Bên cạnh một bộ phận thanh niên khu đền bù giải tỏa ở Q.2 mải mê xài tiền đền bù thì nhiều bạn trẻ khác vẫn cố gắng tìm cách sử dụng hợp lý số tiền này để lo cho tương lai của mình, gia đình mình.
Bạn M.Huyền chí thú với công việc bảo vệ ở một công ty – Ảnh: N.N. |
>> Bài 1: “Dân chơi Thủ Thiêm” thời rủng rỉnh
>> Bài 2: Thanh niên khu đền bù giải tỏa – Bài 2: Chỉ biết hôm nay
Anh T.V.The sau khi nhận tiền đền bù đã chuyển đến sinh sống tại khu tái định cư ở P.Thạnh Mỹ Lợi. Số tiền đền bù chưa đủ mua đất xây nhà mới nên anh chọn giải pháp mua một căn hộ chung cư; phần tiền dư được gửi ngân hàng dùng vốn làm ăn sau này. Hằng ngày anh vẫn cưỡi chiếc xe máy Trung Quốc cũ đến nơi làm việc. Công việc bốc xếp ở cảng tuy vất vả nhưng đó là nghề ổn định nuôi sống anh và gia đình từ nhiều năm nay, và anh cho biết không có ý định bỏ nghề này, với suy nghĩ làm việc gì cũng phải tính toán cho kỹ lưỡng rồi mới đi đến quyết định nhằm tránh sai lầm.
Còn anh Đức mới đầu ôm một “cục” tiền đền bù cũng nghĩ đến chuyện mua sắm này nọ cho gia đình. Nhưng suy đi tính lại anh quyết định sang Q.Thủ Đức tìm mua một căn nhà, bởi theo anh có an cư mới có thể lạc nghiệp được. Những vật dụng như xe máy, tủ lạnh, tivi… từ ngôi nhà cũ anh không đem bán rẻ như nhiều gia đình khác mà đều chuyển sang nơi ở mới để dùng lại. Đối với anh, xe cũ còn đang đi được thì không cần thiết mua xe mới cho lãng phí, bởi ai cũng cần phải tiết kiệm tiền lo cho tương lai. Hằng ngày anh đều đặn đến công trường làm thợ xây dựng, cái nghề vốn đã gắn bó và nuôi sống mình cả chục năm nay.
Trong khi đó, trong lúc chờ nhận tiền đền bù, bạn P.M.Huyền (P.An Khánh) vẫn khá bình tĩnh. Anh cho biết: vấn đề là sử dụng số tiền như thế nào cho hợp lý: vừa lo được chỗ ở mới cho gia đình vừa tạo được công ăn việc làm mới ổn định cho người thân, bởi khi chuyển đi thì các mối làm ăn cũng như công việc cũ có khả năng không còn thuận lợi như trước nữa. Thậm chí Huyền lo lắng: “Với giá nhà đất hiện nay ở Q.2 cũng như tại các quận khác, việc mua lại một căn nhà vừa ý, diện tích tương đương nhà cũ của mình tại khu giải tỏa là vấn đề hết sức khó khăn”.
Nhiều năm làm thợ điện gia dụng, đêm học võ rồi chuyển sang làm vệ sĩ bảo vệ từ hơn 10 năm nay, tuy sắp nhận được một khoản tiền đền bù nhưng Huyền vẫn không có ý định chuyển đổi nghề. Thu nhập bảo vệ 1,8 triệu đồng/tháng nhưng Huyền vẫn dự định gắn bó lâu dài. Theo Huyền, mỗi người đều có một chuyên môn riêng, được hình thành từ lúc mới bắt đầu đi học cho đến khi đi làm. Làm nghề nào cũng đòi hỏi nghiệp vụ, chứ không thể có một số vốn rồi chuyển sang làm nghề khác thì có thể đổi đời ngay được. “Dù nơi ở mới có hoàn cảnh như thế nào tôi vẫn quyết giữ nghề và những đam mê của mình – Huyền tâm sự, rồi bảo thêm – Suy tính kỹ thì tiền đền bù phải được dùng cho việc lo nơi ở mới và ổn định nghề nghiệp để lo cho tương lai vẫn còn rất dài và khó khăn phía trước”.
“Chữa cháy” vẫn chưa muộn TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết – chuyên gia hỗ trợ xã hội và tái định cư, từng làm cố vấn nhóm xã hội của dự án kênh Tân Hóa- Lò Gốm (Q.6) – chia sẻ: Ngay từ đầu triển khai dự án đã có nhóm xã hội cùng phối hợp làm công tác dân vận. Chúng tôi đưa người dân đến tham khảo những nơi có mô hình tốt để lập những nhóm tiết kiệm. Trong bất cứ việc gì, bà con đều có quyền tham gia góp ý, ngay cả việc xây dựng những khu tái định cư, người dân cũng giám sát, đưa ra yêu cầu về kiểu dáng nhà. Nhân viên xã hội biết rõ tình hình của từng gia đình để tư vấn, hỗ trợ họ chọn phương án tái định cư hay nhận tiền đền bù. Song song với việc định hướng giúp họ học nghề còn tìm cách giới thiệu việc làm cho họ. Chúng tôi còn triển khai cả việc người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm cho thấy nếu người dân được tham gia ngay từ đầu triển khai dự án, sự đồng thuận sẽ cao hơn. Đến nay dù ở khu tái định cư bà con vẫn duy trì mô hình tiết kiệm. * Với tình hình sử dụng tiền đền bù của người dân khu vực giải tỏa (Q.2), TS có thể góp ý điều gì? – Thật ra việc các nhóm xã hội phải được vào cuộc ngay từ đầu triển khai dự án, còn đến bây giờ chỉ là giải pháp “chữa cháy”, nhưng có lẽ vẫn chưa muộn. Nhất thiết phải nâng cao nhận thức cộng đồng hay nôm na là gây thức tỉnh cộng đồng bằng cách tổ chức các nhóm đồng đẳng là các hộ gia đình chưa nhận tiền đền bù. Các đoàn thể hoặc nhân viên xã hội thông tin đến họ những trường hợp đã nhận tiền đền bù và hiện đang làm gì, phải có mặt tốt và mặt chưa tốt; chẳng hạn ông A sử dụng tiền đền bù để làm ăn, ông X chia tiền cho con cái hưởng thụ và rơi vào cảnh khó khăn… Theo tôi, những câu chuyện có thật ấy là hình ảnh sống động để người dân cùng thảo luận và tự tìm ra cách giải quyết của mình. KIM ANH thực hiện |
NGUYỄN NAM (TTO)
Bình luận (0)