Kính bán trong cửa hàng còn chưa yên tâm huống chi hàng bán ngoài đường thế này càng nguy hiểm hơn với người sử dụng. Ảnh: V.M |
Tại TP.HCM hiện nay có hàng ngàn cửa hàng đo độ và bán mắt kính. Thế nhưng ngoại trừ một số đơn vị có bác sĩ hoặc kỹ thuật viên khúc xạ phụ trách, đo mắt và tư vấn cho khách hàng thì các cơ sở còn lại nhân viên đo độ, kết luận độ và bán mắt kính rất tùy tiện. Cách làm “ẩu” của một số cơ sở này khiến nhiều “thượng đế” phải tiền mất tật mang.
Đo mắt… mỗi nơi một kiểu
Trong vai một người đi đo mắt kính, cùng một buổi chiều chúng tôi nhận được mỗi nơi một kết quả khác nhau. Trung tâm mắt kính T.S trên đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9, TP.HCM) từ ngoài nhìn vào một chiếc máy điện tử và dụng cụ đo mắt được để ngay giữa gian trưng bày mắt kính. Người đàn ông chừng 30 tuổi vừa nhâm nhi ly cà phê vừa bấm vào máy đo rồi đưa ra kết luận: mắt trái 3 đi-ốp, mắt phải 3,25 đi-ốp.
Cảm thấy chưa an tâm, tôi lại đến Trung tâm mắt kính H.K cùng nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp với mong muốn sẽ có kết quả chính xác hơn. Bên ngoài trung tâm với dòng quảng cáo khá ấn tượng: “Đo mắt bằng máy điện tử miễn phí, nhanh và chính xác”. Một người phụ nữ mặc áo blue ra tiếp chuyện tôi. “Anh đi đo mắt hả. Anh đến đúng chỗ rồi đó, ở đây chúng em làm bảo đảm lắm. Anh cứ chọn gọng xong rồi em đo mắt cho”. Rồi cô gái giới thiệu đủ loại gọng với giá tiền từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng. Gọng kính mà cô gái vừa giới thiệu của hãng Godfrey (made in B&C) có giá 570 ngàn đồng. Tôi trả 400 ngàn đồng thì cô gái gật đầu đồng ý. Biết bị hố nên tôi giả vờ chần chừ. Cô gái giới thiệu thêm: “Nếu anh lấy gọng giá từ 350 ngàn đồng trở lên, anh sẽ được miễn phí tròng tùy vào gọng mắc rẻ thì tròng cũng đi theo như vậy”. Tôi chê mắc cô liền dẫn ra chỗ để những loại gọng rẻ hơn. Cô gái tiếp thị: “Anh nhìn đây, cũng kiểu dáng, màu na ná như thế nhưng cái có ký hiệu 9303A này có giá chỉ 100 ngàn đồng còn cái ký hiệu 53018 những 1,2 triệu đồng vì được mạ vàng, màu tươi hơn lại không gỉ sét”. Chưa xem gọng xong nhưng thấy tôi có ý định muốn đo mắt thì liền được cô đáp ứng ngay. Cô gái với tay bật hộp chữ, bật đèn sáng, khởi động máy điện tử. Cô đo khá kỹ lưỡng. Rồi tôi nhận được một kết quả: mắt phải 3,25 đi-ốp, mắt trái 3,75 đi-ốp.
Nguy hiểm khó lường
Theo bác sĩ Đào Anh Tuấn, Viện Mắt Sài Gòn thì: “Tiêu chuẩn của một phòng khám mắt phải là phòng có đủ khoảng cách, thông thường từ 5 mét đến bảng thị lực; phải đủ ánh sáng; vị trí đặt bảng thị lực phải ngang tầm với mắt, người đo mắt phải là người có trình độ chuyên môn được học nguyên lý cơ bản về thị lực, về khúc xạ…. Tuy nhiên hiện nay, tại TP.HCM chỉ những trung tâm lớn mới có kỹ thuật viên đủ nghiệp vụ, còn lại ở các cửa hàng thì chưa học hay chỉ học qua lớp quản lý mắt kính rồi hành nghề”.
Theo một khảo sát của Sở Y tế TP.HCM năm 2008 cho thấy, có đến gần 50% các em ở lứa tuổi học sinh bị khúc xạ mắt. Trong số đó nhiều em bị khúc xạ về mắt là do đeo mắt kính không đúng độ hoặc trái ngược hoàn toàn với tật của mắt. |
Theo anh Hoàng Hùng, Phó giám đốc Công ty Thành Nhân chuyên cung cấp về dụng cụ y tế cho hay: “Trang thiết bị khám mắt cũng là yếu tố quan trọng cho kỹ thuật viên đo độ chính xác. Nhưng những máy móc ở các cơ sở có đến 80% khi đo mắt đều có sai số vì được đầu tư thấp quá, máy móc cũ kỹ. Quẩn quanh toàn những máy “hết hạn sử dụng” hay dụng cụ đơn thuần như: hộp kính, máy đo khúc xạ tự động, đèn soi bóng đồng tử và dụng cụ phụ – trụ kính Jaction”. Đối với những người bị khúc xạ về mắt, nếu đeo kính không đúng độ thì sẽ gây nên những tác dụng phụ làm nhức đầu, mỏi mắt, thường xuyên bị choáng; nhìn vào vật không chính xác dẫn đến hoàng điểm và võng mạc bị ảnh hưởng. Thậm chí có nhiều trường hợp còn gây nên hiện tượng nhược thị.
Bác sĩ Đào Anh Tuấn cho rằng: “Với những người bị khúc xạ về mắt thì cần đi khám bác sĩ hoặc đến chuyên khoa mắt để xem có dị tật khúc xạ hay không và biến chứng của nó ra sao. Khi cắt kính lưu ý nên chọn những cơ sở lớn, có trang thiết bị và kỹ thuật tốt”.
Văn Mạnh
Bình luận (0)