Hội nhậpGiáo dục phát triển

Chương trình “Sống và làm việc”: Giúp học sinh tìm lại hứng thú trong học tập

Tạp Chí Giáo Dục

“Sống và làm việc” là một chương trình hữu ích, giúp các em học sinh chán học, bỏ học tìm lại cảm giác thoải mái, vui vẻ khi đến trường. Đặc biệt, chương trình còn rèn luyện, hoàn thiện các kỹ năng gần gũi mà các em đối mặt trong cuộc sống hàng ngày, Th.S Nguyễn Bá Tính, chia sẻ.

Th.S Nguyễn Bá Tính (bìa trái)

Khái quát về chương trình “Sống và làm việc” 
Chương trình này nhằm hướng dẫn các thanh thiếu niên đã bỏ học trở thành học sinh bình thường, rồi sau đó thành học sinh giỏi. Sở dĩ chương trình có tên “Sống và làm việc”, vì ngoài việc truyền đạt các kiến thức phổ thông, tôi còn chia sẻ những kinh nghiệm sống và tâm tư con người với các cháu. Cũng trong tinh thần đó, các cháu tới đây không thuần túy để học, dĩ nhiên học là một phần quan trọng trong chương trình, mà còn để làm việc, nghĩa là các cháu và tôi sẽ có những dự án cùng làm với nhau. Có những dự án tôi làm chủ nhiệm, có những dự án một cháu sẽ làm chủ nhiệm, và tôi chỉ là thành viên. Nhờ vậy chúng tôi sẽ học hỏi được nhiều thứ ngoài kiến thức nhà trường.
Có phù hợp với học sinh Việt Nam?
Theo tác giả nhiều năm nghiên cứu chương trình, Th.S Nguyễn Bá Tính thì ở Việt Nam điều kiện kích thích (ước muốn con thành danh bằng con đường học vấn) vượt hẳn bên Mỹ – quốc gia mà chương trình “Sống và làm việc” đã được triển khai hiệu quả. Vì vậy, chương trình sẽ được ứng dụng và mang lại kết quả tốt tại Việt Nam.
Đối tượng áp dụng
Đối tượng mà chương trình hướng đến chính là các bạn học sinh bỏ học, chán học, thậm chí sợ học. Và chương trình đã rút ra kết luận là tất cả những điều nêu trên là do “học khó” gây ra. “Học khó” sinh ra học kém, mất căn bản, ngỗ nghịch, phá phách, chán học, sợ học…
 “Học dễ” là nền tảng của vấn đề
Chương trình “Sống và làm việc” đang áp dụng các nhiều phương pháp nhằm giúp các bạn học sinh tiếp thu kiến thức bài học một cách dễ dàng. Có thể kể đến như:
Bài giảng chứa nhiều hình ảnh: kết quả không những bài học dễ hiểu, mà nguyên tắc là nhớ được lâu. Thí dụ bài giảng về chia phân số, trước kia vì khó mô tả thành lời để học sinh dễ nhớ nên ta thường biến toán chia phân số thành toán nhân phân số rồi mới nhân hai phân số để tìm kết quả. Nay dùng được hình ảnh, ta vẽ đường dẫn màu xanh từ tử số thứ nhất đến mẫu số thứ nhì rồi vòng lên tử số kết quả, sau đó là một đường dẫn màu đỏ từ mẫu số thứ nhất tới tử số thứ nhì rồi vòng xuống mẫu số kết quả. Nhìn hai đường dẫn xanh, đỏ bắt chéo học sinh nhớ mãi cách nhân chéo để tìm kết quả trong phép chia phân số.
Bài giảng chia làm nhiều bước nhỏ: tất nhiên ai cũng dạy từng bước, tuy nhiên sau mỗi bước mà không có biện pháp để học sinh “ngấm” bước đó, mà đã đi bước khác, thì sự phân chia bước chỉ là hình thức chứ không là thật sự. Chúng tôi chia bài giảng ra từng bước nhỏ, và sau mỗi bước nhỏ là 10 bài tập để học sinh “ngấm” bước đó trước khi qua bước kế tiếp. Các bài tập này đều được kiểm chứng, và nếu sai sẽ được hướng dẫn cách làm, hơn thế nữa nếu sai nhiều phải trở lại phần bài giảng học lại từ đầu.
Làm học sinh trở nên “nhuyễn”: cứ vài bài mới, học sinh lại phải ôn tập lại 10 bài cũ (chọn ngẫu nhiên từ các bài đã học). Bài ôn nào làm sai thì phải trở lại học như một bài mới. Cách thức này không những phát hiện được các chỗ hiểu còn hời hợt của học sinh (vì thế nên làm bài tập sai), mà còn làm học sinh “nhuyễn” (làm đúng, tức hiểu rõ, nhưng có dịp làm lại nên hiểu sâu hơn)…
Để phụ huynh yên tâm
Phụ huynh có con đã bỏ học, chán học hoàn toàn có quyền khắt khe trong chọn lựa giải pháp giúp con mình quay trở lại học đường. Và chương trình không chỉ dừng lại vấn đề bỏ một số tiền cho con thử đi học, được thi tốt, không được thì thôi, mà còn hướng đến tương lai của một con người, một thế hệ. Do đó, ngay cả đối với các phụ huynh không đặt vấn đề, chương trình cũng trình bày ưu điểm cũng như giới hạn. Để từ đó, phụ huynh có thể nắm bắt được ý nghĩa của chương trình, chung tay với chương trình giúp các em phát triển một cách toàn diện nhất có thể.
Thông tin chi tiết, các bạn có thể truy cập website: www.SongVaLamViec.com.
Quốc Tuấn

Bình luận (0)