Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: Quyền học tập là ưu tiên số một

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Pháp đang học bài (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: I.T

Trong các cuộc đấu tranh xã hội (gần đây nhất là cuộc đấu tranh chống chủ trương tăng tuổi về hưu từ 60 lên 62), sinh viên Pháp tham gia rất nhiệt tình. Nhưng trước chủ trương bãi khóa của Công đoàn Sinh viên, nhiều sinh viên trả lời dứt khoát: Biểu tình? Đồng ý! Nhưng phong tỏa trường học? Không!
Ngày 22 tháng 10 vừa qua tại giảng đường N ở Trường Đại học Paris I-Tolbiac, hàng ngàn sinh viên đã tham gia một cuộc tập hợp toàn thể, trong một không khí sôi sục. Yêu cầu của cuộc tập hợp là huy động sinh viên chống đề án cải cách tuổi về hưu của Tổng thống, đề ra những yêu sách của sinh viên, xác định phương cách hành động… Một cuộc tranh luận không dự kiến đã nổ ra trong cuộc tập hợp trên, đó là nên hay không nên phong tỏa trường đại học? Kết quả rất bất ngờ: Trường đại học này, vốn nổi tiếng là dễ huy động thực hiện chủ trương của lãnh đạo Công đoàn Sinh viên theo cái kiểu của Toulouse II-le-Mirail, Montpellier III hay Rennes II (những trường nổi tiếng là chỗ dựa vững chắc của Công đoàn Sinh viên), thì nay một nửa sinh viên có mặt chống lại chủ trương phong tỏa trường học. Số sinh viên này nói rõ: Biểu tình? Đồng ý! Nhưng phong tỏa? Không!
Trường Đại học Tolbiac đã “chuyển từ màu đỏ sang màu hồng” (ngụ ý nhiệt huyết đấu tranh có giảm đi), theo cách nói của một số người tham dự cuộc tập hợp. Thực ra không phải chỉ có trường này, ở Lille III, một cuộc tập hợp toàn thể 750 sinh viên đã bác bỏ yêu sách phong tỏa đại học với 511/750 phiếu đồng thuận. Ngoài ra họ còn bỏ phiếu bác bỏ cải cách với 641 phiếu chống. Sau những phong trào năm 2009 (chống cải cách hiến chương các nhà giáo, nhà nghiên cứu), tiếp theo sau những phong trào năm 2007 (chống Luật Tự trị của các trường đại học, gọi là Luật Pécresse), năm 2010 sinh viên chỉ muốn được yên ổn học tập. Thái độ thờ ơ với đấu tranh tăng tỷ lệ thuận với tỷ lệ thất nghiệp…
Clément, sinh viên năm 2 Trường Luật Paris nói: “Tôi chưa nghĩ đến chuyện hưu trí, mà điều tôi quan tâm nhất hiện nay là những cuộc thực tập, sau đó là công việc. Ưu tiên số 1 của tôi là tìm một việc làm vừa ý còn hơn là sống một tuổi hưu tàn dần…”. Còn Boris, sinh viên kinh tế ở Trường Paris I nói: “Trong khi chúng tôi bãi khóa thì sinh viên các trường kinh tế và các trường tư vẫn học bình thường. Các cuộc bãi khóa làm hại đến uy tín chúng tôi; chúng tôi rất ủng hộ phong trào chống cải cách, nhưng đừng làm hại đến tương lai chúng tôi”. Tuy nhiên 83 trường đại học vẫn bị ảnh hưởng bởi cuộc đấu tranh ở nhiều mức độ: ngăn cản sinh viên đến trường, bãi khóa ngồi lì, phong tỏa cơ quan hành chính, chiếm giảng đường; sự tranh cãi làm náo động cả khu sinh viên, trong đó Pau, Limogues, Le Havre – là những nơi căng thẳng nhất. Theo ông Jean-Baptiste-Prévost, Tổng thư ký Liên hiệp Sinh viên Pháp, những bất đồng trong nội bộ sinh viên chắc còn kéo dài, tuy hình thức đấu tranh càng ngày càng “chín chắn” hơn. Ông nói: “Mục đích là mở rộng cuộc huy động và kết nối với những người làm công ăn lương, không phải là tạo ra mối căng thẳng giữa sinh viên với nhau. Cuộc phong tỏa không thể là một yếu tố để chia rẽ, và hình thức đấu tranh sẽ được cải tiến theo từng giai đoạn…”.
Các tổ chức xã hội đã giúp họ thoát khỏi tình trạng “nhất ì, nhì làm thinh”, nghĩa là “không gật, không lắc”, không tỏ rõ chính kiến ra sao. Trên Facebook, nhiều nhóm mới nở như hoa, nửa châm biếm, nửa đùa cợt, nói móc bên này bên nọ, ví dụ như lời kêu gọi: “Hỡi các bạn trẻ đi biểu tình, trước khi nghĩ đến chuyện về hưu, hãy suy nghĩ về tấm bằng của mình trước đã…”. Trang này có 113.000 lượt người đọc “một cuộc mít tinh trên trang web” kêu gọi những “người-không-bãi khóa” ký một bản kiến nghị có nội dung “ủng hộ cuộc đấu tranh của những người về hưu, nhưng phải đảm bảo và tôn trọng quyền học tập của sinh viên”. Cuộc “mít tinh trên mạng” này có 500.000 lượt người tham gia.
Phan Thanh Quang
 (Theo L’express

Bình luận (0)