Hằng năm cứ đến ngày hiến chương nhà giáo 20/11, tất thảy chúng ta đều bồi hồi, xúc động nhớ về hình ảnh những người thầy, người cô tâm huyết với nghề, miệt mài tháng năm và thậm chí là cả đời người để đưa tri thức đến với cộng đồng. Theo đó, nhân sự kiện đặc biệt này, Báo giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Cô Lê Xuân Hồng – Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng Đỏ với những chia sẻ thú vị xoay quanh chủ đề nghề nuôi dạy trẻ.
* Chào cô, cô có thể chia sẻ đôi chút về quá trình công tác trong ngành giáo dục mầm non và “đứa con tinh thần” của mình?
– Cô Lê Xuân Hồng: Tôi tốt nghiệp THPT năm 1972 đến năm 1973 thì sang Nga du học ngành Tâm lý giáo dục mầm non (1 năm dự bị và 4 năm đại học). Năm 1978 tôi về nước, làm giảng viên và sau này là cán bộ quản lý Trường Sư phạm mẫu giáo Trung ương III nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM. Công tác tại đây hơn 28 năm cho đến năm 2006 tôi nghỉ hưu.
– Bằng tấm lòng yêu nghề mến trẻ, vốn kiến thức học được ở nước ngoài cùng với kinh nghiệm công tác nhiều năm trong ngành nên năm 2007 tôi đã tự tin thành lập trường mầm non Hoa Hồng Đỏ. Tuy nằm ở quận ven Thành phố nhưng nhờ có không gian rộng rãi, thoáng mát và yên tĩnh với đội ngũ CB-GV-NV tận tâm trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ nên trường không chỉ phục vụ người dân trong địa bàn mà còn được các gia đình ở Q.2 và Q.Thủ Đức tin tưởng gửi trẻ.
* Có ý kiến cho rằng chăm sóc; giáo dục trẻ là một nghề “đặc biệt”, cô có nhận xét gì về điều này?
– Đúng là nuôi dạy trẻ là một nghề đặc biệt. Nghề không cần đòi hỏi kiến thức cao siêu nhưng lại đòi hỏi người dạy nhất thiết phải có tấm lòng yêu thương và đảm bảo các kiến thức, kỹ năng cơ bản trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngoài ra, nghệ thuật ứng xử khi giao tiếp với trẻ cũng là yếu tố quan trọng.
* Là người có nhiều năm công tác trong ngành, theo cô những trở ngại nào mà nghề nuôi dạy trẻ thường gặp phải?
– Vì không phải ai cũng nhận thức được đầy đủ về vai trò, mối liên kết giữa nhà trường – gia đình mà cụ thể hơn là giữa giáo viên – phụ huynh nên đôi khi có những quan điểm không đồng nhất trong giáo dục trẻ như: phụ huynh cưng chiều hay quan tâm trẻ một cách thái quá… làm các bé có tính ỷ lại, khó hình thành được thói quen tự lập.
– Là nghề chịu áp lực từ nhiều phía: đầu tiên là ngay bản thân các trẻ, tiếp đó là gia đình và xã hội nhưng với những ai đã xem nghề như “máu thịt”, khi từng ngày được nhìn những ánh mắt hồn nhiên cười đùa vui tươi, được chứng kiến trẻ lớn khôn, trưởng thành dưới bàn tay chăm chút của mình hẳn các cô, các mẹ sẽ cảm thấy hạnh phúc, nhanh chóng quên hết sự cực nhọc, áp lực.
* Xin cảm ơn Cô, chúc Cô sức khỏe – thành đạt!
Hồ Hải
Bình luận (0)