Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Trên đường hội nhập: Bài 1: Giáo dục Phần Lan, nền giáo dục tiên tiến được nhiều nước đến tham quan học tập

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Thực hiện tinh thần Thông báo 242-TB/TW của Trung ương về kết luận của Bộ Chính trị, phấn đấu xây dựng nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc vào năm 2020. Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch triển khai thực hiện, nghiên cứu những mô hình giáo dục tiên tiến của thế giới để vận dụng vào thực tế. Từ số báo này, Giáo Dục TP.HCM sẽ giới thiệu một số mô hình giáo dục tiên tiến của các nước mà trước hết là giáo dục Phần Lan qua phần ghi nhận trực tiếp của TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT, từ ngày 19 đến 29-9-2009.

PISA đã nâng Phần Lan thành một hiện tượng giáo dục của thế giới

Giáo dục Phần Lan được nhiều nước quan tâm đặc biệt như một hiện tượng của thế giới. Bắt đầu từ khi học sinh các trường trung tiểu học ở đây liên tiếp vượt qua 31 quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (gọi tắt là OECD) để dẫn đầu trong những cuộc thẩm định giáo dục quốc tế và hiện nay Phần Lan đã chính thức vượt trên 57 nước, trong đó có các cường quốc.
Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế PISA là chữ viết tắt của The Program for International Student Assessment. Ý tưởng bắt đầu từ năm 1997 nhưng phải mất 3 năm xây dựng tiêu chí và phương thức đánh giá, đến năm 2000 cuộc điều tra đánh giá đầu tiên mới được thực hiện.
Cuộc điều tra đánh giá học sinh cứ 3 năm một lần, tập trung vào 4 lĩnh vực quan trọng là toán, khoa học, đọc hiểu và xử lý tình huống. Xem các đề kiểm tra đánh giá trình độ học sinh, chúng ta thấy hoàn toàn về kiến thức hàn lâm, nhưng họ đã rất chú ý đến kiến thức thực tế và kỹ năng của học sinh trong cuộc sống, điều này tùy thuộc nhiều vào nội dung chương trình, phương pháp dạy học và ảnh hưởng của môi trường văn hóa xã hội.
Giáo dục Phần Lan với những đặc điểm tiên tiến
Phần Lan là một quốc gia ở Bắc Âu, có diện tích tương đương với nước ta, tài nguyên không nhiều, quanh năm tuyết phủ và sông hồ chiếm một diện tích khá lớn (tuyết và hồ được chọn làm biểu tượng của lá cờ Tổ quốc Phần Lan với nền màu trắng và chữ thập màu xanh), dân số chỉ có trên 5 triệu người. Thủ đô Helsinki, ở đó dân cư 0,5 triệu. Nhưng Phần Lan đã có một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu học tập của mọi con em nhân dân với những đặc điểm cơ bản ưu việt:
1. Quan điểm sư phạm khá độc đáo được xây dựng trên cơ sở nâng cao giá trị nhân văn trong nhà trường và nâng cao vị trí người giáo viên một cách có hệ thống và nhất quán trong toàn xã hội.

