Chính quyền TP Hội An (Quảng Nam) vừa quyết định trùng tu các giếng cổ – những công trình kiến trúc vô cùng độc đáo do người Chăm tạo dựng.
Cỏ dại mọc um tùm bao phủ quanh một giếng cổ xuống cấp – Ảnh: Thanh Ba |
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện nay trên địa bàn TP có khoảng 80 giếng cổ, phân bố tập trung chủ yếu ở bờ bắc sông Ðế Võng (thuộc xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà), trong khu phố cổ và một số tọa lạc rải rác dọc các sông.
Những giếng cổ với kiến trúc đa dạng như hình tròn, hình vuông, trên tròn dưới vuông và số ít mang hình thù kỳ lạ do người Chăm xây dựng vào thế kỷ 15 là loại hình di tích lịch sử, văn hóa hết sức độc đáo.
Theo ông Nguyễn Chí Trung, hiện nay số giếng cổ được người dân tận dụng để khai thác nguồn nước phục vụ sinh hoạt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ngoài giếng cổ Bá Lễ và một số giếng như Trà Quế (xã Cẩm Hà), Xóm Cấm (xã Tân Hiệp), Mái (phường Cẩm Châu) thì tất cả giếng cổ còn lại đang rơi vào tình cảnh “vô dụng”.
Không ít giếng vì bỏ không lâu ngày đã đổ nát, cây cỏ mọc um tùm bao quanh thành giếng trông rất nhếch nhác.
|
Tuy nhiên, theo sự bào mòn của môi trường tự nhiên, các di tích này ngày một xuống cấp trầm trọng, nhiều giếng cổ dần dần biến thành phế tích, thậm chí bị “xóa sổ” theo thời gian.
Ông Nguyễn Chí Trung – giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An – cho biết: “Trong tài liệu khảo cổ, vùng đất một thời là thương cảng sầm uất này được coi là cái nôi của công trình giếng cổ do người Chăm dày công sáng tạo. Trung bình 50m sẽ có một giếng cổ."
"Thế nhưng do không được quan tâm đúng mức và tốc độ phát triển đô thị hóa chóng mặt đã kéo theo hệ lụy là các giếng cổ bị chôn vùi rất nhiều. Ðặc biệt, giếng nằm trong vườn nhà dân hầu như đã bị san lấp đến nỗi mất dấu tích”.
Trước thực trạng đó, vừa qua Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa đã tham mưu với UBND TP Hội An khẩn trương đánh giá thực trạng và nhanh chóng lên phương án bảo tồn giếng cổ trước khi quá muộn.
Ông Trương Văn Bay – phó chủ tịch UBND TP Hội An – cho hay: “UBND TP đã phê duyệt và giao Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản lập đề án trùng tu di tích giếng cổ. UBND TP dự định trong tương lai gần sẽ tận dụng các giếng cổ này để tạo điểm tham quan văn hóa, du lịch và điền vào danh sách các điểm đến của địa phương”.
Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch trùng tu, ông Nguyễn Chí Trung cho rằng việc trùng tu sẽ được chia nhỏ thành nhiều giai đoạn và không thể thực hiện gấp rút trong ngày một ngày hai.
“Trước mắt chúng tôi dự kiến tôn tạo tám giếng cổ chủ yếu tập trung ở trung tâm TP, bao gồm một số địa chỉ như công viên Kazik, nhà thờ tộc Nguyễn Tường, 685 Hai Bà Trưng, miếu Âm Hồn, đình Ông Voi, Tín Nghĩa từ” – ông Trung nói.
Song song với công tác trùng tu, đơn vị đảm nhiệm việc tôn tạo giếng cổ sẽ khai quật những giếng đã bị đất đá bồi lấp và tiếp tục lập hồ sơ tu bổ để các di tích này phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vốn có.
Theo TTO
Bình luận (0)