một dãy lớp học 5 lầu, kinh phí xấp xỉ 15 tỷ đồng. Thầy Lê Văn Linh – Hiệu trưởng nhà trường nói: “Ngoài việc xây mới phòng học, trường sẽ có thêm các phòng chức năng như phòng máy vi tính, thí nghiệm, hội trường lớn, thư viện… Tuy không xây dựng thêm như mấy năm trước nhưng trước nhu cầu bức bách đó, một vài trường đang có dự kiến lên kế hoạch thuê mướn những cơ sở sát gần trường để cải tạo thành lớp học. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời vì “cung” không đáp ứng đủ “cầu” nhất là khi “đợt sóng” cho con lên Sài Gòn đi học đang trở thành xu thế phổ biến ở một số tỉnh thành khác.
Nguyễn Hoàng Anh

 

Bình luận (0)