 GS. Leo Pahkin (bìa phải) – thành viên Ủy ban giáo dục Phần Lan 

– Lợi thế cơ bản của Phần Lan là dân cư không nhiều lại được tổ chức rất chặt chẽ, chất lượng cuộc sống người dân khá đồng đều, sống thiên về trầm lặng nhưng rất thân thiện với nhau và với khách, ham thích đọc sách, coi trọng giáo dục, coi trọng thầy cô giáo.
– Trong hệ thống quản lý giáo dục của Phần Lan, việc công bố kết quả đánh giá phân loại khen chê không được thực hiện đối với nhà trường, với giáo viên và với cả học sinh. Người quản lý luôn tìm cách tạo điều kiện một cách bình đẳng để mọi đối tượng mà mình quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ và tiến bộ thay cho việc chê bai, phân biệt đối xử.
– Giáo viên của Phần Lan, từ tiểu học trở lên, tất cả đều có bằng Master (12 + 5 năm đào tạo). Họ rất được trọng dụng thể hiện ở chế độ chính sách, điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn và sự bảo vệ của luật pháp.
2. Vai trò của phụ huynh học sinh trong việc phối hợp giáo dục với nhà trường được đặc biệt nâng cao.
– Phụ huynh học sinh Phần Lan nhận thức rất tốt về vai trò của mình trong việc giáo dục con em, luôn chung sức với nhà trường, gắn bó phối hợp với giáo viên từ nhận thức giáo dục đến việc tìm biện pháp giáo dục phù hợp và nhận xét đánh giá đúng mức con em mình cùng với giáo viên.
– Chính vì cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường, nên giáo viên hiểu rõ hoàn cảnh, điều kiện học tập của học sinh và phụ huynh học sinh luôn đồng thuận chia sẻ với nhà trường.
– Phụ huynh học sinh không đóng học phí nhưng phải đóng thuế bình quân lên đến 30% trong tổng thu nhập để lo cho các phúc lợi xã hội, trong đó có giáo dục (với mức lương 2.700 Euro/tháng của giáo viên là cao, thuế phải đóng đến 35 hoặc 40%).
3. Công tác quản lý giáo dục được phân cấp mạnh mẽ cho nhà trường và cho giáo viên.
Quan điểm sư phạm nâng cao vai trò của nhà trường và giáo viên nói trên của Phần Lan được thể hiện rất rõ nét trong hệ thống quản lý nhà trường, giao quyền cho cơ sở trường học và cho giáo viên từ việc chọn phương pháp giáo dục, chọn sách giáo khoa và đánh giá học sinh. Với cơ chế phân cấp này giáo dục Phần Lan đã tạo điều kiện tối đa cho giáo viên dạy sát từng đối tượng học sinh, kích thích sự ham thích học tập của học sinh một cách hiệu quả.
Những vấn đề cần đặt ra cho giáo dục của ta hiện nay:
1. Triết lý “dạy người” trong giáo dục chưa được thể hiện đầy đủ trong hệ thống giá trị xã hội.
Đảng và Nhà nước ta thường xuyên nhắc nhở và nêu yêu cầu “dạy người” thành một tiêu chí quan trọng đánh giá quá trình dạy học của nhà trường. Nhưng trong thực tế, quan điểm đánh giá và thể hiện trong cuộc sống còn mang nặng tính khoa bảng, dạy bằng cấp, việc dạy người chưa được trân trọng.
2. Vai trò của phụ huynh học sinh phối hợp với nhà trường chưa được coi trọng ngang tầm với sự phát triển vốn có của xã hội.
Quan điểm kết hợp 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục được đề cập từ lâu trong xã hội nước ta. Nhưng thực tế vai trò của phụ huynh học sinh gắn bó với nhà trường vẫn còn những giới hạn. Đến nay, số lượng phụ huynh quan tâm đến việc học tập của con em có được nâng lên trong nhà trường, phụ huynh đến trường dự họp theo định kỳ nhiều hơn, nhưng vẫn còn không ít phụ huynh phó mặc cho nhà trường công việc giáo dục con trẻ, thậm chí không hợp tác, không chia sẻ khó khăn với nhà trường.
3. Cơ chế quản lý giáo dục hiện nay chưa phát huy hết tiềm lực của cơ sở trường học và giáo viên trong công cuộc đổi mới phát triển và hội nhập.
Cơ cấu xã hội ở nước ta đã đổi mới mạnh mẽ trong hơn 20 năm qua, nhưng cơ chế quản lý nhà trường rất chậm đổi mới.
Nhà trường là nơi dạy học, đào tạo con người, mà đời sống mỗi con người thì vô cùng sinh động, cảm xúc phong phú và tính không đồng đều rất phổ biến. Thế nhưng cơ chế tổ chức quản lý hiện nay của nhà trường thì ngược lại, vẫn còn hành chính bao cấp nặng nề, chưa thật sự giao quyền tự chủ cho cơ sở, vẫn áp đặt cho số đông nên giáo viên rất khó chủ động, sáng tạo để dạy sát từng đối tượng học sinh theo quan điểm dạy học cá thể đang được các nước có nền giáo dục tiên tiến thực hiện.
TS. Huỳnh Công Minh

Bình luận (0)