Các sinh viên trao đổi trong giờ giải lao (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
|
Cô Kristin Draheim, trợ lý đào tạo của Trường ĐH Viadrina ở Francfort-sur-l’Oder nhại câu: “Mẹ ơi, đón con về nhà thôi”. Vừa nói cô vừa làm bộ mếu máo làm cả lớp cười ầm lên.
Trước mặt cô là khuôn mặt “non tơ” của 18 sinh viên (SV) nước ngoài mới đến Đức được ba tuần để học ĐH. Nhiệm vụ của cô là giúp SV nước ngoài làm quen với cách sống và nền văn hóa châu Âu, mà du học sinh cảm thấy xa lạ có ảnh hưởng không tốt đến học tập và giao tiếp trong môi trường mới.
Cô Kristin Draheim nói chuyện với SV mới về kinh nghiệm sống của chính mình. Năm 16 tuổi cô đã phải học một năm ở một trường tại Islande, mà không biết tiếng nước đó. Cô kể: “Thật là một thử thách rất khó khăn, nhưng cũng làm cho tôi cứng rắn hơn. May thay, mẹ tôi không mang tôi về nhà. Trái lại, bà tiếp thêm cho tôi nghị lực để ở lại học cho đến hết khóa và giúp tôi vượt nỗi khủng hoảng tâm lý”. Rồi những năm sau đó cô học ở Nga, Ba Lan trong trạng thái tâm lý tốt hơn. Nghe cô nói, SV có vẻ thông cảm vì trúng với tâm trạng của mình quá!
Du học theo học bổng Erasmus Mundus (Chương trình Hợp tác và du học trong lĩnh vực giáo dục sau ĐH do Ủy ban châu Âu xét duyệt, trợ cấp) là một vinh dự, vì đây là thời cơ rất tốt để trang bị kiến thức tiên tiến và giao lưu với bạn bè trên thế giới. SV được đi học theo học bổng này tự hào mang tên “SV Erasmus”. Nhưng tất nhiên họ phải đi đến một nơi xa lạ về mọi mặt về ngôn ngữ, phong tục, lối sống… Nhiệm vụ của cô Kristin Draheim là nói lại cho du học sinh những kinh nghiệm của bản thân về việc hội nhập với môi trường mới. Ví dụ, khi một người bạn Đức từ chối đi uống bia với mình, không phải vì anh ta không có cảm tình, mà vì không có thời gian và lịch làm việc của anh đã được xếp trước cả tuần. Du học sinh phải tìm hiểu và hòa nhập dần với lối sống và nền văn hóa của nước sở tại (nước Đức), đó là điều tất nhiên và cần đòi hỏi thời gian. Nhưng, trước hết họ phải nắm được những luật lệ có tính pháp quy của Nhà nước Đức để thi hành cho đúng, không được tùy tiện hiểu và làm trái. Ông Hiệu trưởng Trường ĐHViadrina nói: “Có nhiều du học sinh không có một hiểu biết gì về nhiệm vụ và quyền lợi của mình. Thậm chí họ không biết thể thức rút tiền trong tài khoản (số tiền phụ thuộc vào kết quả học tập do nhà trường xác nhận sau mỗi kỳ kiểm tra) ra sao. Có nhiều nữ SV đến văn phòng tôi khóc ròng vì không nhận được tiền học bổng mà không hiểu vì sao…”.
Cách sinh hoạt, học tập của SV mỗi nước cũng khác nhau. Ví dụ ở Đức: SV nghe giáo sư giảng và ghi chép theo cách của mình. Trong giờ trao đổi trực tiếp, người ta yêu cầu người học tích cực tham gia phát biểu, tranh luận, chất vấn, dù trình độ ngoại ngữ chưa tốt lắm. Nhiều SV còn bỡ ngỡ, ngại ngần, sợ bị cười…, nhất là SV châu Á – tuy họ chăm chỉ, chịu khó, không ham chơi, lười biếng như SV nhiều nước khác. Ngay cả việc thiết lập thời khóa biểu cũng làm SV lúng túng, vì tiết học từng môn ở Đức rất chi tiết, có thể nói là phức tạp, nếu không nắm vững sẽ bỏ lỡ bài học.
Trong thời gian sinh sống ở nước ngoài du học sinh còn cần phải hiểu “tính cách, tâm lý” của người sở tại để tránh những hiểu lầm đáng tiếc. SV thường phải trải qua hai giai đoạn tâm lý: đầu tiên là một cảm giác háo hức, có thể nói là phấn khởi, khi lần đầu tiên tiếp xúc với môi trường mới, người mới… Nhưng càng về sau càng thấy cô độc, bất an, lo lắng vì cái gì cũng lạ, cũng khác (khí hậu, ngôn ngữ, giờ giấc, thức ăn, quan hệ…), họ không biết xoay xở, hành xử ra sao cho đúng, cho hợp. Nhìn quanh quẩn không ai có thể chia sẻ, giúp đỡ. Cô Kristin chia sẻ: “Khi sống trong môi trường văn hóa mới, người ta phải trải qua một quá trình phức tạp về tâm sinh lý, gây ra mệt mỏi và sức ỳ, chẳng muốn làm gì. Lúc đó, theo kinh nghiệm bản thân, bạn nên đi chơi cho khuây khỏa, ra hiệu mua sắm cái gì đó, và nhâm nhi sô-cô-la nếu có thể, nghĩa là cho mình xả hơi, đừng lo lắng học tập quá…”.
Sayabil Garcia Ornelas, một nữ SV Mexico kể lại cô đã sống thế nào khi mới đến Đức: “So với người Mexico, người Đức có vẻ lạnh lùng, khép kín”. Cô nói: Hồi mới đến Đức, tôi không biết mua vé tàu điện thế nào, đáng lẽ họ sốt sắng giúp đỡ, thì họ chỉ đứng nhìn. Lúc đó cô chỉ muốn về nước. Nhiều SV nước ngoài cũng chia sẻ tâm trạng như cô, nghĩa là thấy cô độc, và sốc thật sự khi mới đến Đức. Nhưng chỉ cần một năm sau thôi, họ đã có nhiều bạn bè Đức và cảm thấy thoải mái. Cô viết cho bạn: “Có một bức tường giữa người nước ngoài và người Đức. Chính chúng ta là người cần đi trước phá vỡ nó đi”.
Tuổi trẻ dễ bị sốc, mà cũng dễ hòa nhập. Du học sinh cần xác định trước những khó khăn thuận lợi để chủ động hòa nhập, là điều kiện rất cần thiết cho học tập trong hoàn cảnh xa quê hương.
(Theo Courrier international)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)